Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian.
PV: Ông cảm nhận thế nào về lễ hội Xuân Ất Tỵ năm nay, có nét gì mới so với mọi năm không?
TS Trần Hữu Sơn: Phải nói là những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực từ Trung ương đến địa phương. Nhiều người dân đi du Xuân, lễ chùa văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa và phong tục, tập quán của dân tộc. Cũng ít dần cảnh chen lấn, xô đẩy, đốt hương, vàng mã không đúng quy định. Hiện tượng người đi lễ chùa nhét tiền lẻ vào tượng Phật, Thánh hay thả xuống hồ, giếng nước ở sân đình, chùa... rồi cướp vật thiêng dẫn đến va chạm, mâu thuẫn làm méo mó lễ hội cũng giảm đáng kể. Đó là điều rất đáng mừng.
TS Trần Hữu Sơn.
Mặc dù được đánh giá là có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số địa phương lễ hội vẫn bị biến tướng. Một số nơi các nghi thức truyền thống bị lấn át bởi những chương trình biểu diễn hoành tráng nhưng thiếu chiều sâu văn hóa. Theo ông, yếu tố thương mại hóa quá mức có phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này?
- Đúng là vẫn còn một số lễ hội bị biến tướng, khuếch trương hoặc thương mại hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt lễ hội truyền thống và lễ hội đang chuyển biến mà nhiều nơi gọi là fetival để đáp ứng nhu cầu khuếch trương thương hiệu du lịch cho địa phương đó. Bởi nói lễ hội thì "lễ" phải có nghi thức và vật cúng. Còn các sự kiện mà chỉ có hội với các trò chơi, chương trình văn nghệ, ẩm thực... thì người ta gọi là festival hoặc ngày hội thôi.
Nếu lễ hội thì về cơ bản phải giữ được tính nguyên gốc đó là di sản văn hóa truyền thống, mà đã là di sản thì không quảng bá như vậy. Cũng giống như múa xòe hay còn gọi là múa cầm tay, là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, có từ lâu đời trong cộng đồng người Thái Tây Bắc, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vào mỗi dịp lễ, tết hay ngày vui của dòng họ, bản làng…, vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng.
Thế mà có đợt người ta định tổ chức sự kiện làm một vòng xòe lên tới cả nghìn người, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đồng ý. Tôi thấy không đồng ý là đúng, vì một vòng xòe của một cộng đồng, một bản làng chỉ lên tới trăm người thôi chứ nghìn người thì còn gọi gì là vòng xòe nữa?
Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên cũng vậy, nếu đưa lên sân khấu lớn thì không phù hợp, cồng chiêng phải có không gian riêng. UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “kiệt tác truyền khẩu - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” chứ không phải “cồng chiêng Tây Nguyên”. Đó là không gian thiêng, thời gian thiêng, là phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến cộng đồng.
Đi lễ Phật là giúp nuôi dưỡng lòng từ bi, khuyến khích mọi người sống thiện lương, biết yêu thương và chia sẻ.
Khi người ta đặt niềm tin vào những hình thức bề ngoài, mà quên đi giá trị tinh thần từ ngàn xưa của lễ hội, thì bản sắc văn hóa cũng dần bị phai nhạt, thưa ông?
- Tôi đi rất nhiều lễ hội, mỗi lễ hội lại có một nét đẹp riêng, chắt lọc ra từ cuộc sống ngàn đời. Có thể hiểu lễ hội ở Việt Nam là những sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc hoặc mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an. Trong đó, "lễ" là những hành vi biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, gửi gắm những ước mơ chính đáng của họ. Còn "hội" là sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng địa phương diễn ra sau phần lễ.
Khi hòa mình vào không gian của lễ hội thì chúng ta phải hiểu tính nguyên gốc của lễ hội đó như thế nào để trải nghiệm, lan tỏa cũng như góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong lễ hội, phần nghi lễ cực kỳ quan trọng, quy định giá trị của lễ hội, nhu cầu của lễ hội là gì. Giá trị đó bất biến, không nên cải biên, cải tiến làm lệch lạc tính nguyên gốc. Như tôi đã nói ở trên, nếu thay đổi theo xã hội hiện đại thì lúc đó không gọi là lễ hội truyền thống nữa mà gọi là festival hay lễ hội du lịch. Nguyên tắc của lễ hội phải là bảo tồn, trong đó có bảo tồn nguyên vẹn. Nếu các lễ hội đã bị mất đi tính nguyên gốc thì nó sẽ mang một ý nghĩa khác.
Nhưng thưa ông, trong một số lễ hội thường có tục cướp vật thiêng. Một chuyên gia văn hóa đã từng nhận định, trong dân gian, cướp lộc trong lễ hội thường mang tính diễn xướng, mô tả lại nghi lễ ấy chứ không có nghĩa là tranh cướp như ở một số lễ hội. Bởi Thánh thần chỉ phù hộ cho những người hiền lành, đức độ, biết nhường nhịn chứ không phù hộ cho người nào đi cướp cả. Ông nghĩ sao về việc này? Làm thế nào để giữ được tính nguyên gốc nhưng tránh việc biến tướng gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự do tình trạng cướp lộc?
- Đúng là tại một số lễ hội có tục cướp vật thiêng, nhưng người ta đã làm hơi thái quá so với nghi thức truyền thống. Như tại Lễ hội Đúc Bụt ở Vĩnh Phúc, sau khi làm lễ, chủ tế thường tiến hành lấy những chiếu khỏi 3 ông bụt (do 3 thanh niên đóng), tung ra ngoài để “tản chiếu phát lộc”. Trước kia, quan niệm dân gian cho rằng, người nào “cướp” được manh chiếu cói dùng chụp lên người các “bụt” thì trong năm mới sẽ sinh con trai. Vì vậy, rất đông người ra sức giành bằng được ít nhất một mảnh chiếu. Đã có không ít hiện tượng lộn xộn diễn ra. Để tránh tình trạng này, Ban tổ chức lễ hội năm nay tiến hành chia nhỏ các manh chiếu phát cho mọi người. Tuy nhiên, do nhu cầu của người xin quá lớn, nên vẫn không tránh khỏi việc tranh giành, thậm chí lôi kéo không đẹp mắt.
Nhưng sẽ có người hỏi, vì sao ngày xưa ít có những cảnh tranh giành như thế? Thực ra, vật thiêng tại các lễ hội ngày xưa được các làng bố trí đáp ứng cho nhu cầu của người làng đó, nhưng hội làng bây giờ mở rộng ra thành hội của vùng, hội du lịch có hàng vạn người tham gia, nhiều người tham gia tranh cướp vật thiêng thì làm sao quản lý được.
Cũng có ý kiến cho rằng, để giữ được tính nguyên gốc, tránh tình trạng đông người tranh cướp phát sinh những tình huống phức tạp thì nên quy định ở mức hội làng, tức là tức là chỉ có người làng đấy mới được tranh cướp vật thiêng. Còn nếu chúng ta muốn quảng bá, làm du lịch thì nên tổ chức những sự kiện riêng.
Bây giờ nhiều người đi lễ hội chủ yếu để cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe... Như vậy có làm giảm đi nét đẹp của lễ hội?
- Tôi nghĩ đó cũng là một phần nhu cầu của xã hội. Và văn hóa thì vốn có tính tiếp biến, không ngừng thay đổi. Ví như ngày trước người ta thường hay mua 3 ông Tam đa, chỉ 3 vị gồm ông Phúc, ông Lộc và ông Thọ về bày trong nhà với mong muốn cầu chúc cho gia đình, người thân nhận được nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, vạn sự hanh thông, phúc lộc ngập tràn. Thế nhưng, tôi để ý bây giờ chữ Phúc người ta cũng ít cầu. Tuổi thọ thì do nhu cầu vật chất tốt nên cũng ngày càng được nâng cao. Vì vậy, giờ người ta đi lễ chủ yếu cầu lộc tài.
Nhưng nhiều người chưa hiểu, Phật, Thánh có phải là người ban lộc đâu. Đi lễ Phật là giúp nuôi dưỡng lòng từ bi, khuyến khích mọi người sống thiện lương, biết yêu thương và chia sẻ. Nhưng nhiều người lại bảo, làm việc thiện thì ai cũng làm được, nhưng lộc tài thì phải cầu mới có.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hà (thực hiện)