Một đối tượng phạm tội bị công an và lực lượng an ninh, trật tự cơ sở bắt giữ
Huyện Bến Lức phát triển nhanh về công nghiệp, có vị trí chiến lược khi tiếp giáp TP.HCM và là cửa ngõ nối miền Đông với miền Tây Nam Bộ. Tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo không ít thách thức trong công tác quản lý địa bàn, nhất là về ANTT. Vì vậy, huyện Bến Lức chú trọng công tác phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội.
Với phương châm “lấy người dân làm trung tâm”, các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ ANTT được triển khai sâu, rộng, phù hợp đặc thù từng khu vực và không ngừng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức.
Một trong những mô hình nổi bật đang phát huy hiệu quả là hệ thống camera giám sát ANTT. Đến nay, toàn huyện lắp đặt hơn 10.400 mắt camera trên các tuyến đường, khu vực công cộng và điểm nóng về ANTT với tổng kinh phí hơn 10,3 tỉ đồng. Nhờ hệ thống này, trong năm 2024, lực lượng công an kịp thời phát hiện và xử lý 26 vụ vi phạm, bắt giữ 39 đối tượng, đồng thời ngăn chặn nhiều nhóm thanh, thiếu niên tụ tập đêm khuya gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép.
Bên cạnh đó, mô hình Móc khóa ANTT là sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả, thể hiện sự linh hoạt trong cách làm. Hơn 70.000 móc khóa có in số điện thoại đường dây nóng của công an đã phát cho người dân để phản ánh nhanh các vụ việc liên quan đến ANTT. Nhờ mô hình này, lực lượng chức năng tiếp nhận 106 tin báo có giá trị, xử lý 18 vụ việc và bắt giữ 29 đối tượng vi phạm pháp luật.
Không chỉ ứng dụng công nghệ trong bảo đảm ANTT và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, huyện Bến Lức còn phát triển mô hình Ánh sáng ANTT và an toàn giao thông, lắp đặt hơn 5.300 bóng đèn chiếu sáng dọc 474km đường giao thông nông thôn, tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng. Các tuyến đường được thắp sáng không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông vào ban đêm mà còn giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật tại các khu vực vắng vẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng (57 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, hệ thống camera giám sát và đèn đường góp phần phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT địa bàn. Mặt khác, móc khóa có in số điện thoại của công an được người dân thường xuyên mang theo bên người nên khi thấy có gì nghi ngờ mất ANTT là gọi báo công an ngay. Mô hình nào cũng thiết thực nên người dân hoan nghênh, đồng thuận cao”.
Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, huyện Bến Lức chú trọng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng. Tính đến nay, huyện thành lập 18 tổ liên gia và 39 điểm chữa cháy công cộng, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng. Đây là lực lượng phản ứng nhanh tại chỗ, hỗ trợ kịp thời trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường, giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Một mô hình đặc biệt được đánh giá cao là Chốt lực lượng bảo vệ ANTT tại các khu, cụm công nghiệp, có sự phối hợp giữa lực lượng công an, bảo vệ chuyên trách của doanh nghiệp và các tổ chức quần chúng tại địa phương. Nhờ cơ chế phối hợp ba bên này, tình trạng trộm cắp, gây rối trong khu công nghiệp giảm đáng kể, tạo môi trường làm việc an toàn cho hàng ngàn công nhân, lao động.
Bên cạnh đó, các mô hình: Khu nhà trọ công nhân văn hóa, Tổ công nhân tự quản 3 trong 1 không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong đời sống công nhân. Đây là mô hình vừa mang tính quản lý xã hội, vừa nhân văn, giúp hình thành nếp sống văn minh tại các khu nhà trọ, nơi vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội.
Trong lĩnh vực giáo dục, mô hình Phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực học đường được triển khai sâu, rộng với sự tham gia của nhà trường, phụ huynh, lực lượng công an và các tổ chức xã hội. Mô hình này không chỉ nâng cao nhận thức cho học sinh mà còn xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết: “Huyện xác định việc nhân rộng, nâng chất các mô hình tự quản và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong tự phòng, tự quản, tự bảo vệ là nhiệm vụ xuyên suốt. Người dân là chủ thể góp phần giữ gìn bình yên tại địa bàn cơ sở”.
Theo ông Lê Thành Út, điểm nổi bật trong triển khai các mô hình là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chức năng và người dân. Chính sự đồng lòng ấy đã đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh và phát triển bền vững./.
Lê Đức