Trăng ngự trên đỉnh trời ngời ngời sáng tỏ
Tháp cổ lung linh ánh điện, lời thơ
Sông Đà Rằng lấp lánh trong mơ
Nghìn gương mặt sáng niềm vui rạng rỡ
Đêm thơ Nguyên tiêu trăm miền, trăm vẻ
Không đâu như ở đây, nơi phát tích cội nguồn
Vầng trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn rất êm đềm
Gợi nhớ trăng trên sông của Bác Hồ - Nguyên tiêu năm trước
Lại như vầng trăng hiện ra từ cổ tích
Tỏa sáng muôn đời cho những xuân sau
Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung ngâm thơ tại Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 45 xuân Ất Tỵ. Ảnh: YÊN LAN
Bài thơ Trăng Nguyên tiêu trên núi Nhạn của cố nhà thơ Nguyễn Gia Nùng (in trong tập Thơ Nguyên tiêu 2014) vừa được cất lên trên núi Nhạn, trong đêm trăng thơ quyện đất trời xuân. Người ngâm bài thơ này là Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung, đến từ cố đô Huế.
Đây là lần đầu tiên Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung tham gia Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên, cũng là lần đầu tiên hội thơ có một giọng ngâm nam bên cạnh những giọng nữ ngọt ngào.
Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung chia sẻ: “Mình đã đến Tuy Hòa, đã đặt chân lên núi Nhạn. Bởi vậy, khi nhận được thư của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên mời tham gia hội thơ trên núi Nhạn, mình có nhiều cảm xúc”. Mấy tháng trước, trên hành trình đi thâm nhập thực tế sáng tác ở các làng chài khu vực miền Trung, đoàn văn nghệ sĩ Huế có buổi giao lưu với một số văn nghệ sĩ Phú Yên.
Trong buổi giao lưu đó, nghệ sĩ Đình Trung ngâm thơ. Anh không biết rằng tiết mục ngẫu hứng đó “đưa” anh đến với Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 45 xuân Ất Tỵ. Anh thổ lộ: “Ngâm thơ bên tháp Nhạn, cảm xúc rất đặc biệt. Huế có sông Hương núi Ngự Bình; Tuy Hòa có núi Nhạn sông Đà Rằng, khung cảnh cũng rất êm đềm, nên thơ. Người Phú Yên hiền lành chân thật. Tôi mong sẽ có dịp trở lại với Phú Yên, trở lại với hội thơ”.
Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung (tên đầy đủ là Nguyễn Đình Trung) sinh năm 1974, sống tại TP Huế. Anh được đào tạo về sáo trúc nhưng lại có duyên gắn bó với kèn sona. Nghệ sĩ Đình Trung đã có những tiết mục độc tấu, hòa tấu kèn sona ấn tượng tại các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, mang về huy chương cho Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế - nơi anh công tác. Năm 2019, Đình Trung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Anh hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế. Bên cạnh công việc quản lý, anh chỉ huy dàn nhạc và sáng tác nhạc.
Huế có nhiều nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng, đa số là giọng nữ. Nghệ sĩ Đình Trung là “dân” nhạc nhưng yêu thích thơ nên thi thoảng tham gia các sự kiện thơ. Một lần, anh thử ngâm thơ. Bạn bè văn nghệ sĩ khen anh có chất giọng trời phú, chuyển tải được hồn thơ của tác giả. Thế là anh đến với nghệ thuật ngâm thơ và được “tín nhiệm”; các tiết mục ngâm thơ do anh thực hiện xuất hiện trên sóng truyền hình Huế. Dần dần, nhiều nhà văn, nhà thơ biết đến Đình Trung như một nghệ sĩ ngâm thơ bên cạnh vai trò chỉ huy dàn nhạc.
Nghệ thuật ngâm thơ có nhiều cung bậc, làn điệu..., và khi nói đến ngâm thơ là người ta nghĩ ngay đến chất giọng ngọt ngào, nên nghệ sĩ ngâm thơ thường là nữ. Vậy nam giới ngâm thơ có gặp khó khăn, hạn chế nào không? Nghệ sĩ Đình Trung nói: Nghệ thuật ngâm thơ rất phong phú; nghệ sĩ đôi khi cần kết hợp, sáng tạo. Ví dụ trong một bài thơ, nghệ sĩ chọn những câu phù hợp để hát ru con, hay “thả” câu hò mái nhì rồi bắt đầu ngâm. Giọng nữ hát ru con hoặc hò mái nhì sẽ rất ngọt ngào. Mình hò cũng được nhưng không truyền cảm như giọng nữ.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung, để bài thơ chạm đến khán giả, khi nhận tác phẩm, nghệ sĩ phải đọc đi đọc lại thật kỹ, cảm nhận những điều tác giả gửi gắm trong thơ, từ đó có cách thể hiện phù hợp và truyền cảm. Đọc kỹ thì sẽ nhận ra câu thơ này, đoạn thơ này nên thể hiện nhẹ nhàng; câu này, đoạn này sẽ nhấn. Nghệ sĩ ngâm thơ phải cảm thụ tác phẩm.
Nghệ sĩ Ưu tú Đình Trung chia sẻ rằng anh chịu ảnh hưởng từ Nghệ sĩ Nhân dân Đình Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế - một người anh trong nghề của các nghệ sĩ ở nhà hát. Anh Đình Trung kể: “Ngày trước, anh Đình Dũng từng đóng trong vở kịch thơ Hàn Mặc Tử rất nổi tiếng. Anh ấy ngâm thơ rất hay”.
Thơ và nhạc thường song hành. “Có những bài thơ đầy tính nhạc, đọc lên đã thấy giai điệu. Có những bài thơ, vừa đọc qua là biết mình sẽ ngâm bằng làn điệu nào. Có bài đọc sẽ hay hơn ngâm, ví dụ như những bài thơ cổ động mà mình ngâm thì không phù hợp”, nghệ sĩ Đình Trung chia sẻ.
Đối với anh, nhạc và thơ mang đến nhiều cảm xúc và niềm vui trong cuộc sống.
YÊN LAN