Thực trạng đáng lo ngại
Di sản văn hóa Việt Nam là kho tàng quý báu gồm cả công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật và những giá trị vô hình, thể hiện bản sắc dân tộc qua nhiều thế hệ. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó hơn 3.100 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Cả nước có gần 200 bảo tàng với khoảng 4 triệu hiện vật, trong đó hơn 200 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, hơn 8.000 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Huế, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và việc xây dựng hạ tầng ồ ạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều di tích. Mở rộng giao thông, xây dựng khu đô thị và các công trình hiện đại đã xâm lấn không gian di sản, khiến nhiều công trình cổ bị biến dạng hoặc đứng trước nguy cơ biến mất. Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An từng bị cảnh báo về tình trạng quá tải du lịch, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm không gian cảnh quan và xây dựng trái phép.
Đại Nội Huế - một phần quan trọng của Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới
Không chỉ là những thách thức vật lý, công tác bảo tồn còn đối diện với các vấn đề xã hội và nhận thức. Đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp, truyền thống tốt đẹp đang bị mai một. Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, chưa nhận thức đầy đủ về giá trị và vai trò của di sản văn hóa, làm gia tăng nguy cơ bị lãng quên hoặc sử dụng sai mục đích.
ThS. Mai Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, nhận định: “Một trong những rào cản lớn là sự thiếu nhận thức về giá trị của di sản. Nhiều người dân xem di sản là gánh nặng, không phải tài sản. Điều này dẫn đến tình trạng thay thế di sản bằng các công trình thương mại hay nhà ở hiện đại”. Ông cũng cho biết thêm, hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật đang khiến công tác bảo tồn, tôn tạo gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực để khu vực tư nhân tham gia tích cực vào công cuộc bảo tồn.
Phát triển du lịch thiếu kiểm soát cũng góp phần làm giảm chất lượng bảo tồn. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nhiều điểm đến như Phố cổ Hội An đã trở thành nạn nhân của du lịch quá tải. Du lịch không được quy hoạch hợp lý dễ khiến di sản bị thương mại hóa, mất đi giá trị nguyên bản. Không chỉ di sản văn hóa phi vật thể, nhiều di sản thiên nhiên cũng đang chịu áp lực từ các hoạt động du lịch thiếu kiểm soát, như ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long hay xây dựng trái phép ở vùng lõi Tràng An.
Tạo động lực cho bảo tồn
Trước những thách thức đó, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản đang trở thành xu hướng tất yếu. Công nghệ 3D, thực tế ảo (VR), bản sao số hóa đang hỗ trợ việc lưu giữ và phục dựng di tích, cho phép người dân và du khách trải nghiệm di sản từ xa một cách sinh động. Chương trình số hóa di sản Huế là ví dụ tiêu biểu, góp phần bảo tồn nhạc cung đình, kiến trúc cổ và tư liệu quý. Tại Viện Bảo tồn Di tích, kho dữ liệu số với hơn 3.000 hồ sơ di tích từ bản vẽ giấy dó đến tài liệu nghiên cứu đã được xây dựng. Một minh chứng khác là việc áp dụng thành công công nghệ hiện đại tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ và ứng dụng tương tác qua mã QR, giúp du khách tự khám phá giá trị của di tích.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, khẳng định: "Số hóa di sản không chỉ bảo vệ giá trị văn hóa mà còn tạo sản phẩm du lịch mới mẻ, kết nối hiệu quả với thế hệ trẻ và du khách quốc tế”.
Đối với di sản phi vật thể, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và phổ biến các làn điệu dân ca, nhạc truyền thống hay lễ hội dân gian. Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công - tư (PPP) đang mở ra cơ hội huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn. Theo ThS. Mai Thanh Sơn: “Doanh nghiệp có thể là nhà bảo trợ, đồng thời khai thác giá trị di sản qua tổ chức sự kiện, sản phẩm du lịch, phát triển thương hiệu gắn với văn hóa”.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi ứng dụng nhiều công nghệ số hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản
Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác di sản. Cần có chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ quản lý văn hóa ở cơ sở, đồng thời có chính sách thu hút nhân lực trẻ có chuyên môn cao. Việc kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế cũng cần được đẩy mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, bảo tồn di sản đòi hỏi kiến thức liên ngành. Cần tiếp cận di sản trên nền tảng văn hóa, với sự tham gia của các chuyên gia từ khảo cổ, kiến trúc đến xã hội học. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các rào cản chính sách, tạo động lực cho tư nhân tham gia và hài hòa giữa bảo tồn với phát triển. “Chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản Văn hóa năm 2024 để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác này ”, ông Hoàng Cương nhấn mạnh.
Về lâu dài, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Các trường học nên lồng ghép giáo dục di sản vào chương trình chính khóa và ngoại khóa, tổ chức lớp học văn hóa, truyền nghề thủ công, tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống... Những hoạt động này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ bản sắc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ di sản.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các kênh truyền thông, tận dụng mạng xã hội và nền tảng số để truyền tải thông điệp về di sản đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Tổ chức các cuộc thi, lễ hội, triển lãm tương tác... cũng là cách hiệu quả để khơi gợi sự quan tâm và tham gia của xã hội vào công cuộc bảo tồn. ThS. Mai Thanh Sơn cho rằng: “Chúng ta không thể bảo tồn di sản bằng những khẩu hiệu đơn thuần, mà cần hành động thiết thực, bắt đầu từ giáo dục ý thức cho từng người dân”.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là cần có cơ chế ghi nhận và tôn vinh các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn. Những chính sách ưu đãi về thuế, tài chính hay truyền thông kịp thời sẽ tạo động lực để ngày càng có nhiều người cùng chung tay gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Hoài Lê