Giữ chân VĐV đỉnh cao bằng mọi giá, hay tạo điều kiện ra đi?

Giữ chân VĐV đỉnh cao bằng mọi giá, hay tạo điều kiện ra đi?
10 giờ trướcBài gốc
2 tỷ/ 3 tháng, 2 tháng/ 3 tỷ
Sau khi mùa giải 2024-2025 khép lại, V.League sớm nóng lên với những câu chuyện của thị trường chuyển nhượng. Đại gia Ninh Bình trở lại V.League, qua đó chiêu mộ hàng loạt cầu thủ giỏi. Mục tiêu của Ninh Bình là xây dựng lực lượng nội binh có chiều sâu, tiếp nối việc họ đã làm 1 năm trước.
Trong kỷ nguyên chuyên nghiệp, những đội bóng tại V.League đều thuộc nằm lòng triết lý: Muốn trụ hạng phải có ngoại binh hay, còn muốn vô địch phải sở hữu dàn nội binh giỏi. Rất nhiều cầu thủ được Ninh Bình đưa về đã và đang khoác áo các đội tuyển quốc gia. Họ vẫn trung thành với phương châm này, nhằm xây dựng một đội hình toàn sao.
Đức Chiến phải trả 3 tỷ đồng cho 2 tháng hợp đồng còn lại.
Một trong những nội binh đầu tiên được Ninh Bình nhắm đến là tiền vệ Nguyễn Đức Chiến. Những khoản đãi ngộ cao ngất ngưởng của Ninh Bình đã khiến Đức Chiến sớm xiêu lòng. Tuy nhiên, có một điểm nghẽn khiến Đức Chiến có thể phải chờ thêm tới 1 năm để đầu quân cho đội bóng mới. Hợp đồng của Đức Chiến với Thể Công Viettel còn kéo dài đến hết tháng 8/2025. Đây là thời điểm V.League mùa giải mới đã chính thức chốt sổ. Nếu Đức Chiến ra đi theo dạng tự do, cầu thủ này có thể mất thêm nửa năm, thậm chí 1 năm để ra đi. Vì thế, anh chấp nhận bỏ tiền đền bù hợp đồng cho Thể Công Viettel nhằm đầu quân sớm cho Ninh Bình.
Con số Đức Chiến phải bỏ ra vào khoảng 3 tỷ đồng cho 2 tháng hợp đồng còn lại. Đức Chiến sẵn sàng chi tiền để sớm rời đội, bởi anh sẽ lập tức nhận 15 tỷ đồng từ Ninh Bình khi ký hợp đồng. Tân binh V.League sẵn sàng trả toàn bộ tiền lót tay một đợt, ngay trong lần đầu tiên.
Cách trả tiền lót tay của CLB Ninh Bình cũng là lý do khiến nhiều cầu thủ muốn đầu quân cho đội bóng này. Phần lớn CLB V.League vẫn trả lót tay theo từng đợt trong 1 năm, thậm chí "trả góp" vào lương từng tháng. Trong bối cảnh đó, CLB nào trả lót tay "một cục" thường được cầu thủ gật đầu, dù tổng giá trị hợp đồng có thể ít hơn.
Về phía CLB Thể Công Viettel, đội bóng này khẳng định họ không có ý gây khó dễ cho Đức Chiến. Lý do chính khiến Thể Công Viettel muốn Đức Chiến đền bù hợp đồng xuất phát từ việc anh có biểu hiện "giữ chân". Cầu thủ này đã quyết định không gia hạn hợp đồng và muốn rời đội ở giai đoạn 2 V.League mùa giải 2024- 2025.
Trong quá khứ, tiền vệ Hai Long từng khiến CLB Hà Nội phải chi không ít tiền cho Quảng Ninh để đưa anh về đội, dù Quảng Ninh khi ấy đã dừng hoạt động vì không đủ kinh phí. Chính CLB Thể Công Viettel trước đây cũng yêu cầu Hoàng Đức đền bù 2 tỷ cho 3 tháng hợp đồng còn lại khi anh đầu quân cho Ninh Bình. Mọi sự chia ly đều có giá.
Nhiều VĐV điền kinh phải mất 2 năm thi đấu không được ghi nhận thành tích khi chia tay đơn vị cũ.
Tiền không thể mua được
Tại Việt Nam, bóng đá là môn thể thao đầu tiên đi lên chuyên nghiệp. Vì lý do trên, mọi mâu thuẫn trong hợp đồng, hay đào tạo cầu thủ đều có thể giải quyết qua những con số. Tiêu chí "tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng" giúp bóng đá đi đầu trong rất nhiều khía cạnh của thể thao chuyên nghiệp Việt Nam.
Những câu chuyện như của Đức Chiến, Hoàng Đức là điều ít thấy trong địa hạt thể thao thành tích cao. Đó là nơi mỗi môn, mỗi địa phương giống như một thành trì. Họ rất khó thay đổi trong chính sách giữ chân VĐV mình tự đào tạo ra, cùng tiêu chí "tiền không mua được VĐV đỉnh cao".
Một HLV có nhiều năm đào tạo, rèn luyện VĐV từ cấp độ trẻ lên độ tuổi trưởng thành cho biết, một "gà chiến" cần rèn luyện khoảng 10 năm để có thành tích ổn định. VĐV đỉnh cao đó cũng là người hiếm hoi trụ lại giữa 20-30 VĐV tập luyện cùng lứa. Với nhiều địa phương, VĐV như vậy là người duy nhất giữ lấy chỉ tiêu - nguồn sống cho bộ môn.
"Không phải ngẫu nhiên giới thể thao thành tích cao phải tìm cách ràng buộc VĐV giỏi bằng mọi giá. Với những đơn vị muốn “giật” VĐV về phía mình, họ chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn về mặt đãi ngộ. Nhưng ở những đơn vị tự đào tạo VĐV, tiền không thể mua được khoảng thời gian, công sức chúng tôi bỏ ra", HLV kể trên giãi bày.
Bên cạnh bóng đá, một môn thể thao khác của Việt Nam có quy chế rõ ràng cho việc VĐV đổi đơn vị đầu quân là Điền kinh. Đây là nỗ lực của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam trong việc xây dựng khung quy định chung cho các địa phương. "Xây dựng pháp luật" là điều cần thiết khi hiện tượng VĐV ly khai ngày càng nhiều và gây bất hòa giữa các đội.
Trong môn điền kinh, VĐV đầu quân cho địa phương khác vẫn có thể thi đấu giải quốc gia, nhưng không được ghi nhận thành tích và huy chương trong 2 năm. Quy định này được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng VĐV nghỉ thi đấu rồi chuyển sang đơn vị khác. Họ có thể rời đi, nhưng phải chấp nhận đánh đổi và cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.
Những thủ thuật khó ngờ
Chảy máu tài năng là điều thường xuyên xảy ra với những đơn vị tỉnh lẻ, nơi ngân sách dành cho thể thao thành tích cao không quá lớn. Ở một khía cạnh nào đó, chế độ cho VĐV đỉnh cao của những đơn vị nhỏ thường dựa vào việc đưa họ lên đội tuyển. Đây là cách lách quy định để các tỉnh lẻ được hỗ trợ ít nhiều về chế độ cho VĐV.
Trên bình diện chung, giữ chân VĐV với nhiều ràng buộc khó khăn vẫn là điều cần thiết cho thể thao Việt Nam.
Để ngăn chặn tình trạng chảy máu VĐV diễn ra, nhiều địa phương ràng buộc VĐV do mình đào tạo từ khi còn rất nhỏ. VĐV và phụ huynh phải ký vào bản cam kết với nội dung yêu cầu họ bồi thường số tiền rất lớn. Khoản tiền có thể lên tới 500 triệu, thậm chí 1 tỷ đồng nếu nghỉ ngang và đầu quân cho đơn vị khác trong vòng dưới 2 năm sau khi nghỉ.
Việc làm này có phần bất công, thậm chí tàn nhẫn cho một số VĐV đỉnh cao, nhưng là điều cần thiết. Các tỉnh lẻ phải tự bảo vệ mình trước tình trạng "giật người" của các đơn vị lớn. Theo thời gian, hành vi này diễn ra ngày càng tinh vi hơn, với nhiều thủ thuật ít ai ngờ đến.
Sau Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, một loạt VĐV của đội Võ cổ truyền Nghệ An nghỉ thi đấu. Những VĐV này lấy lý do giải nghệ sớm để xuất khẩu lao động nước ngoài hỗ trợ gia đình, nhưng sau đó họ lại đầu quân cho một số đội võ thuật của khu vực phía Nam. Điểm đến của họ là đội Jujitsu An Giang, rồi đến Võ cổ truyền TP Hồ Chí Minh.
Khi những VĐV kể trên rời đội, HLV phụ trách bộ môn của tỉnh Nghệ An yêu cầu họ phải viết cam kết. Những VĐV này hứa không đầu quân cho địa phương khác trong vòng 2 năm sau khi giải nghệ. Những tờ giấy cam kết viết tay được giữ ở trong ngăn kéo của phòng làm việc. Tại thời điểm HLV biết những VĐV kia trở lại thi đấu cho một địa phương khác, ông về phòng làm việc tìm tài liệu mình đã cất giữ. Chuyện động trời xảy ra những tờ giấy cam kết kia đã không cánh mà bay. Thông qua camera an ninh tại Trung tâm, phía Nghệ An sau đó mới biết dường như một vài VĐV đã bí mật đột nhập vào văn phòng để lấy đơn.
Câu chuyện của các VĐV nói trên cho thấy: Hành vi "qua cầu rút ván" được thực hiện bài bản, có toan tính. Kết quả cuối cùng là những VĐV kể trên không bị ràng buộc điều gì khi đầu quân cho đơn vị mới. Trớ trêu hơn HLV đào tạo ra họ bị địa phương chủ quản kiểm điểm vì mắc lỗi trong việc để chảy máu tài năng.
Điều tương tự suýt chút nữa đã diễn ra ở Thái Bình. Một VĐV Boxing có tài của họ, vốn được gọi lên đội tuyển trẻ quốc gia trong nhiều năm, bất ngờ có tên trong danh sách phát triển VĐV thể thao đỉnh cao của TP Hồ Chí Minh! Ngay sau khi biết thông tin trên, phía Cục Thể dục Thể thao đã phải vào cuộc hòa giải, bởi việc một đơn vị lớn công khai "giật người" từ địa phương nhỏ là điều cấm kỵ.
Đơn Ca
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/giu-chan-vdv-dinh-cao-bang-moi-gia-hay-tao-dieu-kien-ra-di-i774456/