Giữ gìn phong tục dựng nêu đón Tết

Giữ gìn phong tục dựng nêu đón Tết
5 giờ trướcBài gốc
Anh Hoàng Hữu Tân, ở Khu phố 5, Phường 3, TP. Đông Hà duy trì dựng nêu đón Tết cổ truyền dân tộc đã nhiều năm nay - Ảnh: N.B
Từ xa xưa, trong văn hóa người Việt đã tồn tại phong tục dựng nêu đón Tết và cây nêu được xem là một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết. Phong tục này có ý nghĩa để xua đuổi tà khí, những điều xấu, điều không may mắn trong năm cũ để đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà gặp nhiều may mắn và còn dùng để trang trí làm đẹp cho ngày Tết.
Theo thời gian, tùy vào địa phương, dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn. Ở Quảng Trị, khoảng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều làng, cơ sở tín ngưỡng, cá nhân duy trì phong tục dựng nêu đón Tết từ ngày 23 tháng Chạp trở đi và hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Cây nêu thời 4.0 có sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên cây nêu vượt ra khỏi quy phạm, mô típ xưa.
Những năm gần đây, cứ vào 23 tháng Chạp trở đi, nhiều người du xuân qua các vùng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây nêu rực rỡ sắc màu được nhiều làng, cơ sở tín ngưỡng, cá nhân dựng lên để đón Tết. Theo kinh nghiệm, quan điểm của nhiều làng, cá nhân, đặc biệt là những bậc cao niên thường xuyên tham gia vào việc dựng nêu đón Tết thì công tác chuẩn bị bao giờ cũng phải thật chu đáo.
Cây tre được chọn làm cây nêu phải là cây tre thẳng, nguyên đọt, càng dài càng tốt, tre được loại bỏ hết cành, gai nhọn chỉ để lại ngọn cây, đầu ngọn phải có lá. Sau khi chọn tre xong, chuẩn bị một dải vải lụa đỏ dài khoảng 3 - 5 m, rộng khoảng 20 - 35cm (có thể ghi thêm các chữ Hán Nôm theo phong tục xưa truyền lại) để buộc vào ngọn cây, trên cây nêu có thể treo thêm cờ hội, đèn lồng, tràng pháo giấy giả, cặp bánh chưng (đã nấu chín), ngũ quả, miếng cau trầu, chuông gió... Bên cạnh đó, một số nơi còn chuẩn bị vôi, muối hạt để đặt dưới chân cây nêu với ý nghĩa trừ tà, cầu cuộc sống trong năm mới luôn được sung túc, ấm no.
Ba năm nay, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, anh Hoàng Hữu Tân, ở Khu phố 5, Phường 3, TP. Đông Hà lại cùng các thành viên trong gia đình tất bật với công việc dựng nêu đón Tết. Việc tìm kiếm tre dùng làm thân cây nêu giữa lòng thành phố có phần khó khăn nên trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 tuần lễ, anh Tân đã hoàn tất việc lựa chọn cây tre ưng ý nhất.
Để cây nêu tươi xanh, tràn đầy sức sống, tối 22 hoặc rạng sáng 23 tháng Chạp, anh Tân mới đốn hạ cây tre xuống rồi lau chùi bụi bẩn, tỉa cành, làm ẩm thân trước khi kết dãi lụa đỏ, lồng đèn, các phụ kiện khác lên thân cây. Lễ cúng dựng nêu, hạ nêu được tối giản so với phong tục nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu trang nghiêm, thành kính.
“Tôi và gia đình dựng nêu đón Tết đã 3 năm nay. Việc dựng nêu đón Tết này nhằm giữ lại truyền thống của cha ông và tôi muốn gửi thông điệp cầu chúc cho mọi người đón xuân mới luôn an vui, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, mong rằng các thế hệ con cháu mai sau phải biết giữ gìn lấy bản sắc văn hóa dân tộc mình”, anh Hoàng Hữu Tân chia sẻ.
Những ngày cuối năm, không khí rộn ràng, vui tươi và công tác chuẩn bị cho việc dựng nêu đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 ở các làng trên địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh càng thêm hối hả. Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết: “Phong tục dựng nêu đón Tết đã tồn tại từ rất lâu đời ở xã Gio An và khoảng 5 năm trở lại đây phong trào này ngày càng phát triển mạnh. Lễ dựng nêu, hạ nêu được tổ chức quy mô, bài bản và giữ lại được bản sắc văn hóa mà cha ông để lại. Năm nay, ngoài các làng thường xuyên dựng nêu đón Tết, chúng tôi đã vận động thêm làng An Bình tham gia để tạo thêm không khí vui xuân, góp phần giữ gìn, phát huy nét văn hóa cổ truyền dân tộc”.
Làng An Nha, xã Gio An là một trong những làng đầu tiên khởi lại việc dựng nêu đón Tết với quy mô, dấu ấn đậm nét nhất. “Khoảng 5 năm trở lại đây, trong làng đều cắt cử các tổ thành viên, bộ nghi lễ, thầy văn, thầy xướng làm nhiệm vụ chuẩn bị cho việc dựng nêu đón Tết. Chiều 24 tháng Chạp, những người được cắt cử phục vụ dựng nêu sẽ tập trung về chùa Long Phước để hoàn tất công tác chuẩn bị, sau đó các bô lão sẽ kiểm tra, rà soát nghiêm ngặt lại lần cuối.
Sáng 25 tháng Chạp, các thành viên trong bộ nghi lễ (thực hiện nhiệm vụ lễ cúng dựng nêu), đông đảo bô lão, người dân làng An Nha tề tựu về chùa Long Phước để thực hiện nghi thức cúng, xin phép rước cây nêu lên dựng trước cổng đình làng An Nha. Lễ thượng luôn diễn ra trang nghiêm và để báo hiệu một năm âm lịch đã sắp kết thúc và chuẩn bị đón một mùa xuân mới của đất trời lại về. Đồng thời mang thông điệp, lời nguyện cầu về một năm mới với nhiều may mắn, thuận lợi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Trưởng thôn An Nha Nguyễn Văn Hiệp bộc bạch.
Sáng 25 tháng Chạp, ngoài làng An Nha còn có nhiều làng khác trong xã Gio An cũng tiến hành dựng nêu đón Tết, đặc biệt là sự tham gia lần đầu tiên của làng An Bình. So với các làng trong xã Gio An, làng An Bình được thành lập khá muộn hơn vào năm 1993 và hiện chưa có đình làng.
Năm nay, dự kiến ngày 27 tháng Chạp, làng An Bình sẽ tiến hành nghi thức dựng nêu đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025. Sự hưởng ứng, tham gia dựng nêu đón Tết của làng An Bình đã góp phần lan tỏa phong trào và giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhơn Bốn
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/giu-gin-phong-tuc-dung-neu-don-tet-191307.htm