Hơn nửa thế kỷ qua, gia đình ông Trịnh Văn Lai ở xã Đông Thành (Thanh Hóa) ngóng trông tin tức về người anh trai, liệt sĩ Trịnh Văn Hai, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1971.
Mùa xuân năm 1970, chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng thanh niên Trịnh Văn Hai khai tăng một tuổi, độn dép cao su, bỏ sỏi vào túi để đủ cân nặng, quyết tâm lên đường nhập ngũ. Ngày anh đi, gia đình không hề nhận được bất cứ tin tức gì, cho đến khi giấy báo tử bất ngờ gửi về, nhưng không một chút thông tin về nơi anh hy sinh hay an nghỉ.
Ông Trịnh Văn Lai xúc động khi gia đình vừa được tin tìm được phần mộ anh trai Trịnh Văn Hai.
Suốt bao năm, bà Lại Thị Chòng (mẹ ông Lai-PV) luôn đau đáu nỗi niềm về người con trai. Trước khi mất vào năm 1982, bà Chòng trăn trối với các con phải "tìm được thằng Hai về cho mẹ".
Lời căn dặn ấy trở thành một di nguyện thiêng liêng, thôi thúc các thành viên trong gia đình tìm kiếm, dò la khắp các mặt trận xưa, đặc biệt là Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, nhưng tất cả đều vô vọng.
Thân nhân liệt sĩ dự Hội nghị cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
Điều kỳ diệu đến vào cuối tháng 5/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ, gia đình ông Lai đăng ký và chờ đợi. Hơn 1 tháng sau, niềm vui vỡ òa khi cơ quan chức năng thông báo, mộ phần của liệt sĩ Trịnh Văn Hai đang an táng tại nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. "Hôm biết tin, cả gia đình ai cũng khóc. Giờ đây chúng tôi đã thực hiện được lời trăn trối cuối cùng của mẹ", ông Lai xúc động chia sẻ.
Cùng đợt giám định ADN này, một liệt sĩ khác của Thanh Hóa là Trịnh Quang Lâm ở xã Nga An cũng được xác định danh tính. Những kết quả ban đầu này là tín hiệu vô cùng tích cực, khẳng định tính hiệu quả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của phương pháp giám định ADN trong việc xác định danh tính liệt sĩ.
Dù đã có những tín hiệu đáng mừng, câu chuyện về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn còn rất nhiều gian nan. Ông Hoàng Mạnh Phi, trú tại phường Hạc Thành (Thanh Hóa), vẫn từng ngày hy vọng buổi lấy mẫu ADN này sẽ giúp gia đình tìm được phần mộ của anh trai, liệt sĩ Hoàng Mạnh Hùng. Anh trai ông Phi hy sinh tại Kon Tum từ năm 1969, hơn 55 năm qua, gia đình ông vẫn chưa hề có bất cứ thông tin nào về nơi anh Hùng an nghỉ. "Chúng tôi đi tìm nhiều lần nhưng không có kết quả. Hy vọng, với phương pháp mới, gia đình sẽ sớm tìm được phần mộ anh trai", ông Phi bộc bạch.
Câu chuyện của ông Phi là đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình khác trên khắp cả nước. Đằng sau những con số thống kê, là những nỗi đau thầm lặng, những giọt nước mắt mong ngóng của những người mẹ, người vợ, người con, người em chờ đợi suốt bao thập kỷ. Có những gia đình đã không còn bất cứ thân nhân trực hệ nào để lấy mẫu ADN, khiến công tác tìm kiếm càng trở nên khó khăn hơn.
Lực lượng chức năng băng rừng, vượt suối lên đến những bản làng xa xôi nhất của xứ Thanh để thu nhận các mẫu ADN.
Thanh Hóa là địa phương có số lượng lớn lực lượng tham gia, phục vụ chiến đấu qua các thời kỳ chiến tranh, vì thế, số lượng hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập hoặc chưa xác định được danh tính rất lớn. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 37.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó có trên 10.000 liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu. Có hơn 27.000 liệt sĩ với trên 36.000 thân nhân có thể thu nhận mẫu ADN để xác định danh tính cho liệt sĩ.
Thời gian qua, Công an Thanh Hóa vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức 25 tổ công tác với 120 trạm thu nhận tập trung, tiến hành rà soát, thu thập thông tin, tổ chức lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên phạm vi toàn tỉnh.
Lực lượng chức năng thu nhận được 36.454 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Với quyết tâm tìm kiếm, xác định thông tin cho liệt sĩ, sau giai đoạn 1 (từ ngày 12/5 đến ngày 16/5), Thanh Hóa là đơn vị có số lượng thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ nhiều nhất toàn quốc với 933 mẫu của các trường hợp là mẹ đẻ liệt sĩ và 1 trường hợp là thân nhân cận huyết thống bên ngoại liệt sĩ. Qua đối sánh ADN đã xác định được danh tính của 2 liệt sĩ là Trịnh Văn Hai ở xã Đông Thành và Trịnh Quang Lâm ở xã Nga An, tỉnh Thanh Hóa.
Bước sang giai đoạn 2 (từ ngày 3/7 đến ngày 20/7), sau 17 ngày đêm thực hiện cao điểm, với tinh thần "không để sót một mẫu nào, không nhầm một thân nhân nào; hành động khẩn trương nhưng tuyệt đối chính xác, tôn trọng thân nhân và danh dự liệt sĩ", Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị chức năng thu nhận được 36.454 mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, vượt chỉ tiêu đề ra gần 1.000 mẫu. Bước đầu đã xác định được 1 danh tính liệt sĩ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị cao điểm thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ và công bố kết quả giám định, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh vai trò hậu phương lớn của Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến, với hàng vạn người con anh dũng hy sinh. Tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng công tác "Đền ơn, đáp nghĩa".
Việc xây dựng ngân hàng gene ADN có ý nghĩa then chốt giúp xác định danh tính liệt sĩ, giảm bớt nỗi đau chiến tranh để lại. Bí thư Tỉnh ủy biểu dương Công an Thanh Hóa, kêu gọi tiếp tục tuyên truyền, phối hợp thu mẫu, và chuẩn bị chu đáo lễ đón các liệt sĩ đã được xác định danh tính. Chương trình này thể hiện lòng tri ân sâu sắc, mang lại niềm vui lớn cho thân nhân liệt sĩ.
Ngọc Hưng