Giới trẻ Trung Quốc tìm đến bói toán giữa khủng hoảng kinh tế

Giới trẻ Trung Quốc tìm đến bói toán giữa khủng hoảng kinh tế
8 giờ trướcBài gốc
Bức tường dán những điều ước tại quán bar One As All ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Amy Hawkins
Khi bói toán trở thành lối thoát
Tại quán bar One As All ở quận Phong Đài, Bắc Kinh, những tấm bảng ghi tay “Thi đỗ. Gặp Mr. Right. Làm giàu” được dán trước cửa như những điều ước âm thầm.
Quán bar này không chỉ bán cocktail mà còn phục vụ dịch vụ bói qiuqian, một hình thức xin quẻ que gắn với tín ngưỡng Đạo giáo, nay được làm mới theo phong cách Gen Z.
Với giá khởi điểm "may mắn" 88 tệ cho một ly rượu, khách có thể thưởng thức không gian huyền ảo, nơi mùi trầm hương từ đền nhỏ bên cạnh tỏa ra, và được thầy bói trẻ tuổi Derrex Deng giải nghĩa những thông điệp tâm linh.
Câu hỏi về tình yêu, sự nghiệp, thậm chí là kỹ năng nhắn tin với người thân cũng được giải mã qua các que số.
Xu hướng tìm đến bói toán không còn là hiện tượng nhất thời. Giữa lúc kinh tế Trung Quốc chững lại và các giá đỡ tâm lý như nghề nghiệp, tài chính, tình cảm trở nên mong manh, nhiều người trẻ tìm đến bói toán và chủ nghĩa thần bí như một phương thức để trấn an nội tâm.
Ứng dụng chiêm tinh Cece do Tencent hậu thuẫn đã cán mốc 100 triệu lượt tải, trong khi trên mạng xã hội, người ta ví việc tin vào tâm linh như “dấu hiệu rõ ràng của suy thoái”.
Các quán bar tâm linh như One As All mọc lên không phải để làm giàu, mà như cách chủ quán Ma Xu chia sẻ: “Đó là nơi để người ta xả áp lực. Trước đây, họ đi du lịch hay mua sắm. Giờ kinh tế khó khăn, họ đến đây uống một ly và tìm chút dẫn lối cho cuộc sống.”
Khách đến quán bar One As All. Ảnh: Quán bar One As All
Văn hóa truyền thống được ưa chuộng
Không giống như bài tarot phương Tây từng phổ biến một thời, nhiều người trẻ Trung Quốc nay quay lại với bói toán gắn liền văn hóa dân tộc, từ qiuqian đến bát tự, tử vi, thậm chí là thờ cúng tổ tiên.
Ning Ning, một phụ nữ 37 tuổi, cho biết cô không tin vào tarot vì “thiếu kết nối văn hóa” và chỉ tin vào các hình thức bói truyền thống như trong Đạo giáo hay Phật giáo.
Xu hướng này, theo nhà phân tích tiêu dùng Yaling Jiang, bắt nguồn từ niềm tự hào văn hóa dân tộc đang lớn dần. Khi các thương hiệu nội địa như Labubus, DeepSeek bước ra thị trường toàn cầu và phim thần thoại như Na Tra 2 gây sốt phòng vé, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng bắt đầu quay lại với văn hóa cội nguồn.
KHÁNH MY
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/gioi-tre-trung-quoc-tim-den-boi-toan-giua-khung-hoang-kinh-te-148192.html