Cán bộ tổ nhân dân 23, khu phố Hương Phước, phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) phát phiếu lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp sáp nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.Thảo
ĐVHC cấp xã sẽ có Trung tâm Phục vụ hành chính công
Trong đó, đối với khối Đảng sẽ có 20 biên chế bao gồm: Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND; Phó bí thư Thường trực Đảng ủy; Văn phòng Đảng ủy: 5 biên chế (Chánh Văn phòng, 1 Phó chánh Văn phòng, 3 chuyên viên); Ban Xây dựng Đảng 8 biên chế (Trưởng ban, 2 Phó trưởng ban, 5 chuyên viên); Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy 5 biên chế (Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, 3 chuyên viên).
Đối với khối đoàn thể có từ 10-12 biên chế bao gồm: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã 4 biên chế (1 Phó chủ tịch phụ trách Thanh niên; 1 Phó chủ tịch phụ trách Nông dân, 1 Phó chủ tịch phụ trách Phụ nữ, 1 Phó chủ tịch phụ trách Cựu chiến binh và các lĩnh vực khác); Văn phòng cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam xã sẽ có từ 5-7 biên chế (Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng, 5 chuyên viên).
Đối với khối chính quyền có 32 biên chế. Trong đó, HĐND 3 biên chế gồm: Phó chủ tịch HĐND, các ban thuộc HĐND (2 ban: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - xã hội); trong đó Trưởng ban bố trí kiêm nhiệm, 2 Phó trưởng ban bố trí chuyên trách và chuyên viên giúp việc 2 biên chế.
UBND sẽ có 3 biên chế gồm Chủ tịch UBND; Phó chủ tịch UBND 2 biên chế (1 Phó chủ tịch UBND kiêm Chánh văn phòng HĐND và UBND; 1 Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công). Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND có thể bố trí tăng thêm 1 Phó chủ tịch UBND.
Đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND sẽ gồm 4 phòng với tổng số 26 biên chế; bố trí 1 cấp trưởng, 1 cấp phó. Các phòng chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế đối với xã hoặc Phòng Kinh tế, hạ tầng đối với phường; Phòng Văn hóa - xã hội; Trung tâm Phục vụ hành chính công.
UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, diện tích tự nhiên, quy mô dân số quyết định điều chỉnh cơ cấu tổ chức, giao biên chế cho cơ quan đảng, MTTQ và các đoàn thể, chính quyền cho phù hợp với tình hình thực tế.
Giữ nguyên số lượng ấp, khu phố hiện có
Cũng theo dự thảo đề án, đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp), UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho phù hợp hoặc không tổ chức các phòng chuyên môn theo hướng dẫn chung (trừ các Ban của HĐND hiện có) mà phân công công chức chuyên môn trực tiếp đảm nhiệm các vị trí việc làm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã mới.
Trường hợp không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, UBND cấp tỉnh quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện. Dự kiến số lượng biên chế không quá 40 cán bộ, công chức, trong đó tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác chính quyền.
Cán bộ công chức thành phố Long Khánh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: H.Thảo
Dự thảo đề án cũng nêu rõ, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự ở ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Đối với ấp, khu phố, giữ nguyên số lượng ấp, khu phố hiện có trên địa bàn tỉnh cho đến khu Trung ương có quy định mới. Mỗi ấp, khu phố có 3 chức danh: Bí thư ấp, khu phố; Trưởng ấp, khu phố; Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.
Tiếp tục xác định ấp, khu phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính. Trước mắt giữ nguyên các ấp, khu phố hiện có; sau khi có hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại ấp, khu phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1-8-2025. Giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại ấp, khu phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý
Liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập, theo dự thảo đề án, đối với lĩnh vực giáo dục giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Đối với lĩnh vực y tế, duy trì các Trạm Y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của ĐVHC cấp xã mới, UBND cấp tỉnh có thể tổ chức lại thành 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Đối với các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Cũng theo dự thảo đề án, sẽ sắp xếp, tổ chức 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...).
Sắp xếp, tổ chức lại Ban quản lý dự án và Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện thành chi nhánh khu vực trực thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh; đồng thời, chấm dứt hoạt động của Trung tâm Dịch vụ công ích cấp huyện hiện có, chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về xã, chức năng quản lý cụm công nghiệp về Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Hồ Thảo