Giữ gìn sự trong sáng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Giữ gìn sự trong sáng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
6 giờ trướcBài gốc
Không gian “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã hình thành từ rất lâu và được hoàn thiện dần thành hệ thống trong cả một quá trình lâu dài, đây là tín ngưỡng nội sinh, bản địa. Thông qua nội dung của các bài hát chầu văn kết hợp ngũ âm của âm nhạc cổ điển cùng những lối hát vừa dân gian vừa bác học, việc thực hành tín ngưỡng này dân gian vẫn gọi là hầu Thánh hay hầu đồng.
Trải qua bao sự thăng trầm, tín ngưỡng này vẫn được giữ gìn, trường tồn với những nét đẹp nhân văn tiềm tàng, gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần không thể thiếu vắng được và đồng hành cùng đời sống vật chất của người Việt trong suốt công cuộc giữ nước và dựng nước, góp phần làm tăng thêm sức mạnh niềm tin trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo tồn xã tắc và lao động sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Đây còn là nét đẹp của văn hóa tâm linh giúp cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú. Những nét đẹp trong việc thực hành tín ngưỡng là tư tưởng uống nước nhớ nguồn, luôn tri ân các vị Anh hùng tiền bối. Với quan niệm “sinh vi Tướng, hóa vì Thần”, luôn đồng hành cùng dân tộc để bảo quốc hộ dân, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người.
Thông qua nghi lễ hầu đồng chúng ta nhận thấy đây là đỉnh cao của giá trị nghệ thuật, của văn hóa tâm linh đã kết hợp hài hòa giữa “hiển” và “mật”, đó là y phục, vũ đạo, đạo cụ. Nói về y phục thì mầu sắc sặc sỡ say sưa, chất liệu là gấm vóc thêu thùa cùng những đồ phụ kiện khăn, xây, đai, mạng, hoa, hài, hoãn, hột vô cùng cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh xảo. Còn về vũ đạo cũng được thay đổi liên tục trong các tư thế, động tác; khi thì hùng dũng, mạnh mẽ, khi thì khoan thai, đủng đỉnh, có khi nhí nhảnh, ngây thơ (nam Thần, như Quan Lớn, Ông Hoàng, Thánh Cậu) còn như hầu giá các nữ thần (Chầu Bà, Thánh Cô) thì khi nghiêm khắc, oai nghi, khi đong đưa yểu điệu, phóng khoáng với nhiều động tác có tính chất ước lệ, tượng trưng tạo nên sự phong phú, tinh tế, trong khi thực hành tín ngưỡng hầu Thánh mà thoáng nhìn tưởng là đơn giản song phân tích thì vô cùng bác học tạo nên một sự hài hòa giữa cõi hư và cõi thực.
Nói về vấn đề hát văn thì xưa kia duy nhất lối hát này được dùng trong không gian đền, phủ, điện thờ, có hát thi, hát thờ và hát khi các thanh đồng thực hành nghi lễ hầu Thánh với 4 lối hát chính là Dọc, Còn, Phú, Xá. Song mỗi lối hát lại chia nhỏ ra thành nhiều giọng điệu, ví dụ lối hát phú, có phú bình, phú chênh, phú còn, kiều dương, phú nói... thông qua lời hát có dùng một số từ Hán Việt, điển tích, điển cố văn học và chính đây cũng tạo ra tính bác học của âm nhạc và văn chương bên cạnh những lời hát mộc mạc, giản dị.
Thông qua lời hát văn để ca ngợi công đức của các vị Thánh, hiểu thêm về lịch sử, thấy được cảnh, được người của nhiều miền đất nước, ôn lại lịch sự hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, cùng đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất để phát triển cuộc sống xã hội, tăng thêm lòng tự hào về đất nước, con người, dân tộc Việt Nam. Từ đó, mọi người trao gửi trọn niềm tin vào các đấng anh linh luôn gần gũi bên họ để cứu khổ, độ nguy phù trợ cho dân cường, quốc thịnh, mọi người sẽ lạc quan hơn trong cuộc sống.
Từ ý nghĩa đó cho thấy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là việc làm vô cùng lành mạnh, trong sáng và trân quý. Đây là một nét văn hóa độc đáo, một di sản vô giá của cha ông từ hàng trăm, hàng ngàn năm để lại.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện nét đẹp của văn hóa tâm linh của người Việt.
Thế nhưng thực tế hiện nay do hiểu chưa đúng mà bộ phận người dân có những ứng xử chưa chuẩn với di sản. UNESCO ghi danh di sản không phải ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Vì vậy cần hiểu đúng tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, không phải toàn bộ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời cũng cần hiểu đúng không phải UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà là ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân không hiểu và sử dụng tên gọi không đúng với tên di sản được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để tuyên truyền, phát huy giá trị di sản.
Đặc biệt hiện nay, một bộ phận công chúng coi di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh chỉ là hầu đồng. Hiểu như vậy là phiến diện, hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh đó còn có các thực hành khác như nghi lễ thờ cúng, hoạt động lễ hội với các nghi lễ như: rước Thỉnh kinh, xếp chữ, các hoạt động văn hóa truyền thống trong lễ hội, sự tham gia sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu và thực hành, sáng tạo các giá trị văn hóa liên quan đến di sản, đó là sự tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa. Một số người còn lầm tưởng vinh danh di sản này là vinh danh các ông/bà đồng. Hiểu như vậy là sai lệch, chưa toàn diện đầy đủ về di sản. Trong thực hành nghi lễ hầu đồng, vai trò của các ông/bà đồng rất quan trọng. Tuy nhiên để thực hành một vấn hầu, một giá đồng đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều chủ thể cùng tham gia thực hành như: pháp sư, hầu dâng, cung văn, người tham dự nghi lễ và các yếu tố trang trí trong không gian thiêng, đồ lễ, trang phục, đạo cụ...
Thực tế hiện nay cũng cho thấy, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, nhiều cơ quan đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng, chủ thể của di sản tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. Không thể phủ nhận các hoạt động đó đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở”.Có đơn vị còn đứng ra tổ chức “liên hoan hầu đồng”, thi trình diễn trang phục hầu đồng do các thanh đồng thực hiện hoặc tặng các bằng vinh danh, bảng vàng... cho tổ chức cá nhân tham dự hầu đồng, không đúng thẩm quyền và quy định của Luật thi đua khen thưởng. Đáng trách là có đơn vị tổ chức liên hoan hầu đồng, để các ông/bà đồng thực hành Nghi lễ Chầu văn, hầu đồng diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng không liên quan đến thờ Mẫu. Điều đó làm mất đi tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng, dẫn đến nhiều người hiểu sai lệch về di sản, coi hầu đồng như một hoạt động văn hóa, văn nghệ. Vì thế nên đã có trường hợp diễn xướng mô phỏng hầu đồng trong cả đám cưới, bàn ăn... Nghi lễ Chầu văn, hầu đồng chỉ có thể do các ông/bà đồng (những người được coi là có căn quả) thực hành trong không gian thiêng, nơi thờ Mẫu Tam phủ/ Tứ phủ mà thôi. Trong trường hợp cần giới thiệu di sản phục vụ nghiên cứu, ngoại giao...ngoài nơi thờ Mẫu thì cần tạo “tính thiêng” do cộng đồng thực hiện. Để chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong thực hành di sản này, tại Công văn số 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12/2/2018 của Bộ VHTTDL đã ghi rõ: “...Chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố..."
Bên cạnh đó, ở một số địa phương thiếu hiểu biết, coi hầu đồng là mê tín, dị đoan nên còn gây khó dễ, chưa tạo điều kiện cho cộng đồng là chủ thể của di sản thực hành tín ngưỡng….
Trước những bất cập đó, để giữ gìn sự trong sáng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trước tiên chúng ta phải hiểu đúng, nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nhà nước đối với di sản đã được UNESCO ghi danh. Đó còn là cơ sở giúp chúng ta ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng làm sai lệch thực chất của di sản, để “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại./.
Theo dangcongsan.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/giu-gin-su-trong-sang-trong-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-5031582.html