Giữ nghề thổ cẩm, giữ 'hồn' văn hóa Mường

Giữ nghề thổ cẩm, giữ 'hồn' văn hóa Mường
6 giờ trướcBài gốc
Nghệ nhân Phùng Thị Dổi truyền nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên. Ảnh: Kim Thư
Người gìn giữ khung cửi thắp lại ký ức Mường
Trong căn nhà sàn giản dị, nghệ nhân Phùng Thị Dổi, một trong những nghệ nhân nắm giữ tinh hoa dệt thổ cẩm truyền thống vẫn miệt mài bên khung dệt mỗi ngày. Với bà, từng tấm vải không đơn thuần là sản phẩm thủ công mà là “trang sử dệt bằng tay” của người Mường từ chuyện sinh hoạt, tín ngưỡng đến lễ hội, cưới hỏi đều được kể lại qua từng hoa văn.
“Tôi cứ tưởng cái nghề này sẽ vào quên lãng, vì trước chẳng còn ai theo. Nhưng giờ thấy mấy đứa trẻ học rất nhanh, lại sáng tạo, tôi mừng lắm, có khi chúng còn giỏi hơn cả tôi hồi trẻ”, bà Dổi xúc động chia sẻ.
Năm 2023, xã phối hợp với các đơn vị văn hóa tổ chức lớp truyền dạy nghề, Bà Dổi trở thành người đứng lớp, không dạy bằng giáo án, mà bằng đôi tay, trí nhớ và lòng yêu nghề. Các học viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên và phụ nữ trẻ được bà dạy từ cách chọn chỉ, giăng khung, phối màu cho đến hiểu ý nghĩa từng hoa văn truyền thống. Đằng sau mỗi thao tác là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và cả chiều sâu văn hóa, thứ mà bà Dổi cùng các nghệ nhân luôn nỗ lực gìn giữ và trao truyền.
Với nghệ nhân, việc dạy nghề không đơn thuần trao truyền kỹ năng, mà còn góp phẩn giữ lại câu chuyện của bản làng, những câu chuyện được dệt lại bằng sợi, bằng chỉ, bằng chính nhịp sống của thế hệ đi trước.
Các nghệ nhân giới thiệu sản phẩm truyền thống tới đoàn viên, thanh niên xã. Ảnh: Kim Thư
Giữa đời sống hiện đại người trẻ đang học cách giữ nghề
Dù chưa phải trực tiếp tạo ra các sản phẩm, thế hệ trẻ xã Kim Thượng đang cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức về văn hóa truyền thống. Những lớp học dệt, buổi giao lưu, trải nghiệm cùng nghệ nhân đã giúp họ nhìn nghề dệt thổ cẩm bằng ánh mắt trân trọng hơn từ chỗ tưởng chỉ là “việc nhà quê”, nay lại được nhìn nhận như một phần di sản cần bảo tồn.
Bạn Hà Như Ngọc, đoàn viên xã Kim Thượng, người tham gia lớp học chia sẻ: “Lúc bé, em chỉ thấy dệt là công việc cực nhọc của bà, của mẹ nhưng khi học lớp truyền nghề, em mới được nghe kể về ý nghĩa của từng hoa văn, từng màu chỉ mới thấy trong đó là cả một kho tàng văn hóa. Em nghĩ, không nhất thiết phải sống bằng nghề dệt, nhưng mình nên hiểu và trân trọng nó như một phần gốc rễ của mình”.
Hà Như Ngọc (bên trái), thanh niên xã Kim Thượng tham gia lớp học dệt thổ cẩm. Ảnh: Kim Thư
Tháng 8/2024, nghề dệt thổ cẩm Mường ở Tân Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ đánh dấu một vinh dự lớn, mà còn tiếp thêm động lực để địa phương tiếp tục đầu tư cho các mô hình như tổ hợp tác dệt thổ cẩm kết hợp sản xuất và du lịch trải nghiệm. Trong đó, nghệ nhân vẫn là “cột trụ” giữ nghề, còn thanh niên là người tiếp nối và mở rộng giá trị di sản.
Đồng chí Hà Thị Kim Lưu, Bí thư Đoàn xã Kim Thượng. Ảnh: NVCC
Theo đồng chí Hà Thị Kim Lưu, Bí thư Đoàn xã Kim Thượng: “Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm không thể thiếu vai trò của thanh niên, khi các bạn hiểu được giá trị văn hóa sâu sắc ẩn sau từng tấm vải, thì tự nhiên sẽ có ý thức gìn giữ. Đoàn xã đang nỗ lực lồng ghép nghề truyền thống vào các hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt chi đoàn, để thanh niên không xa rời bản sắc dân tộc.”
Dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần một công việc thủ công, mà còn trở thành cách người Mường kể lại câu chuyện dân tộc mình bằng màu sắc, hoa văn, bằng sự kiên trì trong từng sợi chỉ. Và ở Kim Thượng hôm nay, câu chuyện ấy đang được nối tiếp không chỉ từ bàn tay những người lớn tuổi, mà còn qua ánh mắt lặng lẽ, đầy trân trọng của thế hệ trẻ.
Dệt thổ cẩm là một ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Qua từng đường kim, sợi chỉ, người thợ dệt không chỉ tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày như váy áo, khăn choàng, túi xách, mà còn gửi gắm vào đó những biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng và quan niệm sống của cộng đồng. Mỗi hoa văn, màu sắc đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo của người phụ nữ dân tộc. Ngày nay, trong xu thế phát triển du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề mà còn là cầu nối đưa hình ảnh đất và người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Kim Thư
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/giu-nghe-tho-cam-giu-hon-van-hoa-muong-a28698.html