Nơi vọng chồng giữa trời
Trong một buổi sáng đầu hè nắng gắt, chúng tôi có mặt tại núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa nơi tọa lạc cụm di tích thắng cảnh và nghệ thuật nổi tiếng, trong đó nổi bật nhất là hòn Vọng Phu.
Hòn Vọng Phu xuất hiện nhiều vết nứt sau khi bị sét đánh, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập
Từ chân núi, con đường dẫn lên di tích quanh co và rêu phong, uốn lượn qua những khối đá tự nhiên kỳ vĩ như một bức tranh thủy mặc. Lên đến lưng chừng núi, hòn Vọng Phu hiện ra – một khối đá lớn đứng thẳng, cao chừng 20m, mang hình dáng người phụ nữ bồng con ngóng vọng về phương Bắc. Truyền thuyết kể rằng đó là người vợ thủy chung ngày đêm chờ chồng đi chiến trận, chờ đến hóa đá.
“Ngày nào cũng có người đến đây thắp hương, chạm tay lên vết đá mà cầu bình an. Người dân An Hưng tin rằng hòn đá không chỉ là biểu tượng tình nghĩa, mà còn là nơi linh thiêng che chở cho làng xóm,” một người dân sống gần chân núi, chia sẻ.
Năm 1992, khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích cấp quốc gia/
Tuy nhiên, kể từ đêm 15.6.2022, vẻ bình yên ấy đã bị phá vỡ. Một trận giông kèm sét lớn khiến hòn Vọng Phu bị sét đánh trúng. Khối đá phía tây kích thước 1x3m và khối phía đông 2,5x3m bị sạt lở, tạo thành các vết nứt kéo dài, tróc vỡ nghiêm trọng.
Quan sát bằng mắt thường, có thể thấy rõ phần thân chính của khối đá đã nghiêng từ 10 đến 15 độ, báo hiệu nguy cơ đổ sập nếu không được gia cố kịp thời.
Trước thực trạng đáng báo động, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức phê duyệt dự án “Bảo tồn, gia cố di tích hòn Vọng Phu” với tổng vốn đầu tư 17 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Dự án do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 31.12.2025.
Theo quyết định phê duyệt, các kỹ sư sẽ sử dụng kỹ thuật gia cường bằng thép D14 và vữa SIKA GROUT 214-11, một loại vữa gốc xi măng chịu lực cao để bơm chèn vào các vết nứt và lỗ khoan dọc thân đá.
“Các sợi thép được cấy sâu theo phương đứng, phối hợp với vữa chịu kéo, chịu nén sẽ tạo thành mạng lưới giữ chặt các phần tử rời rạc, ngăn vết nứt phát triển và chống nguy cơ sụp đổ,” một kỹ sư trong đội tư vấn kỹ thuật cho biết.
Các nhà khoa học, chuyên gia di sản tham gia hội thảo tìm giải pháp bảo tồn hòn Vọng Phu tháng 10.2023
Không chỉ đơn thuần là gia cố, dự án còn đặt mục tiêu bảo tồn nguyên trạng hình dáng và cấu trúc của di tích. Bởi theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), hòn Vọng Phu không chỉ là biểu tượng địa chất mà còn mang giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng rất lớn.
“Mỗi khối đá nơi đây đều có tên gọi, truyền thuyết gắn liền, là thiết chế văn hóa cộng đồng từ bao đời,” ông Thành nhận định trong Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất phương án bảo tồn di tích thắng cảnh hòn Vọng Phu” tổ chức vào tháng 10.2023.
Hội thảo cũng là nơi quy tụ nhiều chuyên gia địa chất, bảo tồn di sản, kiến trúc sư và nhà văn hóa để thảo luận các kịch bản can thiệp, từ giám sát biến dạng đến gia cố cấu trúc và phòng sét chủ động.
Theo đề xuất, khu vực sẽ được lắp đặt hệ thống chống sét lan truyền, bổ sung rào chắn cảnh báo và camera giám sát an ninh để hạn chế tác động từ con người.
Giữ lại ký ức đá cho muôn đời sau
Với người dân Thanh Hóa nói riêng và du khách thập phương nói chung, hòn Vọng Phu không chỉ là danh thắng, đó là nơi gửi gắm ký ức, niềm tin và bản sắc văn hóa dân tộc.
“Lúc tôi còn nhỏ, bà nội hay dẫn lên đây mỗi dịp đầu năm. Bà kể, ai cầu duyên, cầu bình an ở đây đều linh lắm. Nên sau này, dù xa quê, tôi vẫn về thăm núi Nhồi mỗi năm một lần,” chị Lê Thị Mai, hiện sinh sống tại TP.HCM, bồi hồi kể lại.
Toàn cảnh núi Nhồi – nơi tọa lạc di tích hòn Vọng Phu, biểu tượng gắn với truyền thuyết người vợ chờ chồng
Không ít du khách từng đứng dưới chân hòn đá, lặng người nhìn lên dáng mẹ bồng con, rồi tự hỏi bao nhiêu thế hệ đã lặng thầm chờ đợi như vậy trong đời. Đó là điều khiến hòn Vọng Phu trở thành một phần không thể thiếu của tâm thức dân gian Việt Nam, một biểu tượng của sự thủy chung, nhẫn nại và tình người sâu thẳm.
Giờ đây, khi nguy cơ sụp đổ đã cận kề, thì sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, giới chuyên môn và cộng đồng địa phương là tia hy vọng cho di tích thiêng liêng này được “hồi sinh”. Việc triển khai dự án bảo tồn không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà còn là trách nhiệm gìn giữ ký ức và truyền thống cho thế hệ mai sau.
“Cứu hòn Vọng Phu không phải vì đá quý, mà vì giá trị của niềm tin và đạo lý nằm trong từng khối đá ấy,” một chuyên gia văn hóa nhấn mạnh.
NGUYỄN LINH