Giữ mãi thanh âm bản sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên

Giữ mãi thanh âm bản sắc giữa đại ngàn Tây Nguyên
14 giờ trướcBài gốc
Ông Hoàng Văn Soạn (bên trái) vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ảnh: R'ô Hok
Dệt lại tiếng chiêng, khôi phục tiếng then
Làng Pơ Nang hiện có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số: Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái, Cao Lan..., trong đó, người Ba Na chiếm khoảng 66%.
Là người Tày, ông Soạn vào Gia Lai lập nghiệp đã hơn 20 năm. Gần gũi, gắn bó và luôn tận tâm với cộng đồng, ông được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín trong vùng. Ông kể, xã Kon Thụp có đông đồng bào Ba Na theo đạo Tin lành. Trước đây, do nghe một số mục sư giảng rằng: “Chúa không còn muốn nghe tiếng cồng, tiếng chiêng nữa” nên nhiều người đã bán cồng chiêng, thậm chí dùng chiêng làm máng cho bò, heo, gà... Nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống như đánh chiêng trong đám tang, cúng Yàng, cúng nhà rông, cúng cầu mưa, cúng giọt nước, hay các lễ hội uống rượu cần, nhảy múa... cũng dần bị lãng quên, thay vào đó là việc chỉ thờ Chúa.
Tận sâu trong lòng, ông Soạn day dứt khi đến dự đám cưới, lễ đầy tháng của người Tày, người Nùng mà không còn ai hát then, hát lượn - những nét văn hóa vốn là linh hồn trong đời sống tinh thần. Ông nghĩ, với người Tày, Nùng, Ba Na, tiếng then, tiếng chiêng không chỉ là âm thanh truyền thống, mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với bao thế hệ, hiện diện trong mọi sự kiện trọng đại của cộng đồng. Vậy mà giờ đây, tất cả đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là khi một số tôn giáo tìm cách mở rộng ảnh hưởng, vô tình làm lu mờ các giá trị văn hóa đặc sắc.
Với vai trò là người có uy tín, ông Soạn hiểu rõ trách nhiệm của mình. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định đứng ra vận động bà con cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là làm sao để người dân hiểu và đồng lòng khôi phục lại đội hát then, đội múa xoang, đội đánh cồng chiêng, trong khi không có nhạc cụ, trang phục, nghệ nhân...
Không chờ ai khác giúp mình, ông Soạn bắt tay vào việc. Ông tập hợp những người có năng khiếu, đam mê hát then, đàn tính; liên hệ bạn bè, người thân ở ngoài Bắc gửi vào các cây đàn tính, áo chàm. Những ngày đầu, đội hát then - đàn tính của làng chỉ có 5 người. Sau một thời gian, đội đã phát triển lên hơn 30 người, biểu diễn tại các đám cưới, lễ tân gia, đầy tháng và các ngày lễ, hội của địa phương. Đội múa chầu gồm 8 người, có 10 cây đàn tính và nhiều bộ trang phục truyền thống người Tày, Nùng.
Với người Ba Na, ông Soạn vận động dân làng góp tiền mua lại một bộ cồng chiêng gồm 21 chiếc, thành lập đội nghệ nhân cồng chiêng 22 người và đội múa xoang 30 người. Giờ đây, mỗi khi làng có đám cưới, đám tang, đội đều đến góp mặt đánh chiêng. Khi con em lên đường nhập ngũ, đi học xa, già làng lại được mời đến cúng Yàng. Vào Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các dân tộc trong làng cùng giao lưu văn hóa, khoe trang phục truyền thống của người Ba Na, Thái, Tày, Nùng...
Xóa bỏ hủ tục, giữ lại tinh hoa
Hiện nay, ở làng Pơ Nang và xã Kon Thụp đã có nhiều người Ba Na biết tự dệt thổ cẩm để may mặc cho gia đình. Làng cũng có 4 phụ nữ chuyên may quần áo chàm bán cho bà con. Vào các dịp cưới hỏi, lễ hội, người dân thi nhau trổ tài nấu các món truyền thống. Ông Soạn chia sẻ: “Tôi đã dạy 12 người nấu các món đặc trưng của người Tày, Nùng, Thái như khâu nhục, gà nướng, cá nướng gói lá chuối, khẩu sli, xôi ngũ sắc, bánh giầy ngải cứu...”.
Đội văn nghệ làng Pơ Nang. Ảnh: Phương Liên
Song song với việc khôi phục văn hóa truyền thống, ông Soạn cũng kiên trì vận động bà con từ bỏ mê tín dị đoan, bói toán và những tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, ăn ở. Từ năm 2007 đến nay, ông đã được mời làm chủ hôn cho hàng chục cặp đôi trong và ngoài xã. Tại các đám cưới ấy, ông luôn khuyến khích loại bỏ tục thách cưới nặng nề, không nhận bạc trắng, tiền mặt, rượu, gạo từ nhà trai. Cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc, cùng hát quan làng (hát đối đáp) trong các nghi thức cưới hỏi.
Với lễ đầy tháng, ông tổ chức theo nghi thức truyền thống - có hát ru, có bà Then, nàng Then làm lễ cầu an. Với tang lễ, ông vận động bỏ việc cúng bái nhiều ngày gây tốn kém, thay vào đó là nghi lễ đơn giản do bà Then thực hiện, cầu mong linh hồn người mất siêu thoát, phù hộ con cháu.
Uống rượu ghè, một nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên cũng được ông khuyến khích thay vì uống rượu mạnh để tránh lãng phí, bảo vệ sức khỏe. Với nhà rông - nơi linh thiêng và là cầu nối giữa con người với Yàng, ông luôn nhắc nhở lớp trẻ biết gìn giữ, không sử dụng sai mục đích. Ông bảo: “Người Ba Na vốn sống giản dị, khi mất cũng chỉ cúng đơn sơ. Bà con cần cố gắng giữ phong tục đẹp này”.
Người Tày, Nùng, Thái từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp thường sinh sống rải rác cùng nhiều dân tộc khác. Trong quá trình mưu sinh, con cái họ chủ yếu nói tiếng phổ thông, dần không biết tiếng mẹ đẻ. Nhận thấy điều đó, ông Soạn vận động các gia đình nói chuyện với con cháu bằng tiếng dân tộc tại nhà để gìn giữ ngôn ngữ truyền thống.
Ông chia sẻ tâm nguyện: “Tôi sẽ mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho các cháu dân tộc Tày, Nùng; kết nối người biết đánh chiêng để tổ chức các buổi học cho thanh thiếu niên trong làng. Tôi mong rằng tình yêu, niềm đam mê với di sản văn hóa của cha ông sẽ được thế hệ mai sau tiếp nối và giữ gìn mãi mãi”.
Hiện nay, với vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kon Thụp, ông Hoàng Văn Soạn vẫn miệt mài trên hành trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông tâm niệm: Đây không phải là việc làm nhất thời, hay là những sự kiện tổ chức cho có mà phải được thực hành, gìn giữ trong chính đời sống thường nhật.
“Tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể để vườn hoa đa sắc của đồng bào các dân tộc ở làng Pơ Nang luôn rực rỡ trong những ngày hội. Để tiếng cồng chiêng, lời hát lượn, câu then mãi ngân vang giữa đại ngàn Tây Nguyên” - ông Hoàng Văn Soạn chia sẻ.
Phương Liên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/giu-mai-thanh-am-ban-sac-giua-dai-ngan-tay-nguyen-post491906.html