Gặp bà trong Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Thiện Kế, chúng tôi bị thu hút bởi gian hàng giới thiệu trang phục dân tộc của bà nổi bật hơn cả. Gian hàng của bà cũng là nơi duy nhất có sự mua bán, trao đổi hàng hóa, trong khi các gian hàng khác chỉ dừng ở việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bà hồ hởi nói, ngay trong buổi sáng đã có nhiều người hỏi mua các phụ kiện như khăn đội đầu, tua rua, dây lưng… Bởi đây là những phụ kiện trang trí giúp cho trang phục nổi bật hơn. Ngoài ra, có người còn hỏi mua cả bộ trang phục cho các cháu học sinh. Bà rất vui vì lớp trẻ ngày càng yêu thích trang phục dân tộc.
Cầm trên tay bộ trang phục đang được bày bán, bà giới thiệu: trang phục nữ của người Sán Dìu có màu chàm. Áo có 4 thân dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng. Khăn đội đầu đơn giản, vừa để làm đẹp cũng để giữ mái tóc gọn gàng. Ve áo nẹp bằng vải trắng tạo thành hai vết trắng mềm mại hình chữ "V" mở từ hai vai khép lại ở thắt lưng ngang eo bụng. Cổ áo được trang trí bằng việc đính hai chiếc khuy áo bằng bạc, với tua rua xanh đỏ ở đuôi khuy đẹp mắt. Trang phục của người Sán Dìu tuy không cầu kỳ nhưng lại nhấn nhá ở dây thắt lưng được tết lại từ những sợi len có màu xanh, đỏ nổi bật.
Gần 80 tuổi, bà Vòng vẫn đam mê làm trang phục truyền thống
Các trang sức như vòng cổ, vòng tay, xà tích nhẫn bạc giúp cho phụ nữ duyên dáng hơn. Thêm vào đó, với phụ nữ cao tuổi còn trang bị thêm chiếc tụi đựng trầu. Túi được khâu theo hình múi bưởi. Hoa văn trên chiếc túi chủ yếu thêu theo trí tưởng tượng và sự sáng tạo của người phụ nữ. Thông thường, chiếc túi có 3 đường hoa văn lớn phối nhiều màu sắc khác nhau. Bên cạnh túi là một dây tua rua ngắn để tạo thêm sự mềm mại cho chiếc túi.
Khác với trang phục của nữ giới, trang phục của đàn ông Sán Dìu lại đơn giản, mộc mạc hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ. Quần, áo có màu chàm, áo được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng để thuận lợi cho việc leo núi, làm nương.
Bà Vòng hướng dẫn chị em trong xã mặc trang phục truyền thống
Theo bà Vòng, trước đây phụ nữ Sán Dìu mặc trang phục trong sinh hoạt hàng ngày, lên nương, lên rẫy, lễ, tết; nhưng ngày nay thường chỉ mặc khi đi hội hay có sự việc quan trọng trong cộng đồng dân tộc. Thêm vào đó, số người biết làm trang phục cũng rất ít, ngay cả việc mặc trang phục truyền thống hầu hết người trẻ đều phải nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn, nhất là công đoạn vấn khăn đội đầu, quấn xà cạp. Vì vậy, trước đây khi tham gia câu lạc bộ Hương Sắc của xã, bà vẫn truyền dạy cách làm trang phục, hướng dẫn cách mặc trang phục truyền thống. Nay, tuổi cao tuy không tham gia sinh hoạt câu lạc bộ nữa nhưng bà vẫn dành thời gian dạy các con, cháu trong gia đình, trong xã gìn giữ trang phục truyền thống.
Trẻ em Sán Dìu mặc trang phục truyền thống tham gia các trò chơi dân gian.
Bà vui nhất khi hiện nay trẻ nhỏ cũng yêu thích trang phục truyền thống. Chúng mặc trang phục Sán Dìu khi đi chơi hội, mặc để biểu diễn văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian… Bà tin, từ yêu thích, lớp trẻ sẽ có ý thức gìn giữ và nhân lên tình yêu văn hóa truyền thống.
Hoàng Anh