Giữ tên cũ hay đặt tên mới?

Giữ tên cũ hay đặt tên mới?
4 giờ trướcBài gốc
Giữ tên cũ hay đặt tên mới?
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn
Kết luận số 126-KL/TW ngày 14.2.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc lựa chọn tên gọi cho đơn vị hành chính mới trở thành chủ đề được dư luận quan tâm.
PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN. Ảnh: Nghĩa Đức
Tên gọi của một địa phương gắn liền với văn hóa, con người và dòng chảy thời gian, là chứng tích của những đổi thay, dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển. Bởi thế, khi nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh để tối ưu hóa bộ máy, cải thiện hiệu quả quản lý, thì câu chuyện đặt tên cho đơn vị hành chính mới không chỉ là câu chuyện quản lý thuần túy mà ở đó còn có sự kế thừa và cả khát vọng vươn lên.
Giữ lại tên cũ hay đặt một cái tên hoàn toàn mới? Làm thế nào để không làm mất đi những giá trị lịch sử đã in sâu vào tiềm thức của người dân? Làm sao để khi nhắc đến tên một tỉnh, một thành phố, người ta không chỉ nghĩ đến một đơn vị hành chính, mà còn cảm nhận được cả văn hóa, dòng chảy lịch sử phía sau đó?
Cần tham vấn cộng đồng về tên gọi địa phương sau sáp nhập. Ảnh minh họa nguồn: ITN
Nhiều người cho rằng, cách tốt nhất là giữ lại những tên gọi từng tồn tại trước đây. Bởi khi nhắc đến những địa danh này, không chỉ là nhắc về một vùng đất, mà còn khơi dậy cả một miền ký ức, nơi con người từng sống, từng yêu thương, gắn bó. Nhưng cũng có những trường hợp, việc giữ lại tên cũ không hẳn là giải pháp tối ưu. Một số tỉnh, thành phố sau khi chia tách đã có sự phát triển khác biệt, có những đặc trưng riêng, hướng đi mới. Nếu chỉ đơn thuần quay lại với cái tên trong quá khứ, liệu có thực sự phản ánh đúng tinh thần của thời đại hôm nay? Có những vùng đất đã bước sang một chương mới, mang khát vọng mới, và có lẽ một cái tên mới thể hiện khởi đầu, một sự hòa hợp, tương lai rộng mở.
Nhiều địa phương đã chọn cách ghép tên của các đơn vị hành chính cũ để tạo thành tên mới, như một sự dung hòa giữa các bên. Nhưng liệu đây có phải là cách hay nhất? Khi hai cái tên vốn mang bản sắc riêng bị cắt ghép một cách cơ học, liệu có làm mất đi sự tự nhiên, hài hòa trong bản sắc của mỗi vùng đất?
Ảnh minh họa nguồn: ITN
Một cái tên không chỉ cần dễ nhớ, dễ đọc, mà còn cần phải có hồn, mang câu chuyện, ý nghĩa sâu sắc. Một cái tên dài dòng, rời rạc, đôi khi có thể khiến người dân cảm thấy xa lạ với chính quê hương mình.
Và đó chính là lúc cần đến sự tham vấn của cộng đồng. Quyết định tên gọi không thể chỉ xuất phát từ những cuộc họp hành chính mà cần có sự lắng nghe từ chính người dân - những người đã gắn bó cả đời với mảnh đất ấy. Tên gọi của một địa phương không chỉ là sự phản ánh của hiện tại mà còn là niềm tự hào, là danh xưng mà con cháu họ sẽ nhắc đến mai sau. Một cái tên được lựa chọn cẩn trọng, được sự đồng thuận của Nhân dân, sẽ không chỉ là một danh xưng, mà sẽ trở thành biểu tượng của sự gắn kết, lòng tự hào và niềm tin vào tương lai.
Cuối cùng, dù là giữ tên cũ hay đặt tên mới, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được tinh thần của vùng đất ấy, để mỗi khi nhắc đến, người ta không chỉ nhớ đến một cái tên, mà còn cảm nhận được hơi thở của lịch sử, của văn hóa, của con người nơi đó.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giu-ten-cu-hay-dat-ten-moi-post405489.html