Giới trẻ và 'nỗi sợ camera' – Vì sao nhiều người né tránh ống kính?

Giới trẻ và 'nỗi sợ camera' – Vì sao nhiều người né tránh ống kính?
3 ngày trướcBài gốc
Khi ngoại hình trở thành áp lực ngầm
Lê Phương Thảo – sinh viên năm 3 Đại học Thương Mại thừa nhận: “Thú thật là mình khá sợ camera, mỗi lần có ai giơ điện thoại lên chụp là mình lại né ra ngay. Chắc một phần do mình không tự tin với ngoại hình. Mạng xã hội bây giờ toàn mấy bạn xinh lung linh, da trắng, dáng đẹp. Còn mình thì không được như thế. Mỗi lần xem ảnh chụp xong là mình lại nghĩ: 'Trời ơi, sao mình trông lạ thế?'"
Sự thật là chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhan sắc không còn chỉ đơn giản là "trời sinh ra sao để vậy". Công nghệ làm đẹp, filter, app chỉnh ảnh đã tạo ra một tiêu chuẩn mới, nơi mà da phải mịn không tì vết, mặt phải V-line, mũi cao, môi căng mọng, góc nghiêng thần thánh, không có bất kỳ khoảnh khắc "hớ hênh" nào.
Ai nói giới trẻ luôn tự tin trước ống kính? (Ảnh: Thùy Phương)
Lướt Instagram hay TikTok một vòng, ta có thể thấy tiêu chuẩn sắc đẹp hiện nay bị nâng lên quá cao. Những bức ảnh trông như bước ra từ tạp chí, video không tì vết khiến nhiều người nhìn lại bản thân và thấy mình "kém xa". Khi tự ti với ngoại hình, chẳng có gì lạ khi họ không muốn xuất hiện trước ống kính.
Không ít bạn còn mắc phải hội chứng "gương soi": Khi nhìn mình trong gương, cảm thấy ổn. Nhưng khi lên ảnh hay video, lại thấy "sai sai, khác khác", không giống như bản thân mong đợi. Một nghiên cứu cho thấy có đến 75% số người được khảo sát thừa nhận họ cảm thấy lo lắng khi phải xuất hiện trước công chúng. Nỗi lo này không chỉ đến từ ngoại hình mà còn từ cảm giác bị đánh giá và soi xét.
Sợ camera hay sợ bị đánh giá?
Nhiều người sợ camera không phải vì ngoại hình, mà vì sợ bị soi mói. Khi đứng trước ống kính, họ cảm thấy áp lực phải trông thật tốt, nói thật hay, hành động phải thật ngầu. Nếu không, họ lo lắng rằng sẽ bị người khác bàn tán.
“Mình sợ bị mọi người bàn tán. Đã có lần mình bị bạn bè trêu vì mặt hơi "đơ" trong ảnh. Từ đó mình cứ ám ảnh, kiểu như đứng trước camera là tự dưng mất tự nhiên, mặt cứng đơ. Mà khổ nỗi, camera của mấy đứa bạn thì cứ 'chộp' bất ngờ chứ chẳng hề báo trước, nên mình càng ngại hơn”, lời chia sẻ của bạn Tô Nguyên Khoát – sinh viên năm cuối trường Đại học Xây dựng.
Khi bạn trẻ sẵn sàng đối mặt với mọi thứ, trừ máy ảnh. (Ảnh: Thùy Phương)
Không chỉ người bình thường mà thậm chí cả người nổi tiếng cũng gặp phải nỗi sợ này. Diễn viên Rowan Atkinson, nổi tiếng với vai Mr. Bean, từng thừa nhận rằng ông cảm thấy lo lắng và không thoải mái khi phải nói chuyện trước đám đông. Đó cũng là lý do nhiều nhân vật của ông, như Mr. Bean, gần như không có lời thoại. Điều này cho thấy rằng sự lo lắng khi xuất hiện trước ống kính không phải là chuyện của riêng ai, ngay cả những người có kinh nghiệm diễn xuất cũng có thể gặp phải.
Vậy nên, nhiều người chọn cách né camera để không bị phán xét. Một khi không có hình ảnh, thì sẽ không ai có gì để bàn tán cả.
Làm sao để thoát nỗi sợ camera?
Theo chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức, hiện đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu Nhân Hoa Việt, nỗi sợ hãi trước camera là một hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ thời đại kỹ thuật số. Nguyên nhân của sự lo lắng này có thể bắt nguồn từ tự ti về ngoại hình, sợ bị đánh giá hoặc cảm giác không tự nhiên khi đứng trước máy quay. Để vượt qua rào cản này, chuyên gia gợi ý một số bước tiếp cận hiệu quả từ góc độ tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức. (Ảnh: NVCC)
Trước hết, việc nhận diện và hiểu rõ nỗi sợ là bước đầu tiên quan trọng. Bạn cần xác định rõ nguyên nhân khiến mình lo lắng: Điều gì làm bạn sợ nhất khi đứng trước camera? Nỗi sợ đó bắt nguồn từ những trải nghiệm không tốt trong quá khứ hay do áp lực từ mạng xã hội? Bạn có đang quá khắt khe với bản thân không? Việc tự đặt ra những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ gốc rễ của nỗi sợ, từ đó dễ dàng kiểm soát hơn.
Tiếp theo, chuyên gia khuyên rằng việc tiếp xúc dần dần với máy quay là cần thiết. Bạn có thể bắt đầu bằng những hành động nhỏ như tập nói trước gương để làm quen với hình ảnh của mình. Sau đó, hãy thử quay những video ngắn bằng điện thoại mà không cần đăng tải, xem lại để quen dần với giọng nói và biểu cảm của mình. Đặc biệt, hãy tạo môi trường an toàn bằng cách chia sẻ video với bạn bè thân thiết hoặc người trong gia đình để nhận được phản hồi tích cực.
Một điều quan trọng khác là thay đổi cách nhìn về camera. Thay vì nghĩ rằng máy quay đang "soi xét" mình, hãy coi nó như một người bạn thân luôn sẵn sàng lắng nghe. Khi quay video cho công việc hoặc truyền thông, hãy tập trung vào thông điệp muốn truyền tải thay vì quá lo lắng về bản thân. Camera không chỉ là thiết bị ghi hình, mà còn là công cụ lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống.
Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh rằng hãy coi camera như một công cụ giúp bạn phát triển thay vì là mối đe dọa. Càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng tự tin hơn. Sự tự tin trước camera không phải là khả năng bẩm sinh mà là kỹ năng có thể rèn luyện. Bằng cách tiếp xúc từ từ, điều chỉnh suy nghĩ và thay đổi môi trường, bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ này.
Thùy Phương - Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/gioi-tre-va-noi-so-camera-vi-sao-nhieu-nguoi-ne-tranh-ong-kinh-post1729121.tpo