Giữ gìn, phát huy lễ hội Chạy cày

Giữ gìn, phát huy lễ hội Chạy cày
7 giờ trướcBài gốc
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, huyện Tam Dương đã nỗ lực khôi phục, xây dựng lễ hội Chạy cày xã Hoàng Đan trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Qua đó không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Lễ hội Chạy cày xã Hoàng Đan (Tam Dương) thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tham gia. Ảnh: Trà Hương
Lễ hội Chạy cày làng Đan Trì (nay là 4 thôn Chằm, Chấu, Cầu, Lồ), xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội được tổ chức 5 năm một lần. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước tưởng nhớ công ơn của thần Quý Minh đã dạy dân biết cày, biết cấy.
Theo điển tích, vị thần Quý Minh trên đường đánh giặc đã qua Trang Đan Trì, Tổng Hoàng Chuế (làng Đan Trì) lúc trời mờ tối, thấy dân đói khổ nên Ngài dạy dân cày cấy. Chính vì khoảng thời gian như thế nên tất cả các chi tiết trong lễ hội Chạy cày đều diễn ra nhanh chóng “Chạy thật nhanh, cày thật nhanh, cấy thật nhanh” để kịp thúc quân lên đường đánh giặc.
Trong khoảng thời gian dài, vì nhiều lí do khác nhau, việc tổ chức lễ hội bị gián đoạn. Đến năm 2010, lễ hội Chạy cày được Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Tam Dương và xã Hoàng Đan phục dựng lại.
Nhằm lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể hiệu quả, bền vững, năm 2024, UBND huyện Tam Dương đã ban hành đề án và kế hoạch tổ chức lễ hội Chạy cày trở thành lễ hội cấp huyện; phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các cơ quan chức năng nghiên cứu khôi phục nhiều nghi lễ trong lễ hội Chạy cày. Mời các chuyên gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghi thức cáo tế, thực hiện nghi thức chồng kiệu tại giữa sân đình, nghi thức mộc đục, quá trình rước thánh, phần hội Chạy cày, các thành phần tham gia chạy cày, cấy, rước đuốc.
Đồng thời yêu cầu UBND xã Hoàng Đan tăng cường truyền dạy nghi thức lễ hội trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn với sinh hoạt và các hoạt động tại Làng văn hóa kiểu mẫu Chằm.
Lễ hội được tổ chức với 2 phần chính gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu từ sáng mùng 5 tháng Giêng. Mùng 6 tháng Giêng, sau các phần khai mạc, nghi thức rước thánh từ đình làng Đan Trì ra tới miếu nằm cạnh đê sông Phó Đáy diễn ra vào buổi sáng và nghi thức tế lễ diễn ra vào buổi chiều.
Phần hội tái hiện lại cảnh Đức thánh Quý Minh dạy dân cày cấy trước khi lên đường đánh giặc được tổ chức vào tối mùng 6. Các vai diễn tham gia chạy cày, cấy, rước đuốc trong trang phục chỉnh tề được chia thành hai nhóm, tập trung tại hai địa điểm. Giáp Đông Nam gồm xóm Cầu, xóm Lồ tập trung tại ngã ba xóm Lồ (cách đình 300m); Giáp Tây Bắc gồm xóm Chằm và xóm Chấu tập trung trước cổng chùa Đan Trì (cách đình 300m).
Sau hồi trống lệnh, hai nhóm đốt đuốc tiến về đình thực hiện các nghi thức múa biểu diễn cày 3 vòng quanh sân đình rồi cùng trụ lại ở giữa sân. Sau đó, đội cấy thực hiện công việc cấy theo chiều từ đông sang tây. Cùng lúc đó, cụ từ té nước tạo mưa. Các hoạt động được lặp đi lặp lại 3 vòng liên tục.
Để chuẩn bị cho lễ hội Chạy cày được thực hiện công phu, chu đáo, UBND xã Hoàng Đan đã tu bổ toàn bộ các di vật, cổ vật và các hạng mục bên trong đình; tập hợp nhân lực tham gia buổi lễ, tế luyện tập. Đồng thời nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang thôn xóm; tăng cường công tác vệ sinh môi trường...
Bên cạnh đó, phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cùng các tổ chức chuyên môn trên địa bàn tỉnh thu thập, khảo sát thông tin, tư liệu; thực hiện phục dựng, số hóa, làm mô hình 3D về các giá trị văn hóa của lễ hội Chạy cày. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá đặc trưng văn hóa truyền thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đồng chí Lê Thị Huyền, cán bộ văn hóa xã Hoàng Đan cho biết: “Thay vì tổ chức 5 năm/lần theo quy mô cấp xã như trước, bắt đầu từ năm 2025, lễ hội Chạy cày được tổ chức hằng năm, nâng cấp lên thành quy mô cấp huyện. Các hoạt động diễn ra trong lễ hội sẽ được tổ chức hoành tráng, bài bản hơn.
Để xây dựng lễ hội Chạy cày trở thành sự kiện đặc sắc với nhiều nét văn hóa đặc trưng, bên cạnh giữ nguyên bản các nghi thức, Ban Tổ chức sẽ đan xen với các trò chơi dân gian, hoạt động sinh hoạt văn hóa, đảm bảo tính truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Đặc biệt, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Tuồng cũng đang tích cực tập luyện các trích đoạn với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi công lao của vị thần Quý Minh để phục vụ khán giả”.
Với sự quan tâm của các sở, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội Chạy cày xã Hoàng Đan sẽ ngày càng phát triển và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương; góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hương Giang
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122507//giu-gin-phat-huy-le-hoi-chay-cay