Người Tày xã Nghĩa Đô giữ nghề dệt truyền thống.
Ở bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô (tỉnh Lào Cai), chiếc khung cửi gỗ mộc mạc đã theo bà Nguyễn Thị San suốt mấy chục năm cuộc đời. Gắn bó với nghề dệt từ thuở nhỏ, nay bà lại tỉ mỉ truyền dạy cho con, cho cháu từng đường thoi, mũi dệt. Mỗi âm thanh của khung cửi, mỗi sợi chỉ, đường hoa là cả một phần hồn cốt của người Tày đang tiếp tục được nuôi dưỡng.
Một người biết giữ truyền thống của dân tộc thì đầu tiên phải truyền cho con mình. Dạy được các con biết dệt thành thạo, tôi rất tự hào. Giữ nghề cũng là giữ bản sắc của dân tộc mình.
Bà Nguyễn Thị San, xã Nghĩa Đô.
Với người Tày, phụ nữ trước khi lập gia đình phải biết thêu thùa, may vá, dệt thổ cẩm. Những công việc ấy không chỉ là kỹ năng mà còn là niềm tự hào, là sắc màu văn hóa được gửi gắm qua từng sợi vải, từng hoa văn truyền thống.
"Mẹ là nghệ nhân, mẹ dạy mình từ bé nên mình hiểu giá trị của nghề. Giờ mình lại dạy con gái để tiếp nối, để văn hóa người Tày mình không bị mai một" - chị Hoàng Thị Sáo, con gái bà San xúc động chia sẻ.
Cứ thế, qua từng thế hệ, từng bàn tay khéo léo, những tấm vải thổ cẩm trở thành di sản sống, minh chứng rõ nét cho sự tiếp nối văn hóa trong gia đình.
Giai điệu mộc mạc của sáo cúc kẹ lan tỏa tinh thần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Tại xã Văn Bàn, tiếng sáo cúc kẹ - nhạc cụ truyền thống của người Xá Phó vẫn đều đặn vang lên giữa núi rừng. Với đồng bào nơi đây, sáo không chỉ là âm thanh nghệ thuật mà còn là cách con người trò chuyện với đất trời, là khúc nhạc giao duyên, là lời cầu chúc mùa màng bội thu.
Chị Phạm Thị Cúc ở thôn Khe Nhòi nhiều năm nay vẫn miệt mài dạy các con, cháu mình thổi sáo. Dù tiếng sáo của con trẻ chưa thật tròn trịa, nhưng với chị, đó là bước khởi đầu quý giá.
Tiếng sáo của các cháu chưa hay nhưng mình thấy phấn khởi rồi. Chỉ cần còn yêu, còn giữ thì bản sắc dân tộc mình sẽ không bị mất gốc.
Chị Phạm Thị Cúc, xã Văn Bàn.
Tiếng sáo ấy ngân vang từ lòng người, truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp yêu văn hóa dân tộc từ những điều nhỏ bé nhất.
Gia đình là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Bởi vậy, để phát huy được vai trò của thiết chế gia đình trong việc lưu truyền những nét văn hóa tốt đẹp của mỗi tộc người và trao truyền tới các thế hệ mai sau, thì mỗi thành viên trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc mình như tiếng nói, chữ viết; trang phục, ẩm thực truyền thống; phong tục tập quán, hôn nhân…
Phụ nữ dân tộc Mông giữ nghề may thêu trang phục truyền thống.
Người Mông từ bao đời nay luôn coi trọng bộ quần áo truyền thống. Khi sống cũng như lúc về với tổ tiên, họ đều phải mang theo bộ trang phục ấy. Học từ mẹ, giờ mình lại dạy con cháu, để sau này chúng cũng biết trân trọng nguồn cội.
Chị Sùng Thị Mờ, xã Tả Van.
Còn em Vù Seo Sèng ở xã Bắc Hà mới học hết lớp 5, đã theo cha học múa khèn. Em nói muốn múa giỏi hơn, học được các bài khèn của ông cha để gìn giữ nét văn hóa của người Mông. Ở cái tuổi còn nhỏ ấy, sự tự nguyện học và tiếp nối truyền thống là điều khiến ai cũng xúc động và hy vọng.
Việc mỗi gia đình quan tâm thực hiện các nghi thức vào dịp lễ tết, tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên, góp phần hình thành và phát triển nhân cách; gìn giữ, trao truyền văn hóa tộc người từ đời này qua đời khác. Không ít gia đình người Hà Nhì ở Y Tý đã phát triển du lịch cộng đồng đạt hiệu quả nhờ phát huy nét đẹp văn hóa tộc người, phát huy di sản thành tài sản.
Trong những ngôi nhà trình tường, ông bà, cha mẹ làm các món ăn truyền thống, dạy nghề thủ công, còn con cháu quay video, chụp ảnh quảng bá cho du lịch. Cả nhà cùng tham gia, mỗi người một việc, cùng gìn giữ và lan tỏa bản sắc. Nhờ đó, đời sống được nâng lên mà sợi dây văn hóa trong mỗi gia đình lại càng thêm bền chặt.
Mâm cỗ truyền thống của người Hà Nhì ở xã Y Tý.
Gia đình là thiết chế xã hội đầu tiên và gần gũi nhất. Những câu chuyện về bà San, chị Cúc, chị Mờ hay em Sèng… là minh chứng sống động cho việc trao truyền văn hóa từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Văn hóa không chỉ tồn tại trong bảo tàng, sách vở mà được gìn giữ trong đời sống thường nhật, trong từng nếp sống, lời ăn tiếng nói, trong tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu.
Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Nhờ vậy, mạch nguồn văn hóa được duy trì bền vững, lan tỏa sâu rộng trong từng ngôi nhà, từng bản, làng.
Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc không thể tách rời vai trò của gia đình. Bắt đầu từ những việc nhỏ như giữ nếp sống, ngôn ngữ, trang phục, lễ nghi... gia đình chính là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng và lan tỏa tinh hoa văn hóa. Đó cũng chính là sức mạnh để văn hóa truyền thống dân tộc trường tồn và tiếp bước cùng thời đại, làm nên bức tranh đa màu, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nơi biên cương Tổ quốc.
Nguyễn Thùy Anh