Giữ nghề khắc con dấu thủ công

Giữ nghề khắc con dấu thủ công
12 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn dành hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công trên phố Hàng Quạt.
Nhịp sống hối hả và vội vã của thời hiện đại đã phần nào làm phai nhạt những giá trị mà nghề thủ công truyền thống mang lại trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ở một góc nhỏ khiêm tốn của phố Hàng Quạt, một người nghệ nhân già vẫn lặng lẽ khắc từng con dấu gỗ, âm thầm gìn giữ nét đặc trưng của nghề truyền thống.
Bí quyết tạo con dấu
Ở Hà Nội, khắc con dấu là một trong những nghề thủ công nổi tiếng ở khu vực phố cổ. Không ai rõ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những con dấu với nhiều hình thức đã xuất hiện rất lâu trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Dưới tốc độ đô thị hóa và sự thay đổi, nghề khắc dấu giờ đây chỉ còn được biết đến qua một vài cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Quạt, Hàng Bông, Tạ Hiện và cửa hàng Tinh Hoa khắc dấu trên phố Hàng Gai.
Những ngày đầu thu tại Hà Nội, chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn đúng lúc ông đang cặm cụi hoàn thành các con dấu gỗ. Tận mắt chứng kiến đôi tay thoăn thoắt, tỉ mẩn đục đẽo từng chi tiết và được lắng nghe những tâm sự của nghệ nhân, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu được sự khó khăn cũng như nỗi vất vả để bám trụ lấy nghề.
Khép mình khiêm tốn bên cạnh ngôi đình cổ đầu phố, cửa hàng khắc con dấu số 6 Hàng Quạt của gia đình ông Phạm Ngọc Toàn chỉ vỏn vẹn hơn 10m2. Được bố trí ngăn nắp, gọn gẽ, cửa hàng của ông Toàn bày đủ loại khuôn gỗ, con dấu và vài chiếc ghế nhựa cho khách.
Ông đeo một chiếc kính khá dày, đôi bàn tay uyển chuyển đưa từng nét dao trên mặt con dấu, tỉ mỉ khắc từng nét chữ theo nguyên mẫu. Đó là một con dấu bằng chữ Hàn do vị khách người Hàn Quốc đặt trước, hẹn chiều muộn qua lấy.
Mắt không rời khỏi con dấu, ông Toàn kể: “Nghề khắc dấu này do gia đình truyền lại. Từ ngày nhỏ ngoài việc đi học, tôi đã học bố khắc con dấu rồi nhưng sau này lại chọn sư phạm. Tôi từng là thầy giáo dạy Toán - Lý nhưng do cái duyên nên lại quay trở về với nghề truyền thống gia đình. Đến ngày hôm nay được hơn 40 năm rồi. Trước năm 1993, tôi làm ở phố khác, sau đó mới về Hàng Quạt cho đến bây giờ”.
Để tạo ra một con dấu gỗ khắc thủ công, ông Toàn chia sẻ, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn từ chọn gỗ, mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc... Đáng lưu ý, công đoạn điêu khắc là quan trọng hơn cả, chỉ một cái lỡ tay là các chi tiết sẽ không được như ý và bị mất đi cái hồn vốn có của nó.
Vì thế, để ra được một sản phẩm hoàn hảo, người nghệ nhân khi làm đến bước này phải thực sự chú tâm, cẩn thận. Bên cạnh đó, bởi nhu cầu của thị hiếu, ông cũng thực hiện rất nhiều sản phẩm nhỏ xinh với các hình họa hiện đại phù hợp với giới trẻ.
Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, các thành phẩm con dấu gỗ dần hình thành và hoàn thiện. Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn cho biết: “Những dấu khắc nhỏ, họa tiết đơn giản chỉ mất khoảng 15 - 20 phút là ra thành phẩm, còn những dấu khắc kích thước lớn, họa tiết cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ thì phải mất khoảng 3 - 4 ngày, thậm chí là cả tháng để hoàn thiện”.
Cũng theo nghệ nhân, với nghề khắc dấu gỗ thủ công khó nhất là làm vừa ý khách hàng, bởi, mỗi người có một yêu cầu khác nhau. Ví dụ, có những khách hàng đặt dấu theo công ty nhưng lại có những người muốn đặt theo hình bùa chú, hợp với phong thủy hay những hoa văn, họa tiết theo sở thích cá nhân… Với những hình mới, người nghệ nhân buộc phải tìm hiểu ý nghĩa để có thể thổi hồn và tạo chiều sâu cho những con dấu.
“Nếu khách hàng chọn những con dấu đã có mẫu sẵn thì tôi chỉ việc in thẳng hình lên, còn với những hình mới, tôi phải phác họa theo mô tả của từng người. Sau khi khách hàng hài lòng với hình phác thảo, tôi sẽ gọt tỉa từng chi tiết để cho ra thành phẩm”, ông Toàn nói.
Để tạo ra một con dấu gỗ đòi hỏi người nghệ nhân phải vô cùng tỉ mỉ và đặt toàn bộ tâm huyết của bản thân vào trong quá trình khắc dấu.
Dụng cụ làm nghề khắc dấu chỉ có một kiểu, nhưng dưới bàn tay của mỗi người thợ, mỗi con dấu lại mang cá tính riêng.
Tiếp lửa đam mê cho giới trẻ
Mặc dù hiện nay, các con dấu công nghiệp của Trung Quốc được cắt gọt tinh xảo, tỉ mỉ bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử nhưng khách đến mua con dấu thủ công không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên.
Chia sẻ về sự thay đổi của nghề, ông Toàn cho biết: “Ngày xưa chủ yếu dấu gỗ hình vuông hoặc tròn, để khắc chữ triện và một số hoa văn trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Nhưng giờ, xu hướng khách hàng đa dạng, đặt những con dấu gỗ khắc thủ công với những ý nghĩa và mục đích khác nhau, thậm chí có những người đặt khắc cả chân dung. Vì vậy, muốn có nhiều khách hàng, để họ gắn bó lâu hơn thì những con dấu gỗ buộc phải thay đổi”.
Không chỉ là khách hàng lớn tuổi đặt khắc chữ triện hoặc tên, các bạn trẻ cũng tìm đến mua dấu, có những bạn được ông Toàn hướng dẫn để tự khắc những hoa văn theo ý tưởng riêng của mình.
Với mong muốn đặt khắc dấu gỗ làm kỷ niệm để tặng người bạn thân sắp đi du học, Trần Đình Cương - sinh viên năm nhất Trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Biết đến cửa hàng của bác Toàn qua mạng xã hội, mình cảm thấy khá hứng thú và tò mò với những con dấu gỗ được khắc thủ công.
Trước khi chia tay người bạn thân, mình quyết định tìm hiểu về nghề này. Khi đến và tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra sản phẩm của người thợ, mình cảm thấy khá bất ngờ, thú vị và rất ý nghĩa”.
Là một người dành tình yêu đặc biệt cho những con dấu gỗ, bạn Phạm Tường Lam (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) tâm sự: “Đối với mình, những sản phẩm truyền thống được làm thủ công luôn có một sức hút đặc biệt.
Giữa cuộc sống vội vã và bon chen, những con dấu nhỏ như đưa ta về với một không gian cổ kính, truyền thống ngàn xưa của dân tộc. Bởi vậy mà, cứ vào chiều cuối tuần, mình thường rủ các bạn tới chỗ chú Toàn để mua và xem khắc con dấu”.
Không chỉ có khách hàng trong nước, những con dấu thủ công cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế. “Người Nhật thường dùng con dấu cá nhân, nhiều công ty xuất khẩu lao động sang Nhật đặt những đợt hàng trăm con dấu để làm quà. Có du khách người Nhật đã từng mua và quay lại tặng tôi sách, bản đồ hướng dẫn bằng tiếng Nhật”, ông Toàn hạnh phúc kể lại.
Cửa hàng của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn nằm nhỏ gọn trên phố Hàng Quạt.
Hơn 30 năm ở góc phố Hàng Quạt, ông Toàn chứng kiến muôn ngàn sự đổi thay của con phố này. Từ những cửa hàng truyền thống với nghề làm quạt, dăm ba hàng làm nhạc cụ truyền thống đến những cửa hàng hiện đại với nhà lầu xa hoa, người mua kẻ bán tấp nập của thế kỷ hội nhập, ông chia sẻ: “Thay đổi nhiều chứ, đường phố quán xá tấp nập, ở Hà Nội cũng chẳng còn mấy người khắc con dấu nữa. Cũng có mấy người thợ trẻ đến tôi học nghề được chừng một, hai năm. Tuy nhiên cũng chỉ được ít thời gian sau họ lại bỏ”.
“Học viên trẻ nhiều lắm, cả ở Hà Nội lẫn khách du lịch. Cái nghề này không khó, khó là ở chỗ phải kiên trì, tỉ mẩn. Nên nhiều người xin tôi học bảo là để tu tâm, tôi tán thành ngay. Nếu không quyết tâm và yêu thích, rất ít người trẻ có thể ngồi im một chỗ cả tiếng đồng hồ để tỉa tót cho một hình khắc chỉ bằng đồng xu”, ông Toàn nói.
Hỏi ông về người nối nghiệp, dường như đó là một khoảng lặng không lời giải đáp. Ông chia sẻ, cũng bởi yêu cầu nghề nghiệp khắt khe nên đến giờ vẫn chưa tìm được truyền nhân thực sự.
Có thể nói những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm là “báu vật sống” nắm giữ tinh hoa của nghề truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại, hàng tiêu dùng công nghiệp sản xuất hàng loạt bằng máy móc tràn ngập thị trường đã lấn át thủ công. Nhưng không vì thế mà hàng thủ công mất hẳn chỗ đứng mà ngược lại nó vẫn vươn lên thể hiện bản ngã độc đáo của mình.
Khác hẳn với sản phẩm làm bằng máy móc đồng loạt, mỗi con dấu thủ công đều in đậm bàn tay tài hoa, sáng tạo, vốn tinh hoa văn hóa truyền thống của nghệ nhân. Giống với nghệ sĩ, làm việc với tâm hồn phong phú của mình, nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn đã khiến cho từng con dấu do mình làm ra sống động với những nét riêng độc đáo mà các sản phẩm làm bằng máy móc không thể có được.
Nghệ nhân Toàn tâm sự: Bọn trẻ giờ hay thích việc nhẹ lương cao. Nghề này và rất nhiều nghề truyền thống khác sẽ chẳng tránh được sự mai một theo thời gian. Xã hội càng phát triển thì đâu có thể chắc chắn được tương lai sẽ còn tìm được một vài người giữ nghề. Dù thế nào đi chăng nữa, chỉ cần còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ ngồi đây, trọn vẹn với cái nghề khắc con dấu.
Bảo Hân - Quang Tùng
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giu-nghe-khac-con-dau-thu-cong-post705051.html