Giọng ca các thế hệ hội tụ trong album 'Ký ức Hà Nội' của Nguyễn Thành Trung

Giọng ca các thế hệ hội tụ trong album 'Ký ức Hà Nội' của Nguyễn Thành Trung
17 giờ trướcBài gốc
Tựa đề album lấy cái tên là "Ký ức Hà Nội" dễ mang đến "hiểu lầm" cho người nghe là sự hoài niệm về những điều xưa cũ Hà Nội của tác giả, nhưng thực chất trong những ký ức đó là những gom góp của Nguyễn Thành Trung về từ những câu chuyện nhỏ, hình ảnh đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể bắt gặp, cảm nhận và trải qua trên ngõ nhỏ, phố nhỏ đến những mối quan tâm lớn về sự vươn mình phát triển, kiến tạo của đô thị Hà Nội.
Ở đó là những tiếng rao sớm tối, là những âm thanh náo động, ồn ào của phương tiện giao thông, là tiếng người hòa lẫn trong tiếng nhạc; là hình ảnh của xích lô, những người trẻ già bên café phố, trà đá vỉa hè; đến những rộn ràng tươi mới hòa trong nhịp sống mới phát triển, hội nhập của Hà Nội… Dù vậy, tâm thế của người sinh ra, lớn lên và trưởng thành đã đi qua những thời gian, không gian sống giữa đô thị Hà Nội với những bước thăng trầm vẫn có những khoảnh khắc thấy mình lạc lõng, cô đơn trong những hoài niệm. Để rồi từ đó "Ký ức Hà Nội" cứ cuộn trào, đưa người nghe đi qua những cung bậc cảm xúc lúc tự tình, khi trầm lắng da diết, lúc lại dâng trào hoan ca.
Album Ký ức Hà Nội hội tụ giọng hát của nhiều thế hệ, từ NSND Mai Hoa; ca sĩ Tiến Mạnh, Tiến Hưng đến các giọng ca trẻ trung năng động như Hồng Duyên, Quỳnh Anh, Hoàng Hồng Ngọc...
9 ca khúc trong album "Ký ức Hà Nội" của Nguyễn Thành Trung đã thể hiện lên những điều đó và mang những ẩn ý mà tác giả muốn kể tới người nghe câu chuyện của anh về một Hà Nội rất riêng anh. Từ "Thu trả cho đời" (ca sĩ Tiến Mạnh), "Hà Nội cũ" (NSƯT Hoàng Tùng), "Café phố" (NSND Mai Hoa), "Trà đá vỉa hè" (ca sĩ Hồng Duyên), "Nỗi nhớ" (ca sĩ Quỳnh Anh), "Hoa thanh xuân" (Nguyễn Gia Tuệ Lâm), "Thanh âm Hà Nội" (ca sĩ Tiến Hưng), "Xích lô đón dâu" (ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc) và "Cô đơn giữa Hà Nội" (NSƯT Hoàng Tùng).
Những ca khúc viết về Hà Nội của tác giả Nguyễn Thành Trung trong album "Ký ức Hà Nội" đã khái quát được sự hoài niệm quá khứ, cái hiện tại, và sự kết hợp quá khứ hiện tại và tương lai trong giai điệu âm nhạc bay bổng, không xô bồ mà thanh thoát, hướng thiện; ca từ có chọn lọc, giàu hình tượng văn học, dễ làm người nghe rung cảm, đồng cảm… từ đó khiến người nghe thêm mến yêu Hà Nội hơn. Và qua đó cũng thể hiện lời tri ân của tác giả Nguyễn Thành Trung với Hà Nội, với khán giả yêu mến âm nhạc của anh.
NSND Mai Hoa thể hiện ca khúc "Cafe phố" trong album.
Đồng hành với Nguyễn Thành Trung trong album "Ký ức Hà Nội" vừa với vai trò biên tập âm nhạc, vừa là người bạn đồng điệu trong âm nhạc - NSƯT Hoàng Tùng thể hiện hai ca khúc được cho là điểm nhấn mang đậm suy tư, cảm xúc của tác giả là "Hà Nội cũ" và "Cô đơn giữa Hà Nội". Tác phẩm được nhạc sĩ Đức Thụy phối khí theo Semi-classical (bán cổ điển), cấu trúc đơn giản và nhiều tính đại chúng, dễ nghe, dễ cảm qua giọng hát của NSƯT Hoàng Tùng.
"Có thể nói không gian âm nhạc của album "Ký ức Hà Nội rất rộng", màu sắc âm nhạc phong phú, hội tụ đa dạng giọng hát, từ NSND Mai Hoa; ca sĩ Tiến Mạnh, Tiến Hưng đến các giọng ca trẻ trung năng động như Hồng Duyên, Quỳnh Anh, Hoàng Hồng Ngọc. Một nhân tố đặc biệt góp mặt trong album chính là giọng hát của Nguyễn Gia Tuệ Lâm – con gái của tác giả Nguyễn Thành Trung. Với "Hoa thanh xuân", Tuệ Lâm đã góp sự tươi trẻ, trong sáng, mới mẻ như một sự tiếp nối thế hệ âm nhạc trong gia đình, thế hệ thanh âm trẻ mới của Hà Nội", NSƯT Hoàng Tùng cho hay.
NSƯT Hoàng Tùng thể hiện 2 ca khúc trong album, đồng thời đảm nhiệm vai trò biên tập âm nhạc cho "Ký ức Hà Nội".
Với ý niệm làm một album nhạc kể chuyện Hà Nội, tri ân Hà Nội, nhưng "Ký ức Hà Nội" của tác giả Nguyễn Thành Trung được đánh giá không bị gò bó theo một motip nào, mà mang đến sự mới mẻ trong sự luân chuyển của các thể loại âm nhạc, từ dân gian đương đại, cổ điển, bán cổ điển đến pop, jazz, rap… Qua âm nhạc, qua những tác phẩm phong phú về màu sắc thanh âm, giai điệu, hình ảnh, câu chuyện tác giả Nguyễn Thành Trung chắc hẳn muốn gửi gắm rất nhiều, mong muốn rất nhiều về Hà Nội.
Ở mỗi tác phẩm, dù là hình ảnh nhỏ nhắn, dung dị, giai điệu da diết, hay sôi động, gấp gáp… thì người nghe có thể dễ dàng bắt gặp, cảm nhận nội tâm, thấy hình ảnh thời trẻ, thấy ký ức của tác giả và cũng có thể là của chính mình, người xung quanh mình trong những thanh âm gắn với Hà Nội, với Hà Nội cũ, Hà Nội mới và Hà Nội của tương lai.
M.N
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/giong-ca-cac-the-he-hoi-tu-trong-album-ky-uc-ha-noi-cua-nguyen-thanh-trung-172241227064313447.htm