Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa ký công văn bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện gửi các tỉnh ủy, thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, căn cứ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 8/1
Nhiều sở được giữ nguyên tên gọi
Về tên gọi của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ giữ nguyên tên các sở: Sở Tài chính (sau khi họp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính), Sở Nội vụ (sau hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ); Sở Xây dựng (sau hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng), trường hợp thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Sở Xây dựng thì giữ nguyên tên Sở Xây dựng.
Ngoài ra giữ nguyên tên Sở Khoa học và Công nghệ (sau khi hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông).
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ.
Các sở, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như định hướng trước đó, cụ thể: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch và Kiến trúc (đối với Thành phố Hồ Chỉ Minh và thành phố Hà Nội), Sở An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù).
Tương tự, đối với các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ giữ nguyên tên Phòng Nội vụ sau khi hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ.
Thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Phòng Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Phòng Nội vụ.
Các Phòng chuyên môn khác tiếp tục giữ tên gọi như định hướng trước đó, cụ thể: Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp huyện; Phòng Kỉnh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở quận); Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Văn bản cũng nêu rõ việc chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chuyển nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Nông nghiệp và Môi trường; ở cấp huyện, chuyển nhiệm vụ về giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sang Phòng Nông nghiệp và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường ở quận).
Chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Y tế
Chức năng chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố được chuyển từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp ở Trung ương.
Một số nhiệm vụ quản lý nhà nước sẽ được chuyển về công an tỉnh, thành phố quản lý. Trong đó có nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (trước thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý); về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (trước thuộc Sở Tư pháp); về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (do Sở Giao thông vận tải quản lý trước đây); về an toàn, an ninh thông tin mạng (do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý trước đây).
“Ngoài định hướng, gợi ý nêu trên, các địa phương căn cứ vào tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện việc sắp xếp theo thẩm quyền; đồng thời, bảo đảm tiến độ chung với Trung ương. Báo cáo gửi Bộ Nội vụ trước ngày 25/2/2025”, Ban Chỉ đạo yêu cầu.
Chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách
Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy (kèm theo dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua. Theo đó, bảo đảm ngay sau khi bế mạc Kỳ họp Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh công bố các quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu lực, hiệu quả.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm hoạt động đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan cần chú ý làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, bảo đảm duy trì và thực hiện tốt công việc thường xuyên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
PV/VOV.VN