Giọt mồ hôi của bộ đội xe tăng

Giọt mồ hôi của bộ đội xe tăng
2 giờ trướcBài gốc
Dưới cái “nắng tháng Tám rám trái bưởi”, trên thao trường diễn tập của Quân khu 2, ngay khi nhận lệnh của cấp trên, Đại úy Vũ Công Hậu, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 nhanh chóng chỉ huy kíp xe tăng T54 tiến vào vị trí chiến đấu. Sau khẩu lệnh đanh gọn của đồng chí Đại đội trưởng, Trung úy QNCN Lê Trung Giáp, lái xe T54, Đại đội 1 lập tức nổ máy, hiệp đồng cùng các thành viên kíp xe, cùng lúc điều khiển chiếc xe tăng tiến vào chiếm lĩnh công sự tại tuyến triển khai xung phong, tăng cường quan sát, phát hiện mục tiêu. Đồng thời tham gia hỏa lực chuẩn bị cùng lực lượng pháo binh tiêu diệt mục tiêu ngay từ phát đạn đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công binh mở cửa mở.
Thành viên kíp xe tăng tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu.
Ngay sau khi cửa mở thông, những chiếc xe T54 chồm lên dũng mãnh, dẫn dắt bộ binh vượt qua cửa mở, đánh chiếm các mục tiêu đầu cầu, đột kích mạnh vào tiêu diệt lần lượt từng mục tiêu, phát triển chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và địa phương tiến tới tiêu diệt toàn bộ mục tiêu trong trận địa của “địch”; làm chủ hoàn toàn trận địa, hoàn thành tốt Cuộc diễn tập chỉ huy-cơ quan 1 bên, 2 cấp có thực binh bắn đạn thật của Sư đoàn 316 và các Lữ đoàn binh chủng thuộc Quân khu 2, năm 2024.
Trung úy QNCN Lê Trung Giáp, lái xe tăng T54 bước ra khỏi buồng chiến đấu sau giờ huấn luyện.
Bước ra từ trong buồng chiến đấu xe tăng T54, lưng áo các chiến sĩ ướt sũng mồ hôi, mặt đỏ như gấc chín, nhưng ai cũng nở nụ cười tươi trên môi đầy lạc quan. Nghỉ ngơi trong giây lát, Trung úy QNCN Lê Trung Giáp, trải lòng: “Những ngày oi bức, nhiệt độ trong xe tăng luôn duy trì ở mức trên 45°C, vậy mà mỗi khi thực hành huấn luyện, các thành viên kíp xe đều phải ngồi đúng vị trí trong khoang xe hàng tiếng đồng hồ”.
Kíp xe tăng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 406 (Quân khu 2) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn sau những giờ huấn luyện căng thẳng.
Từng nhiều năm làm trưởng xe, tham gia nhiều mùa diễn tập, Đại úy Vũ Công Hậu thấm thía hơn ai hết sự nhọc nhằn của các chiến sĩ xe tăng. Anh tâm sự, để trở thành một người lính tăng thực thụ đòi hỏi từng người phải luôn chuẩn bị cho mình trí lực dồi dào, sức khỏe dẻo dai, tinh thần ổn định mới có thể vận hành được các chi tiết rất nặng trên xe, chỉ một mắt xích nhỏ cũng đã nặng 7kg, mỗi bình ắc quy 60kg, một viên đạn pháo trên 30kg. Theo anh Hậu, với người lính tăng, gian khổ nhất là vào mùa huấn luyện.
Mùa đông còn đỡ, trời mùa hè nắng như đổ lửa, cỗ xe bọc thép sau nhiều giờ phơi mình trên thao trường nóng như thỏi sắt nung. Ngồi trong khoang xe tăng trong những hoàn cảnh đó chẳng khác nào ngồi trong cái “lò bát quái”. Chẳng thế mà những chiến sĩ xe tăng ai nấy mặt mũi đều đen nhẻm, áo quần lấm lem dầu mỡ, mồ hôi túa ra như tắm sau mỗi giờ huấn luyện. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, chịu dựng sức nóng như rang, cộng với tiếng ồn lớn, độ rung xóc cao, lớp bụi cuốn dày đặc, những người lính xe tăng luôn trong tình trạng căng thẳng. Ban ngày đã vất vả, huấn luyện vào ban đêm càng thêm khó khăn do kíp xe chỉ được sử dụng ánh sáng ngầm, tầm nhìn hạn chế. Do đó, một khi đã ngồi vào xe tăng, từng thành viên kíp xe không chỉ thao tác chính xác, nhanh gọn, mà phải huy động tất cả chân tay, trí óc, sử dụng mọi giác quan để hoàn thành khoa mục huấn luyện, vượt qua các chướng ngại vật trên đường như: Hào chống tăng, đường sình lầy, bãi đánh phá, vách nghiêng, vách hụt... Nhiệm vụ khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với tinh thần “đã ra quân là đánh thắng”, các anh luôn vượt qua mọi thử thách trong huấn luyện, cũng như các đợt diễn tập cơ động.
Tranh thủ phổ biến, trao truyền kinh nghiệm trong mọi lúc, mọi nơi.
Có dịp bước vào trong khoang lái, mục sở thị “ngôi nhà thép” T54, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của các chiến sĩ xe tăng. Nhiệt độ trong xe tăng dần theo từng giây, chẳng mấy chốc tôi đã cảm thấy ngộp thở bởi sức nóng của cái “lò bát quái” T54. Trong không gian chật hẹp của tháp pháo và thân xe bố trí dày đặc các chi tiết, cụm máy cơ khí với các cần nối dẫn động rắc rối, các cụm thiết bị điện, điện tử, quang học, đạn dược các loại và vô số công tắc, phím bấm, cần kéo, đèn tín hiệu nhiều màu, nếu không huấn luyện, học tập thường xuyên thì khó có thể nhớ nổi.
Thượng tá Vũ Ngọc Hùng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Xe tăng 406, Quân khu 2 cho hay, trên thao trường, bãi tập, nhất là thực tế chiến trường, xe tăng phải tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, ngày đêm, môi trường khói bụi dày đặc hoặc khi bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Do đó, quá trình huấn luyện chiến đấu, kíp xe phải thực hiện các thao tác hết sức nhịp nhàng, ăn khớp mới bảo đảm an toàn, chính xác khi vận hành, sử dụng xe, nhất là khi bắn pháo trong các tình huống khẩn trương, phức tạp.
Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 406 (Quân khu 2).
Đặc biệt, để có thể điều khiển xe tăng hoạt động trên mọi địa hình phức tạp, thao tác đúng, chính xác hệ thống vũ khí của xe tăng, các thành viên kíp xe phải qua nhiều bước huấn luyện, từ học lý thuyết, học nguội trên xe, trên thiết bị mô phỏng, trên giá rung và phải trải qua các bài thực hành huấn luyện ngày, đêm; bảo đảm nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của pháo, súng máy song song, súng máy phòng không, hệ thống kính quan sát, ngắm bắn ngày đêm, hệ thống ổn định, các loại đạn cùng vô số các thao tác điều chỉnh đã trở thành “phản xạ” của mỗi thành viên kíp xe khi có tình huống xảy ra.
Trực tiếp cùng tôi vào khoang lái, Trung tá Hà Tiến Như, Tiều đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, như muốn tôi hiểu hơn về những nhọc nhằn của bộ đội xe tăng, anh chia sẻ, muốn lấy một viên đạn pháo nặng trên 30kg tại giá đạn trong buồng chiến đấu, trong không gian hạn chế và nạp vào pháo, chiến sĩ nạp đạn phải tập luyện nhiều lần, bảo đảm thuần thục, an toàn. Ngoài pháo súng, các thành viên kíp xe còn phải học sử dụng điện đài thông tin liên lạc và các hệ thống phụ trợ của xe, như: Phòng chống vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học, chữa cháy, xả khói ngụy trang... Không những thế, để có thể trở thành một kíp xe toàn năng, cán bộ, chiến sĩ xe tăng còn phải học bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất xe, ngụy trang và đào hầm xe, cấp cứu thương binh từ trong xe, xử lý các tình huống hư hỏng đột ngột của pháo, đạn... Cùng với đó, họ phải thành thạo sửa chữa xe pháo trong điều kiện dã ngoại dưới ánh sáng hạn chế về ban đêm.
Niềm lạc quan của bộ đội xe tăng sau mỗi giờ huấn luyện trên thao trường.
Trong giai đoạn hiện nay, xe tăng-thiết giáp ngày càng hiện đại, nên các hệ thống thiết bị trên xe ngày càng phức tạp, rắc rối, khó vận hành, nếu không được huấn luyện sử dụng thành thạo, khi chiến đấu sẽ không phát huy hết hiệu quả tính năng của vũ khí trang bị, kíp xe chắc chắn sẽ bị tổn thất và không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 406 thường xuyên chú trọng giáo dục truyền thống Bộ đội Tăng thiết giáp nhằm nâng cao bản lĩnh, ý chí cho bộ đội.
Từ thực tế đó, để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đầu, những năm gần đây, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 406 thường xuyên quan tâm việc bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện phân đội, xác định đây là khâu quan trọng, then chốt, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến chất lượng huấn luyện của đơn vị. Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng nâng cao khả năng cơ động, xử trí tình huống, bảo đảm sát thực tế chiến đấu, phù hợp vũ khí trang bị có trong biên chế...
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/giot-mo-hoi-cua-bo-doi-xe-tang-800461