Hoa ngô đồng nở rộ Hoàng cung Huế. Ảnh: Lê Đình
Áp lực hiện đại hóa đối với đô thị di sản
Quy mô và tốc độ đô thị hóa của Huế dự kiến sẽ gia tăng đáng kể, nhất là khu vực trung tâm. Sự phát triển này vừa tạo cơ hội, vừa làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phá vỡ cảnh quan, san lấp thiên nhiên để nhường chỗ cho các khu đô thị, trung tâm thương mại. Những công trình cao tầng nếu thiếu kiểm soát về độ cao, màu sắc, mật độ có khả năng “lấn át” vẻ trầm mặc, nên thơ của không gian đô thị Huế.
Không chỉ chịu tác động về mặt vật chất, di sản văn hóa phi vật thể của Huế (như nhã nhạc cung đình, ca Huế, ẩm thực cung đình, các nghi lễ truyền thống…) cũng có nguy cơ mai một do sức ép của lối sống hiện đại. Với nhịp sống công nghiệp, toàn cầu hóa, thế hệ trẻ có thể dần xa rời những giá trị nghệ thuật cổ truyền. Nếu không có kế hoạch giữ gìn, truyền dạy bài bản, bản sắc Huế rất dễ mất dần, nhất là trong bối cảnh du lịch cần “sản phẩm mới” để cạnh tranh.
Nhiều tín hiệu tích cực đã đến từ bản quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành Huế (tỷ lệ 1/2000) do Sở Xây dựng thành phố Huế công bố mới đây. Những điểm đáng chú ý nhất của bản quy hoạch này là thành phố dự kiến mở rộng không gian công cộng trước 8 cổng thành, gồm cửa Nhà Đồ, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, cửa Hậu, cửa Đông Ba, cửa Hữu, cửa Chánh Tây và cửa Kẻ Trài nhằm tôn vinh kiến trúc cổng thành, mở rộng không gian phát triển du lịch.
4 trục đường nối 8 cổng sẽ được cải tạo, nâng cấp thành phố thương mại - dịch vụ du lịch. Hệ thống giao thông bên trong khu vực Kinh thành cũng được thiết kế ưu tiên phương tiện xanh, đường đi bộ, tuyến xe đạp… Đặc biệt, song song với việc quản lý chiều cao, mật độ xây dựng (không quá 3 tầng,
Kinh nghiệm từ Kyoto và Luang Prabang
Kyoto của Nhật Bản là ví dụ điển hình về thành phố di sản hiện đại, song vẫn bảo tồn được “hồn” truyền thống. Từng là thủ đô của Nhật Bản, Kyoto có hàng ngàn đền chùa, kiến trúc cổ. Dưới áp lực phát triển, chính quyền Kyoto ban hành quy định nghiêm ngặt về chiều cao và thiết kế công trình ở khu vực trung tâm lịch sử, đảm bảo mọi tòa nhà, biển hiệu, màu sơn… hài hòa với di tích xung quanh.
Các khu thương mại hiện đại được bố trí ở những quận xa khu phố cổ, chứ không “chen lấn” vào trung tâm. Cách làm này giúp Kyoto trở thành “ngôi sao” du lịch và văn hóa của Nhật Bản, nơi du khách vẫn thấy nét cổ xưa bên cạnh hệ thống tàu điện, trạm nghiên cứu, trung tâm hội nghị hiện đại.
Luang Prabang của Lào - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận năm 1995 cũng từng phải đối mặt bài toán tương tự. Để gìn giữ cảnh quan đền chùa, nhà cổ, chính quyền địa phương đã giới hạn xe cơ giới, khống chế chiều cao và mật độ công trình, thậm chí khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống. Kết quả là Luang Prabang vẫn giữ được nét cổ kính, phù hợp với du lịch văn hóa, tâm linh; thu hút nhiều khách nước ngoài mong muốn chiêm ngưỡng một châu Á dịu dàng, không bị xáo trộn bởi “công trình bê tông”.
Từ mô hình Kyoto hay Luang Prabang, có thể thấy việc phân vùng bảo vệ di tích giữ vai trò then chốt. Từ bản quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành Huế như đã dẫn, thành phố cần cụ thể hóa khu vực “lõi di sản”, ví dụ như toàn bộ khu Kinh thành, lăng tẩm, nhà vườn… Đồng thời, đặt ra quy chế nghiêm cấm xây cao ốc, hạn chế giao thông cơ giới nặng. Khu vực này cũng cần cơ chế đặc biệt về quản lý kiến trúc, bảng quảng cáo, sắc màu công trình.
Hạ tầng hiện đại (trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng) có thể được đẩy về khu vực ngoại ô thành phố, hoặc dọc các tuyến đường vành đai, vừa bảo đảm giao thông, vừa không lấn vào vùng di sản...
Công cuộc “giữ hồn Huế” không chỉ là việc của chính quyền mà còn đòi hỏi phải có sự chung tay của cộng đồng dân cư, đặc biệt là người trẻ trong việc nhận thức giá trị di sản. Song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thành phố còn phải khuyến khích chính người dân tham gia thiết kế cảnh quan, giám sát quy hoạch xung quanh khu di tích sẽ tạo ra sự đồng thuận, hạn chế nguy cơ lấn chiếm và xâm phạm không gian chung.
Huế phải “luôn luôn mới” nhưng cần giữ những yếu tố có tính hồn cốt của mình là nét tĩnh lặng, mảng xanh thiên nhiên, nhà vườn trăm năm, nghệ thuật truyền thống, cùng không gian Kinh thành. Đó chính là tài sản quý, là chìa khóa để cạnh tranh trên bản đồ du lịch văn hóa toàn cầu.
Hoàng Văn Minh