Giới trẻ 'nhảy việc' - bài toán nan giải cho tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp

Giới trẻ 'nhảy việc' - bài toán nan giải cho tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Thuật ngữ “Gen Z” xuất hiện lần đầu vào năm 2000 trên tờ Adage, sau này được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực marketing. Bằng việc phân chia khách hàng theo những nhóm nhân khẩu học khác nhau (Gen Z, Millennials, Baby boomer), người nghiên cứu thị trường có thể nắm bắt tâm lý khách tốt hơn, từ đó giúp tạo ra sản phẩm mang tính cá nhân hóa. Theo đó, thế hệ gen Z chủ yếu là học sinh THPT, sinh viên và một số “tấm chiếu mới' bước vào thị trường lao động.
Ứng viên Gen Z tự tin tìm kiếm công việc tại một công ty tuyển dụng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo số liệu thống kê mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa thì tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%. Tính đến hết quý II/2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 48.800 lao động, đạt 84,1% kế hoạch năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế cho thấy, việc nhân sự của các công ty thường xuyên thay đổi công việc - “nhảy việc” - cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân sự. Anh T - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Truyền thông chia sẻ: “Thực tế cho thấy, các bạn thế hệ gen Z bây giờ thực sự rất giỏi, học việc nhanh, thông thạo sử dụng công nghệ thông tin - những điều mà thế hệ như chúng tôi không làm được, nên rất cảm kích. Tuy nhiên, có một số bạn đang coi việc đi làm như “trải nghiệm vui chơi”, làm việc với xu hướng cầm chừng, đôi khi còn chưa hiểu được mình muốn gì? Cần gì? Chưa kể, một số bạn sinh ra và lớn lên trong gia đình đầy đủ điều kiện, được bố mẹ yêu chiều “vô điều kiện“” nên hình thành tâm lý không tha thiết với việc đi làm, nếu không đi làm thì đã có bố mẹ nuôi và khi phải đối mặt những khó khăn nhỏ nhặt tại đơn vị sẽ buông xuôi hoặc có thái độ “bất cần”. Gen Z dễ có suy nghĩ “không làm chỗ này thì làm chỗ khác” hay “thiếu gì việc làm phù hợp”.
“Nhảy việc” cho thấy thế hệ Gen Z không cố gắng, không chỉn chu, khó thích nghi với môi trường làm việc, sống ỷ lại, vì vậy rất khó “tự lực cánh sinh” để vươn lên phát triển. Chị K - chuyên viên một đơn vị tuyển dụng cho rằng: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ mới ra trường, nôn nóng tìm được công việc nhưng chưa thực sự hiểu về bản thân, chưa biết điểm mạnh, điểm yếu, khả năng của mình phù hợp với công việc gì; lại vừa thiếu kiến thức về thị trường lao động không có lộ trình phát triển nghề nghiệp của công việc đang hướng tới. Hơn nữa, yêu cầu công việc ở các công ty khác nhau, mức lương trung bình cho các vị trí khác nhau, phong cách làm việc ở các công ty cũng khác nhau, v.v... nên một bộ phận giới Gen Z thường có những ảo tưởng không thực tế về một “công việc trong mơ”. Ví dụ: khả năng giao tiếp chưa tốt thì không nên thử sức với công việc sale vì công việc này đòi hỏi cần kỹ năng giao tiếp tốt, sự hoạt ngôn. Bạn chưa biết Adobe Photoshop, Adobe Premiere thì không nên ứng vào vị trí editor - đòi hỏi cần thành thạo các ứng dụng photoshop và eidt video...
Thế hệ Gen Z nên khiêm tốn, đừng “ảo tưởng” sự tài giỏi của mình một cách mù quáng. Ảnh minh họa
Liệu lỗi có phải tất cả tại ở thế hệ Gen Z: “Trên thực tế, bất cứ một công ty nào cũng mong muốn tuyển dụng được nhân sự tốt, đồng hành lâu dài, ít phải tuyển “newbie” vì sợ phải training lại và tâm lý của ứng viên cũng không muốn ứng tuyển vào những công ty liên tục đăng tin tuyển dụng. Nhưng yếu tố cốt lõi để xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ứng viên thì lại bị bỏ qua, nhiều doanh nghiệp trả lương chưa thỏa đáng với vị trí việc làm mà đơn vị tuyển dụng vì nghĩ ứng viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm vào phải đào tạo thêm. Nhưng thực tế các ứng viên xin việc cũng phải “có thực mới vực được đạo”. Xã hội thì cũng có người này, người kia chứ nói gì đến cả một thế hệ Gen Z đừng biến chúng em trở thành những con người xấu tính ích kỷ, chỉ biết lo cái lợi cho bản thân, sống chạy theo trào lưu” - bạn P, một Gen Z bộc bạch.
Ở một khía cạnh khác, mối quan hệ đôi bên cùng có lợi nhưng lại chỉ thế hệ Gen Z bị “mang tiếng”: “Là một người trẻ tôi nhận thấy “nhảy việc” không có vấn đề gì là sai hay chạy theo trào lưu; bởi ví công ty như một nơi mua bán chất xám, sức lao động, thì việc mua rồi “bán” để thu về sản phẩm mang lại lợi nhuận. Nhưng nếu sự cống hiến, sức lao động nhận được không tương xứng họ có quyền rời đi là điều hiển nhiên. Đến tôi đã có thâm niên cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề còn không ngại thay đổi khi thu nhập không tương xứng với sức lao động của mình bỏ ra chứ đừng nói là giới trẻ có thực lực”. Chị H chia sẻ.
Những tư tưởng này đang “ăn mòn” chí tiến thủ ở giới trẻ. Ảnh minh họa
Quyền lợi và nghĩa vụ luôn song hành với nhau, ứng viên không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lương cao, phúc lợi tốt trong khi đó công việc lại nhàn hạ, ít áp lực và ngược lại doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích, lợi nhuận của đơn vị mà bỏ qua việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên; không quan tâm đến văn hóa, văn nghệ, TDTT, môi trường làm việc độc hại thì sao giữ chân nổi nhân viên? Dĩ nhiên, việc “vỡ mộng” khi đi làm là điều mà thế hệ nào cũng trải qua. Tuy nhiên, để giảm thiểu việc giới trẻ “bỏ việc, nhảy việc” đang ngày càng phổ biến hiện nay cần sự thấu hiểu và cải thiện môi trường làm việc cả từ phía người lao động lẫn doanh nghiệp, giúp tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, đồng thời khơi gợi được sự cống hiến tích cực của người lao động cho doanh nghiệp.
Phú Lan
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/gioi-tre-nhay-viec-bai-toan-nan-giai-cho-tuyen-dung-nhan-su-cua-doanh-nghiep-33287.htm