Năm 2024, các địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có những hoạt động cụ thể nhằm góp phần giữ gìn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số (DTTS). Trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng và có giải pháp phù hợp để những di sản văn hóa phi vật thể này của đồng bào được khôi phục trong đời sống hiện đại.
Nỗ lực bảo tồn
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, thời gian qua, địa phương đã mở các lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la trên địa bàn xã Sơn Tân và xã Cam Phước Tây cho thành viên các câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ truyền thống. Qua đó tiếp tục duy trì, phát huy nhạc cụ mã la trong cuộc sống cộng đồng dân tộc Raglai trên địa bàn huyện; phát hiện và bồi dưỡng các nhân tố có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ dân gian. Thông qua các lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã lồng ghép triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS phù hợp với tình hình thực tế.
Một điệu múa do đồng bào Ê đê huyện Khánh Vĩnh biểu diễn.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh cho biết, địa phương đã đưa một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc vào giảng dạy, hoạt động ngoại khóa tại các trường học vùng đồng bào DTTS. Ngành Giáo dục thành phố đã triển khai cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy nhạc cụ mã la vào chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục, bồi dưỡng giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, xây dựng thế hệ kế cận, đặc biệt tại các trường có học sinh DTTS. Thành phố cũng thực hiện việc cấp phát ấn phẩm sách thông tin tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đến các xã, phường: Cam Phúc Nam, Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, Cam Thịnh Tây; tạo điều kiện dàn dựng, lồng ghép các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc trong các hội thi, hội diễn, liên hoan định kỳ hằng năm.
Có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đồng bào DTTS thời gian qua ở các địa phương đã có sự lồng ghép với việc thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc được đưa vào các lớp truyền dạy, bảo tồn cách sử dụng, trình diễn nhạc cụ mã la, cồng chiêng, đàn đá, nhạc cụ truyền thống cho đồng bào DTTS. Trong năm 2024, các huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa đã xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian tại địa phương; các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống đã hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ truyền thống sinh hoạt thường xuyên và có chất lượng...
Vẫn còn nhiều điều cần quan tâm
Triển khai kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc tại 2 huyện Diên Khánh, Cam Lâm với đối tượng là đồng bào dân tộc Raglai, Ê đê, T’rin, Hoa và Tày. Qua việc trực tiếp gặp, phỏng vấn những người đang nắm giữ, thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc, già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân, người am hiểu hoặc đang lưu giữ tài liệu, hiện vật về các loại hình này cho thấy, về dân ca đa phần những người được phỏng vấn không còn ai biết hát các làn điệu xưa. Về dân nhạc, ở huyện Cam Lâm vẫn còn tồn tại trên địa bàn có đông người DTTS sinh sống với sắc thái biểu hiện đa dạng, trong đó có mã la, kèn bầu, kèn môi…, đa số người lớn tuổi biết sử dụng nhạc cụ nhưng ít khi trình diễn nên kỹ năng bị mai một, ít có nghệ nhân am hiểu sâu sắc; ở huyện Diên Khánh, đa phần người Raglai về sinh sống tại địa bàn là dân tái định cư nên ít ai biết sử dụng các loại nhạc cụ. Về dân vũ thì còn bảo lưu không nhiều, đa số người biết đã lớn tuổi, còn lại múa theo chương trình tập huấn, nhưng ít khi trình diễn nên kỹ năng bị mai một, ít có nghệ nhân am hiểu sâu sắc về múa.
Tiết mục hát dân ca do các nghệ nhân người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh biểu diễn.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hiện những người nắm giữ, am hiểu, yêu thích hát dân ca phần lớn là người cao tuổi, trong khi giới trẻ chưa quan tâm tới di sản văn hóa truyền thống, dẫn đến thiếu hụt đội ngũ kế cận. Các làn điệu dân ca được trao truyền chủ yếu qua truyền khẩu, nên việc lưu giữ còn nhiều hạn chế. Công tác bảo tồn di sản dân ca DTTS ở các địa phương mới dừng lại ở việc điều tra, nghiên cứu, ghi chép, chụp ảnh. Các điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị cần thiết cho công tác bảo tồn chưa được đầu tư đúng mức, kinh phí chi cho công tác bảo tồn còn hạn chế… Chính vì thế, năm 2025, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa các DTTS nói riêng; từng bước bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể văn hóa, nhất là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, lực lượng then chốt trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình được tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn của các chuyên gia; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các lớp truyền dạy nhạc cụ mã la; tổ chức tốt các hội thi, hội diễn, hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
GIANG ĐÌNH