Một góc chợ. Ảnh: MINH NGUYỆT
Không ít du khách khi đặt chân đến đây đều mong một lần được dậy thật sớm để tận mắt ngắm nhìn phiên chợ nổi tiếng với ghe thuyền đầy ắp sản vật miền nhiệt đới này.
Thức cùng chợ nổi
Mới hơn 4 giờ 30 sáng, chúng tôi ra bến Ninh Kiều để lên tàu tới chợ nổi Cái Răng. Con tàu ghé mũi vào sát bờ đón khách. Anh tài công Nguyễn Hữu Tài nhanh nhẹn hỗ trợ khách lên tàu, rồi nổ máy rẽ sóng trong màn đêm chở chúng tôi đi khi những căn phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Không gian xung quanh đẫm sương phủ mờ lên mặt nước. Những cơn gió sớm mai thổi ngang qua dòng sông mang theo hương phù sa, hương bùn non đặc trưng của miền Tây sông nước phả lên da mát rượi.
Khi tàu tiến dần về phía chợ nổi, ánh sáng đầu ngày phản chiếu xuống mặt sông tạo thành từng vệt lấp lánh như dát bạc trông thật đẹp mắt. Những căn nhà thấp nhỏ hai bên bờ sông mang đậm chất sông nước miền Tây dần hiện ra trước mắt. Cô Đặng Thị Tuyết - hướng dẫn viên của đoàn chỉ tay về phía một vật thể đồ sộ lững lờ giữa dòng nước, nói: “Đó là "chú cá khổng lồ" Interceptor 003, chuyên đi ăn rác trên sông”. Interceptor 003 là chiếc tàu thu gom rác tự động đầu tiên và duy nhất hiện diện tại Việt Nam. Từ tháng 12/2021, con tàu đặc biệt này âm thầm làm nhiệm vụ vớt sạch mặt sông, giúp ngăn rác thải nhựa đổ ra biển. Đây là một phần trong dự án chung giữa tổ chức The Ocean Cleanup (Hà Lan) và Tập đoàn Coca-Cola, với sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên toàn thế giới được chọn thí điểm. Interceptor 003 cũng là một trong ba chiếc hiện diện ở khu vực Đông Nam Á.
Tầm mắt chúng tôi bất chợt bị hút về phía bờ, nơi một “viên ngọc hiện đại” của xứ Tây Đô đang vươn mình kiêu hãnh, đó là khách sạn Sheraton Cần Thơ cao 30 tầng, khách sạn cao nhất miền Tây hiện nay. Trên đường đến chợ nổi, chúng tôi đi qua bốn cây cầu Quang Trung, Hưng Lợi, Trần Hoàng Na, Cái Răng mang đậm dấu ấn vùng sông nước. Trên hành trình ấy, một bất ngờ thú vị nữa hiện ra, đó là những “cây xăng nổi” giữa sông, vừa là trạm tiếp nhiên liệu cho ghe thuyền, vừa kiêm luôn tiệm tạp hóa. Những mô hình hai trong một độc đáo ấy khiến nhiều du khách thích thú, không ngớt đưa máy ảnh lên ghi lại những điều “chỉ có thể là miền Tây”.
Thương hồ ở chợ nổi Cái Răng bán trái cây cho du khách. Ảnh: NGỌC DUNG
Thương hiệu du lịch của Cần Thơ
Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua TP Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan” nghĩa là “cà ràng” (cái bếp lò nặn bằng đất). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm karan đi bán khắp nơi. Đặc biệt, họ bán nhiều tại khu vực Cần Thơ. Do người Việt phát âm “trại” chữ, lâu dần “karan” thành “cà ràng” rồi “Cái Răng” và trở thành địa danh cho đến bây giờ.
Chúng tôi đến chợ khi trời hửng sáng. Chợ hiện ra trong tầm mắt, sống động như một bức tranh rực rỡ sắc màu miền nhiệt đới. Ngay đầu chợ là ba ghe khóm chen nhau cập bến, trên mỗi chiếc là từng chồng khóm vàng ươm, đó là khóm Cầu Đúc trứ danh của Hậu Giang. Hàng trăm chiếc ghe, chiếc thuyền neo đậu san sát nhau, chất đầy hàng hóa. Giữa không gian nhộn nhịp ấy, bất chợt cô hướng dẫn viên Đặng Thị Tuyết đọc khe khẽ bốn câu thơ như chắt ra từ chính nhịp đời lênh đênh và thân phận thương hồ miền sông nước: “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/ Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ” (Huỳnh Kim).
Lúc này, trên sông rộn ràng tiếng máy ghe/thuyền, tiếng cười nói rôm rả, tạo nên một không khí tấp nập, sôi động giữa lòng sông Hậu. Thuyền, ghe từ khắp các ngả tụ về trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người chở khoai, người chở bí, người treo từng chùm xoài chín vàng tươi, măng cụt, chôm chôm... Điều đặc biệt ở chợ nổi là không có tiếng rao, không biển hiệu. Tất cả giao thương đều dựa vào tín hiệu “4 treo”: treo mặt hàng, treo mẫu mã, treo giá bán, treo để nhận biết chủ ghe, đây là một hình thức “quảng cáo truyền thống” rất riêng của thương hồ miền sông nước.
Giữa dòng chợ tấp nập ấy, du khách đến đây có cơ hội tham quan, thử kẹo dừa không đường làm từ mạch nha và nước cốt dừa, trải nghiệm tráng bánh sợi hủ tiếu dai. Du khách còn có dịp thưởng thức những món ăn đặc trưng Nam Bộ như bún riêu, hủ tiếu, bún thịt nướng, bánh lọt, cháo lòng, hủ tiếu lắc, lẩu mắm... giữa không gian sông nước. Chị Lê Thị Bé bán bún trên ghe giữa chợ đã gần 30 năm sống cùng chợ nổi, cho biết mỗi ngày chị dậy lúc 2 giờ sáng, chuẩn bị mọi thứ, hơn 5 giờ là ghe hàng đến chợ để sẵn sàng phục vụ cho thực khách. Công việc này đã nuôi sống cả gia đình, giúp con cháu chị có cơ hội học hành.
Du khách trải nghiệm làm hủ tiếu ở chợ nổi. Ảnh: THANH HỘI
Nỗ lực giữ hồn chợ nổi
Theo Sở VHTT&DL Cần Thơ, thời hoàng kim chợ nổi Cái Răng có khoảng 500-600 ghe/thuyền hoạt động giao thương. Tuy nhiên, đến nay đã không còn nhộn nhịp so với thời ấy.
Khi đến chợ nổi Cái Răng, chúng tôi nhận thấy số lượng ghe/thuyền của thương hồ chỉ có hơn 100 chiếc, còn lại là ghe nhỏ của khách du lịch với số lượng nhiều hơn. Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của mạng lưới đường bộ và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, lượng người buôn bán trên chợ đã giảm đáng kể. Dẫu vậy, chợ nổi Cái Răng vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng với du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi ngày có từ 500-700 lượt khách ghé thăm chợ bằng tàu du lịch. Chị Nguyễn Lê Vân đến từ Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu đến chợ nổi Cái Răng, tôi cảm thấy rất thú vị bởi cảnh tấp nập buôn bán trên sông từ lúc tinh mơ. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ, thưởng thức tô bún nóng và trò chuyện với người bán hàng chân chất khiến tôi thấy gần gũi, ấm áp. Chợ nổi không chỉ là một phiên chợ, mà là một phần hồn cốt của miền Tây”.
Chợ nổi Cái Răng không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng của TP Cần Thơ, mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của vùng sông nước miền Tây. Đa phần du khách khi đến Cần Thơ đều có nhu cầu tham quan chợ nổi. Năm 2014, chợ nổi Cái Răng được nhiều tạp chí du lịch bình chọn là một trong 10 khu chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới và nằm trong top 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á. Năm 2016, chợ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ góc nhìn văn hóa, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng, chợ nổi miền Tây không chỉ là nơi mua bán mà còn là nét văn hóa đặc sắc, một phần không thể thiếu trong ký ức của những ai từng lớn lên giữa đồng bằng Cửu Long. Chợ nổi còn là một không gian sống động chứa đựng phong tục, tập quán và tinh thần cộng đồng rất riêng của người dân vùng sông nước. Để giữ gìn nét văn hóa đặc biệt ấy, TP Cần Thơ những năm gần đây đã nỗ lực bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng bằng nhiều giải pháp: hỗ trợ vốn cho tiểu thương, tổ chức các lớp tiếng Anh giao tiếp, tập huấn nghiệp vụ du lịch, khuyến khích phát triển các "floating shop", tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử trên sông... Những nỗ lực này không chỉ hướng đến mục tiêu giữ gìn bản sắc, mà còn nhằm tạo sinh kế cho người dân sống bằng nghề buôn bán trên chợ, thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc. Việc bảo tồn chợ nổi hôm nay không chỉ là bảo vệ một địa danh, mà là gìn giữ cả một lối sống, một phần hồn cốt của vùng sông nước phương Nam. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt, là điểm nhấn khiến chợ nổi Cái Răng luôn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng du khách bốn phương.
NGỌC DUNG