Mê đắm từng điệu ví, câu giặm
Đến xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, vào những ngày địa phương đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, chúng tôi được hòa mình trong không gian văn hóa xứ Nghệ, với những điệu ví, giặm. Hưng Tân hiện có 2 câu lạc bộ dân ca ví, giặm hoạt động, trong đó có CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh làng Phan, nơi ví, giặm được đưa vào các buổi sinh hoạt chung chiều thứ 7 hàng tuần để gửi trao câu hát như những tâm tình của đời sống thường nhật.
Diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh nguồn: baonghean.vn
Nghệ nhân Cao Thị Tứ, CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh làng Phan cho biết, yêu làn điệu dân ca ví, giặm nên bà thường xuyên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ và tham gia biểu diễn, giao lưu với nghệ nhân nhiều nơi. "Tham gia câu lạc bộ rất vui, nhưng cũng mất nhiều thời gian, bù lại được đi biểu diễn giao lưu, được gìn giữ di sản của cha ông. Cũng vì yêu làn điệu dân ca ví, giặm, nên tôi mong muốn truyền dạy cho các thế hệ sau, để ví, giặm sống mãi trong lòng người dân xứ Nghệ".
“Ví, giặm hay nhất là phải nghe ở không gian diễn xướng làng quê, nơi có ruộng đồng, bãi bờ, sông nước, nơi những người nông dân xắn quần lội ruộng, người chèo đò rướn sức đẩy thuyền…”, nghệ nhân Cao Thị Tứ chia sẻ. Ví, giặm được hình thành và phát triển trong môi trường văn hóa nông nghiệp lúa nước, mang đậm hơi thở thiên nhiên và tâm hồn điệu sống, lao động sinh hoạt của cư dân. Ví, giặm được tạo nên từ đất và người xứ Nghệ, nên dễ hiểu, chỉ khi gắn với môi trường này, điệu ví, câu giặm mới thuần chất đậm đà khiến người nghe mê đắm.
Đó cũng là lý do bà Nguyễn Thị Thu, thành viên CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh làng Phan mê mải với ví, giặm từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ, khi đã 65 tuổi. Ngày nhỏ mỗi khi làng tổ chức hát ví, giặm, bà vẫn thường đi theo ông bà, bố mẹ xem hát, những làn điệu giao duyên, hát ru, giận thương… dần trở nên quen thuộc và thấm dần từ đó. “Ví, giặm dễ thuộc, dễ hát lại còn ý nghĩa, như lời tâm tình của người xứ Nghệ. Xưa các cố đi cày, đi bừa là hát các điệu phường vải, trèo non thì hát phường non, để nay mình hát là ôn lại làn điệu cổ xưa, nó ngấm dần vào tâm thức, khó mai một. Mình hát nhiều nên các cháu nhỏ gần gũi cũng bập bẹ hát theo. Khi đã thuộc, đã thích, bọn trẻ cũng xin vào sinh hoạt câu lạc bộ của làng để được hát ca nhiều hơn. Ở đây, có những bài hát giặm của con trẻ, ngắn và dễ hiểu được nghệ nhân bày cho rất đều đặn".
Nghệ nhân làng Phan thường tranh thủ những lúc nông nhàn tập trung sinh hoạt và hát ví, giặm. Khoảng chục năm trở lại đây, câu lạc bộ của làng được thành lập và thu hút nhiều người tham gia, từ các cụ cao tuổi cho đến các cháu thiếu nhi. Với đa số thành viên câu lạc bộ, trừ những lúc bận việc gia đình, còn lại thời gian rảnh, hễ có cuộc giao lưu, biểu diễn ở đâu, lại hăng hái tham gia. Thế hệ người già động viên con trẻ, để thêm hiểu, thêm yêu di sản, từ đó có ý thức gìn giữ để di sản cha ông không bị mai một.
Chung sức gìn giữ và phát huy di sản
Để giữ được một vùng ví, giặm như ngày hôm nay phải kể đến nỗ lực của nghệ nhân và người dân chung sức gìn giữ. Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân cho biết, khi bắt đầu khôi phục ví giặm, khó khăn nhất là tập hợp, quy tụ nghệ nhân nắm giữ di sản. Ban Chủ nhiệm còn kiên trì sưu tầm những lời hát cổ, khôi phục dần các làn điệu. Câu lạc bộ tổ chức biên tập lại các làn điệu ví, giặm một cách bài bản, dễ hiểu để truyền dạy. “Lý do là trước đây, bà con vẫn hát nhưng hầu như không hiểu mình hát làn điệu gì, phường gì do chỉ truyền khẩu chứ ít khi được giải nghĩa”.
Một tiết mục tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023. Ảnh: Minh Quân
Việc trao truyền được các nghệ nhân ở Hưng Tân triển khai từ trường học cho đến các tầng lớp nhân dân qua các đợt sinh hoạt. Mỗi năm có hai lớp được mở miễn phí, đặc biệt dành cho phụ nữ và thanh niên. Riêng thiếu nhi được tổ chức một lớp riêng với mục tiêu ai cũng có thể biết một số làn điệu ví, giặm. Ông Tâm kể, mỗi đợt truyền dạy miễn phí thu hút đông đảo các lứa tuổi tham gia vì nhiều người vốn say mê ví, giặm, đặc biệt là độ tuổi 18 - 30. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là "thiếu kinh phí hỗ trợ duy trì hoạt động. Nghệ nhân mỗi người một nghề, sinh hoạt bằng đam mê và trách nhiệm chứ với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/CLB chỉ đủ chi phí chè nước trong các buổi sinh hoạt. Hoạt động truyền dạy, thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn... phải tìm nguồn xã hội hóa; cả câu lạc bộ chỉ có một nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng".
Bản thân ông Tâm và một số nghệ nhân trong câu lạc bộ đã đủ điều kiện xét trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú, “nhưng theo quy định người đang hưởng ngân sách nhà nước thì không được xét. Việc này cũng bất cập vì tôi đang thực hành và nắm giữ di sản ví, giặm. Đây cũng là trăn trở của nhiều người dân trong bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở Hưng Tân”.
Là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ, mỗi câu ví, giặm là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví, giặm Nghệ Tĩnh từ khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (27.11.2014) đã vượt khỏi phạm vi không gian một vùng văn hóa để trở thành di sản được cả thế giới biết đến và công nhận, đánh dấu mốc quan trọng trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Phan Thị Anh cho biết, 10 năm sau khi dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, Nghệ An đã triển khai một số nhiệm vụ bảo tồn. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án Bảo vệ, phát huy giá trị di sản năm 2021 - 2025. Tỉnh đang soạn thảo Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Chính phủ phê duyệt.
Theo bà Phan Thị Anh, dân ca ví, giặm là loại hình văn hóa dân gian, các nghệ nhân nắm giữ di sản ngày càng lớn tuổi, sức khỏe yếu, khả năng truyền dạy kém đi, nếu không nhanh chóng, kịp thời sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, những làn điệu, lời hát cổ có nguy cơ mai một. Thêm vào đó, hiện nay, thế hệ trẻ cũng không quan tâm ví, giặm như trước, dẫn đến khó khăn trong công tác truyền dạy, nâng cao nhận thức của người trẻ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chính vì vậy, để dân ca ví, giặm xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân Nghệ An sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản.
Hương Sen