Các công cụ như: ChatGPT, Canva AI hay phần mềm phân tích dữ liệu đã được nhiều bạn trẻ tại Gia Lai sử dụng linh hoạt để đổi mới cách làm việc. Chị Trần Thị Mai (28 tuổi; trú tổ 7, phường Phù Đổng, TP, Pleiku) là một trong số đó.
Với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non, chị Mai thường sử dụng Canva AI để tạo ra những hình ảnh bắt mắt, sinh động trực quan nhằm cuốn hút trẻ trong vào bài học, giúp trẻ dễ hình dung một sự vật, sự việc nào đó.
"Tôi không phải mất thời gian đi tìm mà vẫn có hình ảnh mong muốn, đa dạng về thể loại như: tranh, ảnh, đồ họa... Thật sự, Canva AI là một công cụ hỗ trợ đắc lực đối với giáo viên”-chị Mai bày tỏ.
Bức ảnh được tạo từ Canva AI thông qua một vài từ khóa do người dùng cung cấp. Ảnh: H.H
Ở lĩnh vực truyền thông, bạn Đỗ Lan Anh (23 tuổi; nhân viên Content Marketing, Công ty Truyền thông Sun Media GL) cũng linh hoạt sử dụng AI để nâng cao hiệu suất công việc.
Lan Anh chia sẻ: "Sau khi vào Công ty, ngoài tìm hiểu về quy trình làm việc, tôi còn được training về cách sử dụng các ứng dụng AI như ChatGPT. Điều này giúp những người trẻ như tôi được hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin, phân tích đề tài và cung cấp nguồn dữ liệu, tư liệu ban đầu tốt hơn, tiết kiệm thời gian đáng kể.
Nhờ có AI, tôi cảm thấy tự tin hơn, hiệu quả công việc được nâng cao. Trước đây, mỗi ngày, tôi chỉ hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc nhưng hiện tại hiệu suất đã đạt tới 100% nhờ công nghệ AI này”.
Bên cạnh đội ngũ lao động, các chủ doanh nghiệp tại Gia Lai cũng không đứng ngoài xu hướng trong thời đại công nghệ số.
Anh Phan Nguyên-Giám đốc Công ty Truyền thông Sun Media GL-cho biết: “Là một đơn vị truyền thông yêu cầu sự sáng tạo cao, chúng tôi không hạn chế nhân viên sử dụng AI. Tuy nhiên, việc hiểu và sử dụng đúng cách là điều rất quan trọng. Ngoài đào tạo nội bộ, chúng tôi khuyến khích nhân sự tham gia các khóa học ngắn hạn để nắm bắt những kỹ năng cần thiết”.
Tương tự, công nghệ AI cũng được áp dụng ở lĩnh vực nông nghiệp. Tại Trung tâm Giống cây trồng chất lượng cao Thông Đỏ (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), tất cả hệ thống trong Trung tâm được cài đặt quản lý thông minh, có thể theo dõi và kiểm soát từ xa thông qua smartphone.
Ngoài kiểm soát được độ ẩm, nhiệt độ, lượng nước cần tưới cho từng khu vực, mỗi cây chanh dây khi có vấn đề cũng đều được Trung tâm Giống cây trồng chất lượng cao Thông Đỏ cập nhật lên phần mềm để các bộ phận nắm bắt và đến xử lý. Ảnh: H.H
“Ngay từ khâu tuyển dụng lao động, ngoài chuyên môn, chúng tôi còn yêu cầu cần có kỹ năng cơ bản về Tin học văn phòng, Tiếng anh hay kỹ năng mềm... để khi hướng dẫn, đào tạo sử dụng các hệ thống tự động hay nhập liệu trên hệ thống chung có ứng dụng AI, lao động sẽ nhanh chóng tiếp cận, tránh mất quá nhiều thời gian trong khâu đào tạo”-chị Trần Thị Thùy-Trưởng phòng nhân sự, Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao Thông Đỏ-thông tin.
Dẫu AI mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Gia Lai chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các giải pháp AI hiện đại. Muốn áp dụng AI vào quản lý hàng hóa nhưng chi phí ban đầu quá lớn, chưa kể phải đào tạo nhân viên. Điều đó khiến nhiều đơn vị chùn bước, dù biết rằng công nghệ này sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, không phải lao động trẻ nào cũng dễ dàng tiếp cận cũng như ứng dụng AI vào công việc. Mai Nguyễn Bảo Hân (21 tuổi; nhân viên kinh doanh tại một doanh nghiệp nhỏ ở Pleiku) chia sẻ: “Mình thấy AI rất hữu ích, song để sử dụng thành thạo thì không hề đơn giản. Chẳng hạn, các phần mềm hỗ trợ phân tích dữ liệu yêu cầu phải biết chút kiến thức về lập trình hoặc sử dụng tiếng Anh tốt. Điều này khiến mình gặp khó khăn, bởi bản thân vốn không được học chuyên sâu về công nghệ”.
Còn với Phạm Vũ Xuân Hoàng (23 tuổi; nhà sáng tạo nội dung về Gia Lai trên TikTok) thì trăn trở: “AI tốt nhưng mình sợ rằng nếu phụ thuộc quá nhiều, mình sẽ mất đi kỹ năng cơ bản, mất đi tính sáng tạo vốn có. Ai xung quanh mình cũng lo lắng rằng AI có thể thay thế công việc của con người trong tương lai”.
Thiết nghĩ, để người trẻ tại Gia Lai tận dụng hiệu quả AI, doanh nghiệp cần có sự đầu tư trong khâu đào tạo và cung cấp công cụ AI phù hợp cho nhân viên. Đội ngũ lao động trẻ cũng phải luôn chủ động học hỏi thông qua các khóa học trực tuyến và thực hành sử dụng công nghệ. Hơn cả là các nguồn đầu tư công vào hạ tầng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận giải pháp AI với chi phí hợp lý.
AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là đòn bẩy để người trẻ Gia Lai vươn xa trong kỷ nguyên số. Dù vẫn còn những thách thức, song với tinh thần học hỏi, tin rằng, thế hệ trẻ tại Gia Lai hoàn toàn có thể bắt kịp với xu hướng toàn cầu, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển bứt phá hơn trong thời gian đến.
HOÀNG HOÀI