Dự kiến sau sắp xếp, phường trung tâm của thị xã sẽ có tên là Kinh Môn
Theo cách đặt tên mới so với phương án trước đó, phường Kinh Môn 1 (gồm các phường: An Lưu, Hiệp An, Long Xuyên) dự kiến đặt tên là phường Kinh Môn. Từ thời vua Lê Thánh Tông (năm 1469), Kinh Môn đã là 1 trong 4 phủ thuộc đạo Thừa Tuyên Hải Dương. Tên gọi Kinh Môn có từ ngày đó đến nay. Việc đặt tên Kinh Môn cho phường trung tâm có ý nghĩa tôn vinh địa danh gốc, giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử trong quá trình sắp xếp, đổi mới đơn vị hành chính.
Các phường: Kinh Môn 4 (gồm phường Thất Hùng và các xã: Lê Ninh, Bạch Đằng); Kinh Môn 6 (gồm các phường: Duy Tân, Phú Thứ, Tân Dân, Minh Tân); xã Kinh Môn 7 (gồm các xã: Quang Thành, Thăng Long, Lạc Long) dự kiến lần lượt lấy tên là phường Bắc An Phụ; phường Nhị Chiểu; xã Nam An Phụ. Theo đặc điểm tự nhiên, thị xã Kinh Môn được chia thành 4 khu: Tam Lưu, Nhị Chiểu, Bắc An Phụ, Nam An Phụ. Đây là những cái tên đã có từ lâu đời, gắn liền với đặc điểm tự nhiên, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
3 phường còn lại dự kiến đặt tên theo các danh nhân, thể hiện lòng tự hào, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đối với mảnh đất Kinh Môn.
Cụ thể, phường Kinh Môn 2 (gồm các phường Hiến Thành, Thái Thịnh và xã Minh Hòa), dự kiến đặt tên là phường Nguyễn Đại Năng. Đại việt sử ký đã ghi: “Năm Quý Mùi niên hiệu Khai đại nguyên niên (năm 1403), có người phương sỹ ở Giáp Sơn Kinh Môn tên là Nguyễn Đại Năng giỏi châm cứu”. Ông từng được phong Quảng tế lệnh, phụ trách y tế của triều đình, chuyên chế thuốc chữa bệnh cho dân nghèo... Ông để lại cuốn “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” ghi lại cách chữa 130 loại bệnh, 170 huyệt. Đây là tài sản quý về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đối với nền y học Việt Nam.
Phường Kinh Môn 3 (gồm phường An Phụ và các xã: Thượng Quận, Hiệp Hòa) sẽ được lấy tên là phường Trần Liễu. Trong ảnh: Khu vực đền Cao thờ An Sinh vương Trần Liễu
Phường Kinh Môn 3 (gồm phường An Phụ và các xã: Thượng Quận, Hiệp Hòa) dự kiến đặt tên là phường Trần Liễu. An Sinh vương Trần Liễu là tôn thất nhà Trần. Ông giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc. Từ dãy An Phụ, Yên Tử, ông xây dựng khu vực ven biển Hải Đông thành vùng giàu mạnh, được triều đình cắt đất làm thực ấp và phong tước An Sinh vương. Ông là cha của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.
Phường Kinh Môn 5 (gồm các phường: An Sinh, Phạm Thái, Hiệp Sơn) dự kiến đặt tên là phường Phạm Sư Mạnh. Ông là người con Kinh Môn (người làng Giáp Thạch, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay là khu dân cư Hiệp Thạch, phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn). Ông là danh sĩ thời Trần, học trò xuất sắc của Tư nghiệp quốc tử giám Chu Văn An. Sau khi đi sứ Trung Quốc, trở về ông được thăng lên chức Nhập nội nạp ngôn. Ông cũng là người nổi tiếng về văn học. Tương truyền Phạm Sư Mạnh thường lên động Kính Chủ đọc sách và còn để lại nhiều dấu tích tại đây.
Trước đó, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được đông đảo cử tri thị xã Kinh Môn nhất trí đồng tình gồm: Kinh Môn 1, Kinh Môn 2, Kinh Môn 3, Kinh Môn 4, Kinh Môn 5, Kinh Môn 6 và Kinh Môn 7.
PV