Li Xianbi, 31 tuổi, từng là lính, nay là nghệ sĩ nhái âm thanh (sound mimicry) chuyên nghiệp với hơn 3,4 triệu người theo dõi trên các nền tảng video ngắn. Anh có thể tái hiện chính xác tiếng của hàng chục loài vật như chó, heo, bò, ngựa, gà, vịt… cùng nhiều âm thanh khác như tiếng cánh cửa, tiếng rơi đồ vật, máy bay, thậm chí cả nhạc cụ.
Khả năng kỳ lạ của Li không đến từ bẩm sinh, mà là kết quả của hơn một năm rèn luyện nghiêm túc với nghệ nhân Niu Yuliang, bậc thầy của kouji, môn nghệ thuật mô phỏng âm thanh truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc.
Nghệ thuật kouji đòi hỏi người biểu diễn sử dụng nhuần nhuyễn cơ miệng, răng, lưỡi, vòm họng, khoang mũi… để tạo ra âm thanh sống động như thật, từ tiếng động vật cho đến âm thanh môi trường.
Trong số các tiết mục, tiếng chó của Li là đặc biệt nổi tiếng, thậm chí nhiều video anh diễn tiếng chó sủa “không khác gì thật”, khiến người xem tưởng là cảnh quay tại trang trại. Anh kiếm sống bằng cách livestream biểu diễn và kết hợp bán đồ ăn vặt.
Thế nhưng, không chỉ nhờ kỹ năng mà gần đây Li lại nổi như cồn, khi cư dân mạng phát hiện khuôn mặt của anh giống hệt một con khỉ đang nổi tiếng khác, Dazhuang.
Cư dân mạng phát hiện khuôn mặt của anh giống hệt một con khỉ đang nổi tiếng khác, Dazhuang. (Ảnh: Douyin)
"Khỉ mặt vuông" thành hiện tượng mạng
Dazhuang là một chú khỉ mũ đen đực (tufted capuchin) sống tại vườn thú thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Chú khỉ này có gương mặt vuông vức, đôi mày rậm, biểu cảm sinh động đến kỳ lạ, nhiều khi trông giống hệt người.
Một bài viết lan truyền với hơn 20 triệu lượt xem đã giúp Dazhuang trở thành hiện tượng, thậm chí được gọi vui là “khỉ meme” của Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng đùa rằng “nhìn Dazhuang giống y như thầy giáo chủ nhiệm hồi cấp hai”, người khác lại bình luận “khuôn mặt vuông như tượng đá nhưng ánh mắt đầy tâm trạng”.
Nhân viên vườn thú cho biết Dazhuang là một trong số ít khỉ mũ đen biết dùng công cụ, thường xuyên dùng đá đập vỡ quả óc chó trước mặt du khách. Dù khá nhút nhát, chú rất thân thiện với bạn đời và luôn tìm cách thể hiện.
Theo các chuyên gia động vật, khuôn mặt vuông là dấu hiệu thể lực tốt ở loài khỉ, nên không lạ khi Dazhuang được xem là “trai đẹp” trong giới linh trưởng.
Dazhuang được xem là “trai đẹp” trong giới linh trưởng. (Ảnh: Douyin)
Cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa người và khỉ
Khi bị cộng đồng mạng ghép ảnh với Dazhuang và gọi là “anh em sinh đôi khác loài”, Li Xianbi không hề phản ứng tiêu cực, trái lại còn đón nhận với thái độ hài hước. “Chỉ cần không xúc phạm, tôi thấy vui khi được mọi người chú ý,” anh chia sẻ.
Được sự cổ vũ của fan, ngày 6/5, Li lái xe hơn ba giờ để đến gặp Dazhuang tận mắt. Trong đoạn video đăng tải sau đó, cả hai, người và khỉ, cùng nhíu mày nhìn vào camera, khiến dân mạng phát sốt. Anh đặt tiêu đề clip là: “Tôi đến gặp người thân thất lạc từ lâu”, và nhanh chóng thu hút hơn 350.000 lượt thích chỉ sau vài giờ.
Sau cuộc gặp, Li tuyên bố sẽ thử bắt chước tiếng khỉ để “nói chuyện” với Dazhuang. “Mọi người bảo chúng tôi giống nhau, nhưng không ai tưởng tượng ra cảnh con khỉ biết nói sẽ thế nào. Tôi muốn thử xem nếu mình phát âm tiếng khỉ, liệu nó có phản ứng gì không.”
Hiện anh đang luyện tập bắt chước tiếng khỉ mũ đen và dự định quay video phần hai sớm.
Mặc dù câu chuyện gây thích thú trên mạng, một số ý kiến chuyên môn đã lên tiếng nhắc nhở. Một người dùng bình luận: “Mong khách tham quan không trêu chọc khỉ, vì ánh mắt quá lâu hay nhe răng cười có thể khiến khỉ hiểu nhầm là hành vi khiêu khích.”
Đáp lại, Li cho biết anh tuân thủ quy định của vườn thú, không tiếp xúc trực tiếp, không chạm vào khỉ, và chỉ ghi hình từ xa theo hướng dẫn.
Chia sẻ với truyền thông trong nước, Li cho biết anh không đặt nặng việc bị so sánh, vì “chỉ cần tôi và Dazhuang có thể mang lại tiếng cười thì đã là điều tốt”. Anh cũng hy vọng sẽ góp phần lan tỏa nghệ thuật kouji và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về việc giao tiếp gần gũi với thiên nhiên, động vật.
Ngọc Bảo (Theo SCMP)