Video toàn cảnh khu rừng lim tươi tốt nhờ hương ước giữ rừng của dân làng ở huyện Yên Thành (Nghệ An).
Rừng lim ở xã Hậu Thành hay còn gọi là núi Tháp nằm ngay trung tâm xã Hậu Thành, cách trung tâm huyện Yên Thành (Nghệ An) khoảng 7km. Toàn bộ khu rừng rộng hơn 18ha với hàng nghìn cây gỗ quý các loại; bốn phía là khu dân cư, đường giao thông liên thôn, xã. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” giúp điều hòa không khí cho người dân trong vùng nên ai cũng quý trọng.
Các bậc cao niên trong làng cho biết, khu rừng này đã có từ hàng trăm năm trước. Trải qua biến thiên của thời gian, bom đạn chiến tranh hay thiên tai lũ lụt nhưng khu rừng vẫn đứng vững và tươi tốt.
Từ đường lớn dẫn vào khu rừng đi qua ngôi đền Cả và ngôi chùa Tháp.
Bên trong đền, chùa đơn sơ mộc mạc. Các khung gỗ trong ngôi đền được chạm khắc những nét tinh xảo, cổ xưa. Tương truyền, ngôi đền và chùa rất linh thiêng. Hàng năm cứ dịp lễ, Tết, người dân trong và ngoài xã lại đến thắp hương.
Bước vào khu rừng, bóng mát từ hàng nghìn cây xanh tạo ra không khí trong lành, giúp người dân như hòa mình vào thiên nhiên.
Theo thống kê, trong khu rừng có rất nhiều loài cây gỗ quý như lim, trắc, gụ, dạ hương. Tuy nhiên, nhiều nhất là lim xanh cổ thụ với số lượng hàng nghìn cây.
Từ trên cao, cả khu rừng xanh mướt một màu. Trước đây, khu rừng lim do chính quyền xã Hậu Thành trực tiếp quản lý. Tuy nhiên từ năm 2017, khu rừng này được chuyển giao cho lâm nghiệp huyện quản lý và trông coi.
Người dân địa phương cho hay, trong khu rừng có rất nhiều cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, bao đời nay người dân không ai dám vào rừng chặt cây mang về. Phần vì người dân luôn quý trọng, bảo vệ khu rừng để có một không gian sống xanh mát. Phần vì từ xa xưa dân làng đã đặt ra một “hương ước” nghiêm ngặt mà mọi người đều tuân theo và giữ gìn cho khu rừng.
“Ông bà kể lại từ xưa người dân trong làng đã đặt ra hương ước rất nghiêm ngặt để bảo vệ khu rừng. Người dân trong làng phải chăm sóc, bảo vệ cây. Nếu phát hiện ai chặt phá cây sẽ bị phạt nặng và buộc phải kiếm 10 cây gỗ về trồng lại. Nhờ những điều luật nghiêm khắc xưa đã giúp bảo vệ được khu rừng phát triển và xanh tốt như ngày nay”, ông Trần Văn Tuấn (trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) nhớ lại.
Ngày nay bên trong khu rừng có nhiều cây cổ thụ. Cây nhỏ có tuổi đời hàng chục năm tuổi, cây lớn lên đến hơn 300 năm tuổi, phải 2,3 người ôm mới xuể.
Nhiều cây lim xanh già cổ thụ có lớp vỏ cây xù xì, bong tróc nhưng vẫn đứng sừng sững với thời gian với sức sống mãnh liệt.
Ông Nguyễn Hồng Chính - Chủ tịch UBND xã Hậu Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho hay, để bảo vệ khu rừng, hàng tháng xã thuê một người thường xuyên trông coi, chăm sóc. Tuy nhiên, phần lớn người bảo vệ chỉ canh giữ không để xảy ra cháy rừng. Việc chặt phá rừng luôn được người dân địa phương có ý thức bảo vệ.
Cũng chính vì sự bảo vệ nghiêm ngặt nên dù trong khu rừng có nhiều cây lim cổ thụ chết do già yếu nhưng người dân và chính quyền vẫn để nguyên hiện trạng mà không tác động vào rừng cây.
“Khu rừng như một vườn cây cổ thụ quý, người dân địa phương luôn xem đó như một món quà quý thiên nhiên ban tặng nên ai cũng cùng chung tay bảo vệ rừng. Công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim xanh cũng được các đoàn thể tham gia dọn dẹp, phát quang hàng năm”, ông Nguyễn Hồng Chính - Chủ tịch UBND xã Hậu Thành chia sẻ.
Những cây lim xanh cổ thụ sừng sững với đất trời.
Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, khắp mặt đất khu rừng mọc lên những cây lim xanh con. Dần dần, những cây con sẽ tiếp nối, phát triển khu rừng thêm đa dạng, phong phú.