Tại vùng đất miền núi còn nhiều khó khăn này, giữ gìn bình yên cho từng tuyến đường, thôn bản không chỉ là việc thực thi pháp luật, mà còn là hành trình gắn bó, kiên trì và chia sẻ với cộng đồng cư dân - nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Xã Đakrông nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, giáp với biên giới nước bạn Lào. Địa hình nơi đây hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân phần lớn còn phụ thuộc vào nương rẫy. Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận các quy định pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ, vẫn còn là một thách thức đối với phần đông người dân - đặc biệt là giới trẻ.
Dễ bắt gặp tại các tuyến đường liên thôn, liên xã hình ảnh những chiếc xe máy không biển số, thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, thậm chí rú ga, đánh võng. Những hành vi tưởng như bộc phát, cá biệt này lại đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cộng đồng.
Công an xã Đakrông phối hợp Trạm CSGT địa phương xử lý vi phạm giao thông trên tuyến đường liên xã - nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh ở vùng cao Quảng Trị. Ảnh: CSGT Quảng Trị
Nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm giản đơn: "mua xe để con đi học cho tiện", chưa thực sự quan tâm đến độ tuổi hợp pháp điều khiển phương tiện, hay mức độ nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố. Khi lực lượng chức năng vào cuộc xử lý, một bộ phận người dân còn phản ứng thiếu thiện chí, cho rằng "làm quá", có em học sinh sau khi bị giữ xe, lập biên bản đã bỏ học vì mặc cảm.
Trước thực trạng đó, Trạm Cảnh sát giao thông Đakrông (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp chặt chẽ với Công an xã Đakrông triển khai các đợt tuần tra, kiểm soát lưu động. Ngày 9/7/2025, một đợt ra quân được tổ chức tại điểm dừng xử lý tập trung, với mục tiêu kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, trong đó đặc biệt chú trọng nhóm thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm như điều khiển xe không giấy phép, lạng lách, rú ga, gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong các chiến dịch không chỉ nằm ở việc xử lý nghiêm, mà còn thể hiện ở sự linh hoạt, mềm dẻo trong tuyên truyền, vận động. Cán bộ chiến sĩ không chỉ là người thực thi pháp luật, mà còn là những người truyền cảm hứng, gieo mầm nhận thức, từng bước thay đổi tư duy và hành vi tham gia giao thông trong cộng đồng dân cư.
Những buổi tuyên truyền được lồng ghép vào sinh hoạt thôn bản, những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng giữa chiến sĩ công an và các em học sinh, hay sự phối hợp cùng các già làng, người có uy tín trong cộng đồng… tất cả đang tạo nên một mạng lưới truyền thông văn hóa luật pháp gần gũi, chân thành và hiệu quả.
Giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở vùng biên viễn như Đakrông không đơn thuần là một nhiệm vụ hành chính. Đó là một phần trong nỗ lực xây dựng môi trường sống văn minh, an toàn – nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân sau sáp nhập.
Tuần tra lưu động trên Quốc lộ 9 nỗ lực của lực lượng chức năng nhằm giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông tại cửa ngõ miền Tây Quảng Trị. Ảnh: CSGT Quảng Trị
Ở góc độ văn hóa, việc hình thành nếp sống giao thông văn minh cũng chính là quá trình thiết lập trật tự xã hội hài hòa với đạo lý, pháp luật và phong tục bản địa. Khi người dân – đặc biệt là thế hệ trẻ - hiểu rõ và tự nguyện thực hiện đúng quy định giao thông, đó không chỉ là sự chuyển biến về mặt luật pháp, mà còn là biểu hiện sinh động của sự tiến bộ, văn minh trong văn hóa sống.
Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giữa lực lượng CSGT và Công an xã Đakrông cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự bám cơ sở và tình cảm gắn bó với nhân dân. Đó là cách làm "cùng dân", "vì dân", vừa kiên quyết xử lý vi phạm, vừa kiên trì gieo mầm thay đổi từ nhận thức đến hành động.
Xã Đakrông sau sáp nhập đang từng bước thay da đổi thịt. Hệ thống chính quyền hai cấp đi vào hoạt động ổn định. Những con đường núi dốc dần được bê tông hóa, trường học, trạm y tế, chợ phiên… trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với người dân. Trong bức tranh khởi sắc ấy, trật tự an toàn giao thông không thể bị xem nhẹ.
Giữ cho những cung đường bình yên không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng công an, mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng - từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ cán bộ cơ sở đến từng hộ dân. Một khi trật tự được đảm bảo, đó là lúc Đakrông thực sự chuyển mình, không chỉ về hạ tầng mà còn trong tư duy phát triển bền vững, bao trùm và đậm đà bản sắc.
Nguyễn Hoàng Anh