'Giọt hồng'… cho đi!

'Giọt hồng'… cho đi!
3 giờ trướcBài gốc
Giọt máu cho đi, niềm vui ở lại!
Vui tươi, phấn khởi là không khí chúng tôi cảm nhận được khi tham gia đợt hiến máu tình nguyện “Giọt hồng Bình Thuận” vừa được Công đoàn viên chức tỉnh vận động diễn ra mới đây tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Vui rộn ràng là bởi ngoài những người tham gia hiến lần đầu, thì có rất nhiều người trong số đó dường như đã quen mặt nhau, bởi chưa bỏ sót lần hiến máu nào. Cứ đến hẹn lại lên, khi được vận động họ lại tích cực tham gia để rồi gặp nhau vui như ngày hội.
Ngày hội hiến máu tình nguyện tại Bình Thuận.
Trong số đó không chỉ có những người trẻ tuổi mà rất nhiều người lớn tuổi cũng tích cực tham gia hiến máu. Chị Đỗ Thái Bình (49 tuổi), đơn vị Bảo Việt Bình Thuận chia sẻ: Việc hiến máu là để bệnh viện có được lượng máu dự trữ để phục vụ công tác cấp cứu, chữa bệnh, biết được ý nghĩa đó, nên khi được Công đoàn Viên chức tỉnh vận động, chị đã cùng 5 anh chị khác của Bảo Việt đăng ký tham gia hiến máu và tất cả đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để cho máu. Trong đợt hiến máu tình nguyện này, không chỉ có cán bộ, viên chức tham gia hiến máu mà qua nghe thông tin có đợt hiến máu tình nguyện, nhiều người dân cũng tích cực đến để cho máu. Điển hình như 2 chị em chị Đặng Thị Hường (48 tuổi) và Đặng Thị Phượng (41 tuổi, cùng ngụ xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc). Chị Hường chia sẻ: Rủi ro bệnh đau tai nạn cần máu có thể xảy ra đối với bất kể ai, trong đó có cá nhân và người thân của mình. Do vậy khi nghe có đợt hiến máu tình nguyện tại bệnh viện, 2 chị em đã rủ nhau vượt hơn 20 km để đi hiến máu ngoài mục đích ý nghĩa nhân đạo, thì còn muốn… “thay máu” cho khỏe hơn. Theo Ban tổ chức, chỉ qua một buổi sáng huy động 165 cán bộ đoàn viên tham gia đã có 126 đơn vị máu được bổ sung vào ngân hàng máu của Bệnh viện đa khoa tỉnh góp phần vào công tác khám chữa bệnh của đơn vị.
Hai chị em chị Đặng Thị Hường và Đặng Thị Phượng (cùng ngụ xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) tham gia hiến máu tình nguyện.
Lan tỏa hiến máu tình nguyện
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Máu là loại thuốc quý đặc biệt để duy trì sự sống của con người, máu chỉ có thể được hiến tặng từ người với người và không có chế phẩm nào thay thế được. Chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của hiến máu tình nguyện, từ năm 2004, thế giới đã thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là “Ngày Quốc tế người hiến máu” và ở Việt Nam năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về thực hiện vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 7/4 hàng năm là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, để khẳng định tầm quan trọng của công tác hiến máu tình nguyện, nhằm đáp ứng yêu cầu máu cho ngành y tế để cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Ông Nguyễn Thành Công (áo đỏ) - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại Ngày hội hiến máu
Theo ông Nguyễn Thành Công, tại Bình Thuận, công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ chủ trì tổ chức ngày càng phát triển mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhờ đó, số lượng người hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước. Có nhiều cơ quan, đơn vị đăng ký hiến máu thường xuyên, các gia đình có nhiều thành viên cùng tham gia hiến máu và rất nhiều cá nhân tình nguyện hiến máu từ 10 lần đến trên 50 lần. Đặc biệt như anh Trần Minh Mến ở xã Nghị Đức – huyện Tánh Linh đã hiến máu trên 100 lần, đây thực sự là những tấm gương sáng vì cuộc sống cộng đồng: Mỗi năm, toàn tỉnh vận động hiến được từ 5.500 – 6.000 đơn vị máu, cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng máu điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện trong tỉnh.
“Tuy nhiên, hiện nay công tác hiến máu tình nguyện của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của hiến máu tình nguyện. Tỷ lệ dân số tỉnh Bình Thuận tham gia hiến máu mới đạt gần 0,5%, còn thấp so với mức trung bình của cả nước và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ là trên 1,5% dân số hiến máu; vẫn còn tình trạng thiếu máu điều trị vào cao điểm lễ tết hay khi dịch bệnh xảy ra. Do đó cần sự quan tâm phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa của các ngành, các cấp, các địa phương để công tác hiến máu tình nguyện phát triển vững mạnh”, ông Công cho biết thêm.
Quyền lợi khi tham gia hiến máu nhân đạo, người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu. Được bồi dưỡng một suất ăn nhẹ tại chỗ, trao tặng một món quà lưu niệm, hỗ trợ một phần chi phí đi lại. Ngoài ra, người hiến máu còn được tham gia vào các tổ chức, các hoạt động có ý nghĩa dành cho người hiến máu...
P. SINH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/giot-hong-cho-di-125004.html