Giới trẻ Trung Quốc đổ xô làm 'blogger thất nghiệp'

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô làm 'blogger thất nghiệp'
3 giờ trướcBài gốc
Hiện tượng "naked resignation", tức nghỉ việc không có công việc mới chờ sẵn, đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Nhiều người, như Lu Xixi (30 tuổi, Trung Quốc), cựu nhân viên ByteDance, đã biến việc nghỉ việc thành cơ hội khởi nghiệp bằng nghề "blogger từ chức" trên mạng xã hội.
Sau khi chia sẻ trải nghiệm rời bỏ "gã khổng lồ internet", Lu thu hút hơn 120.000 người theo dõi và kiếm được hơn 7.000 USD trong tháng 8 từ livestream, quảng cáo và kinh doanh nội dung số.
Lu Xixi quyết định nghỉ việc ở tuổi 30. Ảnh: NVCC.
Nền tảng phân tích Feigua ghi nhận chủ đề "Tôi đã từ chức" trên Xiaohongshu tăng thêm 21.232 người tham gia chỉ trong nửa đầu năm nay, chủ yếu là cựu nhân viên các "ông lớn" công nghệ như ByteDance, Tencent và Alibaba, theo Think China.
Các "blogger từ chức" thường đăng ảnh thẻ nhân viên ngày cuối làm việc kèm dòng trạng thái gây chú ý, như "một like và tôi nghỉ việc", để thu hút người theo dõi.
"Nhiều người theo dõi các blogger từ chức như một hình thức 'sống hộ'. Họ nghỉ việc và theo đuổi cuộc sống mà nhiều người hằng mơ ước - đó là sự 'từ chức gián tiếp' dành cho những người theo dõi", Xia Zhinan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Newrank, nhận định.
Các "blogger từ chức" thường đăng ảnh thẻ nhân viên ngày cuối làm việc. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.
'Bể chứa người thất nghiệp'
Quyết định từ chức của Lu Xixi vào tháng 10 năm ngoái trùng với thời điểm dư luận Trung Quốc sôi nổi bàn luận về vấn đề việc làm.
Theo thống kê của Xiaohongshu, các bài đăng liên quan đến công sở đã tăng 132% so với cùng kỳ năm trước đó. Trước đó, sau khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong 3 tháng liên tiếp, chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu này.
"Cả tôi và chồng đều làm việc cho các 'ông lớn' internet với cường độ làm việc khắc nghiệt. Chúng tôi đều gần 30 tuổi và lo sợ sẽ bị sa thải", Lu nói.
Tương tự, blogger Yuanbaomei (Trung Quốc) cũng quyết định từ bỏ công việc áp lực tại các công ty trong lĩnh vực internet sau 6 năm chịu đựng.
"Xe cộ cần bảo trì, con người cũng vậy", cô chia sẻ lý do nghỉ việc.
Lu Xixi so sánh việc làm blogger với những công việc thời vụ như lái xe công nghệ hay giao đồ ăn, coi đó là lựa chọn phổ biến cho người thất nghiệp.
"Nó giống như một bể chứa người thất nghiệp", cô nói.
Nhiều blogger chia sẻ cuộc sống sau khi nghỉ việc trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.
Công ty 'một thành viên'
Khi từ chức, Lu Xixi đã tận dụng kinh nghiệm làm việc để đăng tải những nội dung như "Tôi nghỉ việc ở một 'ông lớn' Internet và cuối cùng cũng có thể nói sự thật", thu hút lượng lớn người theo dõi và có hợp đồng quảng cáo.
Tuy nhiên, nguồn thu nhập này bấp bênh, cũng không ổn định. Cô bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh bằng cách livestream bán hàng và tư vấn những người muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý kênh nội dung. Nhờ đó, thu nhập của cô dần ổn định.
Giờ đây, Lu Xixi tự nhận mình là "công ty một thành viên". Công việc rất vất vả nhưng cô tìm thấy niềm vui thực sự khi được làm những gì mình đam mê.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Lu Xixi. Blogger Yuanbaomei, dù kiếm được nhiều tiền hơn công việc cũ, vẫn đối mặt với áp lực tài chính và tâm lý.
"Mỗi khi kiếm được tiền, tôi lại tự hỏi thu nhập này có bền vững không? Liệu tôi có thể kiếm được chừng này một lần nữa?", Yuanbaomei chia sẻ. Cuối cùng, cô quyết định quay trở lại làm việc sau 2 tháng "nghỉ ngơi".
Xia Zhinan nhận định rằng sự nghiệp "blogger từ chức" khó duy trì lâu dài do đòi hỏi cao về thời gian, công sức và khả năng kiếm tiền từ nội dung.
Ngành công nghiệp internet là động lực chính thúc đẩy việc làm ở Trung Quốc, nhưng đang chứng kiến làn sóng sa thải liên tục trong những năm gần đây. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.
Mặc dù khuyến khích tinh thần "nghỉ việc để tái tạo bản thân", một bài báo của Văn phòng quản lý không gian mạng Tây An (Trung Quốc) vẫn nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định từ chức.
Theo Zou Sheng, trợ lý giáo sư tại trường Truyền thông thuộc ĐH Baptist Hong Kong (Trung Quốc), việc sản xuất và tiêu thụ nội dung của các blogger từ chức giống như "một quá trình chia sẻ để giải tỏa cảm xúc".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Newrank cho rằng đây là xu hướng tất yếu của thời đại, khi mà người trẻ đang dần cởi mở hơn trong việc chia sẻ những vấn đề cá nhân và tìm kiếm sự đồng cảm trên không gian mạng.
Như Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/gioi-tre-trung-quoc-nghi-viec-tay-khong-lam-blogger-kiem-tien-post1514133.html