Thực trạng xả rác bên dòng sông
Từ xã Chiềng Khương theo quốc lộ 4G, đến giáp thị trấn Sông Mã, dọc theo dòng sông Mã, không khó khăn gì khi chứng kiến các điểm rác thải đổ xuống sát bờ sông. Đa số các bãi rác tự phát này đều nằm ở khu vực phía sau khu dân cư dọc quốc lộ 4G và đều bị đổ trộm vào những thời điểm ít người qua lại như sáng sớm, buổi trưa, chập tối. Tất cả các loại rác thải, từ rác thải sinh hoạt hàng ngày, xác động vật chết đều được người dân xả xuống ngay cạnh sông làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt.
Xả rác ngay xuống chân cầu treo vào bản Cang, xã Chiềng Khoong.
Điển hình như tại đầu cầu treo vào bản Cang, xã Chiềng Khoong, phóng viên ghi nhận một số hộ bán hoa quả, nước giải khát ngang nhiên xả rác ngay xuống chân cầu, tạo thành từng đống lớn. Túi bóng, vỏ chai, rác thải sinh hoạt vứt đổ tràn lan ngay bờ sông, tạo nên một hình ảnh phản cảm đáng báo động. Điều đáng buồn là không ít người buôn bán nhỏ lẻ ở ven sông, ven cầu và người tiêu dùng vẫn giữ thói quen "tiện đâu xả đấy", xả rác, vứt vô tội vạ xuống sông, xuống suối, hoặc không đúng nơi quy định.
Rác thải đổ tại miệng cống khu vực tổ 11, thị trấn Sông Mã (trước đây là bản Nà Nghịu, xã Nà Nghịu).
Tại tổ 11, thị trấn Sông Mã (trước đây là bản Nà Nghịu, xã Nà Nghịu), những đống rác lớn tồn tại ngay miệng cống bên đường chờ đợi những con mưa để chảy thẳng xuống sông Mã. Rác lưu cữu lâu ngày, đủ loại từ rác sinh hoạt, phế thải vật liệu xây dựng, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đến xác động vật phân hủy, bốc mùi nồng nặc. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến chất lượng nước và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Bãi rác tự phát tại bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã.
Tiếp tục hành trình dọc theo dòng sông Mã, đến địa phận bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương, phóng viên ghi nhận một thực trạng đáng lo ngại: Rác thải sinh hoạt bị xả thẳng ra bờ sông, tạo nên một cảnh tượng nhếch nhác, phản cảm và ô nhiễm môi trường.
Dọc theo tuyến đường bê tông len lỏi giữa những vườn nhãn, chúng tôi thấy những điểm tập kết rác tự phát mọc lên dọc triền sông. Rác thải đủ loại, từ bao bì nilon, vỏ đồ hộp, chai nhựa, đến quần áo cũ, xốp, thậm chí cả phế thải vật liệu xây dựng bị nhét trong bao tải, túi nilon rồi bị vứt ngổn ngang, nằm phơi mình dưới nắng hoặc ngâm trong vũng nước bẩn. Những cơn gió từ sông thổi lên mang theo mùi hôi tanh của rác, khiến không khí trở nên ngột ngạt và nặng nề.
Nhân dân xã Chiềng Khương bức xúc khi rác thải ra lòng sông Mã.
Bà L.T.G, người dân bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương, bức xúc: Tôi có vườn nhãn ngay cạnh bờ sông này, hằng ngày đi làm ngang qua rất khó chịu vì người dân cứ đổ rác bừa bãi ra sông. Tình trạng này kéo dài từ lâu, trời nắng thì mùi hôi không chịu nổi, còn khi mưa xuống, nước từ bãi rác lại tràn ra sông, thẩm thấu vào đất, ảnh hưởng cả đến nguồn nước tưới tiêu lẫn sinh hoạt. Sự việc này đã phản ánh nhiều lần với trưởng bản để kiến nghị lên xã nhưng chưa thấy chuyển biến gì.
Cần chung tay của cả cộng đồng
Không khó để nhận thấy sự bất lực của đại đa số người dân trước tình trạng này, khi mà ý thức phân loại, thu gom rác thải chưa được nâng cao, trong khi công tác quản lý môi trường ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập. Dòng sông Mã, vốn là nguồn nước quan trọng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân đang ngày càng bị "bức tử" bởi chính những hành vi thiếu trách nhiệm của con người.
Tình trạng rác thải lấn chiếm bờ sông không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn làm mất mỹ quan vùng nông thôn. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự thay đổi từ ý thức người dân, thì mỗi điểm dân cư dọc con sông Mã này sẽ tồn tại nhiều “bãi rác lộ thiên” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Rác thải, phế thải vật liệu xây dựng ngang nhiên đổ tại khu vực nghiêm cấm đổ rác tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.
Tại bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong, tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông đang diễn ra một cách âm thầm nhưng dai dẳng. Men theo con đường đất ven bờ sông, chúng tôi bắt gặp nhiều đống đất đá, xà bần, bê tông vụn… được các hộ dân đổ thẳng xuống mép sông. Có nơi, những ụ đất đã tràn xuống tận lòng sông, khiến dòng chảy bị thu hẹp rõ rệt.
Theo người dân địa phương, việc đổ đất đá xuống sông chủ yếu nhằm mục đích lấn thêm đất để mở rộng sân nhà hoặc làm nơi chứa củi, vật liệu. Tuy nhiên, hành vi này không chỉ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đê điều, mà còn trực tiếp làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, đe dọa đến an toàn của chính những hộ dân sống gần bờ sông.
Bãi rác tự phát tràn xuống dòng sông Mã.
Nguy hại hơn, trong mùa mưa lũ, các vật liệu xây dựng đổ xuống sẽ bị nước cuốn đi, làm tắc nghẽn dòng chảy, gia tăng nguy cơ lũ quét và xói lở đất hai bên bờ. Điều đáng tiếc là dù thực trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, song chưa có biện pháp xử lý kiên quyết từ chính quyền địa phương.
Thiếu kinh phí, thiếu cả đồng thuận
Phản ánh tình trạng này đến lãnh đạo của huyện Sông Mã, chúng tôi được biết, mới từ đầu năm 2025 khi Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sông Mã không thực hiện thu gom rác thải tại những xã dọc sông Mã. Do đó, từ xã Chiềng Khương theo quốc lộ 4G đến giáp thị trấn Sông Mã thì tình trạng này diễn ra phổ biến.
Phóng viên Báo Sơn La làm việc với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sông Mã.
Thực tế, huyện Sông Mã đã bố trí ngân sách môi trường hằng năm, nhưng do địa bàn rộng, kinh phí được phân bổ về các xã thường rất hạn chế. Điển hình như xã Chiềng Khoong, trong năm 2023, 2024 đã ký hợp đồng với Công ty môi trường để thu gom rác. Tuy nhiên, đến năm 2025, hợp đồng không thể tiếp tục do mức giá tăng từ 127 triệu lên gần 200 triệu đồng/năm, trong khi xã chỉ được phân bổ 24 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, chia sẻ: Chúng tôi đã vận động nhân dân đóng góp được hơn 70 triệu đồng và tiết kiệm chi ngân sách thêm 26 triệu để ký hợp đồng. Nhưng năm 2025, việc huy động quá sức nên không thể tiếp tục.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại xã Chiềng Khương. Do không có bãi xử lý rác, xã từng thuê một người dân thực hiện thu gom tại 3 bản trung tâm. Tuy nhiên, đầu năm 2025, người này ngừng hoạt động, xã cố gắng tìm người thay thế nhưng chưa được. Trong khi đó, việc xin lập bãi tập kết rác chung với xã Chiềng Cang không nhận được sự đồng thuận từ người dân do lo ngại ô nhiễm nguồn nước.
Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Huyện luôn khuyến khích các xã, thị trấn chủ động ký hợp đồng thu gom rác với đơn vị môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có thêm nguồn lực từ tỉnh, từ các chương trình mục tiêu để hỗ trợ, nhất là trong giai đoạn đầu khi các xã còn khó khăn.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sông Mã, hiện tại đơn vị mới chỉ thực hiện thu gom rác trên địa bàn thị trấn Sông Mã và một phần xã Nà Nghịu (với 9 bản sáp nhập theo Nghị quyết 1280 của Quốc hội từ tháng 3/2025). Tỷ lệ thu gom rác toàn huyện vẫn còn thấp, chưa bao phủ tới các xã vùng sâu, vùng xa, nơi địa hình hiểm trở và ngân sách hạn chế.
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sông Mã thu gom rác.
Công tác thu gom hiện nay chủ yếu tại khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, phần lớn rác thải chưa được thu gom mà chủ yếu do người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Không ít hộ vẫn xả rác trực tiếp ra ao hồ, sông suối, trong đó có dòng sông Mã.
Việc mở rộng phạm vi thu gom rác thải ra các xã là nhu cầu cấp bách, tuy nhiên, thực hiện điều này lại không hề dễ dàng. Ông Trương Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sông Mã, cho biết: Nếu các xã ký hợp đồng, đơn vị hoàn toàn có thể thu gom, xử lý rác cho toàn huyện. Nhưng rào cản hiện nay là kinh phí và hạ tầng.
Giữ cho dòng sông Mã xanh - sạch - đẹp không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là bổn phận của mỗi người dân sinh sống hai bên bờ sông. Việc chấm dứt hành vi xả rác, đổ vật liệu xuống sông cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Nhóm PV