Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật mổ lấy thai cho sản phụ.
Sản phụ N.T.T (40 tuổi) được phát hiện bên trong cổ tử cung có mạch máu bất thường khi thai 26 tuần. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, chị T. được chẩn đoán mạch máu tiền đạo hay còn gọi là Vasa previa.
Bệnh xảy ra khi các mạch máu kết nối mẹ và thai nhi chạy qua lỗ trong cổ tử cung hoặc cách lỗ trong cổ tử cung dưới 2cm. Do vị trí đặc biệt, các mạch máu của thai nhi không được bảo vệ trong màng ối và dây rốn, khi sinh ngả âm đạo mạch máu này vỡ (do vỡ ối hoặc chèn ép) sẽ gây ra mất máu ồ ạt thai nhi bị suy thai cấp hoặc tử vong.
Các bác sĩ tiến hành siêu âm Doppler kiểm tra cấu trúc mạch máu tiền đạo, phát hiện thêm tình bánh nhau bám thấp. Đến tuần thai thứ 32, thai phụ xuất hiện triệu chứng chảy máu âm đạo lượng vừa, máu đỏ tươi, có cơn gò. Chị phải nhập viện, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ tiêm trưởng thành phổi thai nhi và giảm co.
Bác sĩ tiên lượng, nếu tiếp tục chảy máu phải mổ lấy thai chủ động trước 35 tuần. Sau điều trị, tình trạng chảy máu giảm, chị được xuất viện. Tuy nhiên, đến tuần thai 34, người bệnh tiếp tục bị chảy máu tái phát.
Do thai mới gần 35 tuần, bé vẫn còn non yếu, ê-kíp quyết định kéo dài thêm thai kỳ. Thai phụ được đo cơn gò, theo dõi tim thai liên tục. Nhờ nằm nghỉ tại giường, điều trị thuốc đáp ứng tốt, chị chỉ chảy máu lượng ít và giảm dần, thai kỳ chạm mốc 37 tuần, bác sĩ quyết định mổ chủ động lấy thai, để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, nếu chờ chuyển dạ tự nhiên các mạch máu có thể bị rách, vỡ, dẫn đến mất máu cấp, em bé có thể tử vong. Trung bình lượng máu trong cơ thể của thai nhi đủ tháng chỉ khoảng 300 mL. Nếu mất một lượng máu dù chỉ rất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn. Theo thống kê có tới 58% trường hợp mạch máu này vỡ khiến thai lưu hoặc bé chào đời tử vong.
Trước mổ, ê-kíp phối hợp với bác sĩ sơ sinh, lên kế hoạch hỗ trợ bé kịp thời. Sản phụ có nguy cơ chảy máu khó cầm, mất máu cấp được chuẩn bị 350 ml máu bổ sung. Bé trai chào đời nặng 3kg, khỏe mạnh. Quá trình mổ, lượng máu mất chỉ khoảng 100 ml, chị T. không phải truyền máu, được xuất viện vào 14/2.
“Thai phụ may mắn phát hiện sớm tình trạng mạch máu tiền đạo trong quý 2 thai kỳ. Kể từ thời gian đó, chị được ekip bác sĩ theo dõi sát, quản lý chặt chẽ, bảo vệ thai cán đích an toàn”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ, thêm rằng mạch máu tiền đạo gây ra hậu quả nặng nề cho sản phụ và thai nhi nếu không được phát hiện, chẩn đoán trước sinh.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, nhóm phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao gặp biến chứng sản khoa này gồm: đa thai, dây rốn bám màng, bánh nhau bất thường… Để giảm thiểu rủi ro cho mẹ và bé, bác sĩ khuyến cáo, thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao cần được tầm soát tình trạng mạch máu tiền đạo sớm từ quý 2 thai kỳ.
Những trường hợp được chẩn đoán sớm cần quản lý thai chặt chẽ, tùy theo diễn tiến, bác sĩ sẽ có kế hoạch mổ lấy thai chủ động từ tuần 34 đến 37 của thai kỳ. Trường hợp không may vỡ ối sớm, có cơn chuyển dạ, thai phụ cần mổ khẩn để cứu bé.
HẢI NGÔ