Cây chè Truồi cho lá sau 3 năm phát triển.
Đặt chân đến làng Truồi, điều dễ dàng nhận thấy là hầu như nhà nào cũng có vườn chè. Hằng ngày, người phụ nữ hái, bó và bán chè tươi cho thị trường thành phố Huế và Đà Nẵng. Khi hỏi mua chè Truồi ở bất cứ chợ nào tại thành phố Đà Nẵng thì người bán đều biết. Lâu nay, thu nhập từ cây chè chỉ đủ đáp ứng tiền đi chợ mua thực phẩm ở mức bình thường cho một gia đình tại làng Truồi.
Từ chè tươi đến chè sấy
Cây chè ở làng Truồi là đặc sản, có từ lâu đời. Theo những người cao niên trong làng, tại một thư viện ở Paris có lưu giữ thông tin người Pháp đã từng xây dựng một xưởng chè tại vùng Truồi vào năm 1868. Từ đây, lá chè được sản xuất để bán sang Trung Quốc. Về sau, có một đồn điền (người Huế gọi là sở) chuyên trồng chè được lập nên. Hiện nay, tại vị trí đồn điền này vẫn còn một dấu tích rẫy chè.
Nếu như các vùng trồng chè ở huyện Đông Giang và huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) thường cho rằng, đọt lá non sẽ ngon nhất thì ở làng Truồi, lá già nằm sát thân cây mới là đặc sản. Kích thước lá chè Truồi chỉ bằng một nửa so chè các vùng khác. Mầu xanh mạ non, hơi ngả ánh vàng là điểm nhận dạng lá chè Truồi.
Hình ảnh vài chục bó chè nằm trên sạp nhỏ ngoài chợ Truồi gợi nên khung cảnh miền quê dân dã, đầy tình cảm. Người mua kẻ bán chẳng hề mặc cả giá mấy bó chè. Họ xem đây là thức uống thân quen, gắn bó với cả đời người. Có lẽ suy nghĩ mặc cả với giá của bó chè là mặc cả chính bản thân mình nên ai cầm bó chè lên đều im lặng mà gửi tiền.
Ông Hoàng Viết Thắng, chủ cơ sở sản xuất chè Truồi Ấn Lĩnh (thôn Lương Điền Thượng, xã Lộc Điền) cho biết: “Tôi là dân gốc làng Truồi. Bản thân tôi nghiên cứu cây chè này từ năm 2009. Đến năm 2016, tôi tìm ra được cách chế biến dòng trà sấy từ lá chè già này. Năm 2019, tôi bắt đầu mở rộng việc sản xuất. Sản phẩm của tôi được chính quyền thành phố Huế và huyện Phú Lộc động viên, hỗ trợ. Rất vui khi chè sấy được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của miền trung vào năm 2021. Đến nay, chúng tôi đã bán sản phẩm của mình đến các thị trường trong nước và nhiều người tham gia ở khâu trung gian để xuất bán ra nước ngoài”, ông Thắng chia sẻ.
Xác định hướng sản xuất chuyên nghiệp, cơ sở sản xuất chè Truồi Ấn Lĩnh đầu tư dây chuyền theo tiêu chuẩn hiện đại và được quản lý bởi cơ quan chức năng của thành phố Huế. Quy trình sản xuất bao gồm: Thu hoạch - làm sạch nguyên liệu - làm héo - vò - sấy. Dù vậy, do nhu cầu thị trường còn ít nên cơ sở sản xuất bán cơ giới, chưa tự động hóa vì hiệu quả kinh tế vẫn còn thấp.
Chè sấy - hướng đi mới cho chè Truồi.
Mong vượt những rào cản
Khi nghiên cứu những rào cản trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ chè Truồi, TS Nguyễn Văn Chung, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế nhận thấy, theo kết quả phân tích về thực trạng sản xuất và tiêu thụ thì các rào cản đang cản trở hoạt động sản xuất chè Truồi của nông hộ gồm: Thiếu người lao động, thiếu sự đầu tư trong sản xuất, giảm động lực trong phát triển sản xuất chè, sự phụ thuộc vào người thu gom và sự suy giảm, biến động về giá cả.
Tại làng Truồi, trung bình diện tích trồng chè là 0,2 ha/hộ, năng suất trung bình đạt 1,9 tấn/ha. Thu nhập trung bình 15,3 triệu đồng/ha. “Kết quả điều tra cho thấy hơn 80% hộ trồng chè cho rằng, thiếu người lao động đang là một trong những rào cản chính trong việc duy trì hay mở rộng diện tích trồng chè của nông hộ. Thậm chí, nó ảnh hưởng lớn đến ý định đầu tư hay xem hoạt động trồng chè là nguồn thu chính của nông hộ”, TS Chung đánh giá.
Hơn 57% hộ trồng chè đang đối mặt với vấn đề biến động và xu hướng suy giảm giá bán chè. Điều này tạo ra áp lực cho bà con khi nguồn thu nhập của họ bị bấp bênh. Thực trạng này khiến nhiều hộ dân có thể lựa chọn chuyển đổi cây trồng từ chè sang trồng cây keo hay tràm. Sự đan xen các rào cản này tạo thành cản trở lớn hơn cho các nông hộ trong việc phát triển cây chè Truồi tại địa phương.
Ông Thắng nhận thấy, dòng trà bancha vẫn còn xa lạ với người Việt Nam. Chỉ những người ưa thích chè xanh mới chú ý đến sản phẩm này. Đây là khó khăn lớn nhất của cơ sở sản xuất chè Truồi Ấn Lĩnh. Tuy nhiên, theo thời gian thì người tiêu dùng ngày càng chú ý đến dòng sản phẩm này. Ngay cả vùng văn hóa trà lâu đời như các tỉnh phía bắc cũng đã bước đầu có người dùng trà bancha. Là hộ sản xuất trà bancha, ông Thắng cho rằng, đó là điểm mạnh của mình. “Với lợi thế “một mình một chợ”, chúng tôi đang bán trà bancha với giá gần như ngang vốn để quảng bá cho dòng trà này. Do đó, về vấn đề giá cả, chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Thắng nói.
Từ khi hoạt động đến nay, cơ sở sản xuất chè Truồi Ấn Lĩnh tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Trong thời gian tới, mục tiêu mà ông Thắng đặt ra là mở rộng được thị trường để nhiều người dân cùng tham gia chế biến sản phẩm. Thực tế cho thấy, cho dù nắm vững kỹ thuật chế biến cùng dây chuyền hiện đại nhưng nếu không có tính cộng đồng sẽ rất khó khăn.
Quy trình sấy lá chè.
Ở làng Truồi, phần nguyên liệu lá chè tươi có rất nhiều. Đơn cử, ông Nguyễn Bốn (thôn Đồng Xuân, xã Lộc Điền) được nhiều người đánh giá là kỹ tính nhất trong các hộ trồng chè nơi đây. Sở hữu vườn chè có diện tích 4.000 m2, sản lượng lá chè tươi từ vườn nhà ông Nguyễn Bốn luôn ở mức cao. Điều bà con mong muốn là bán được chè tươi để giải quyết đời sống kinh tế. Qua từng năm, thực trạng người dân tiếp tục phá bỏ những vườn chè cổ hàng trăm năm tuổi càng khiến ông Thắng cảm thấy lo lắng.
Nhìn nhận về tương lai của cây chè Truồi, TS Nguyễn Văn Chung gợi mở, hoạt động trồng chè tiêu tốn ít chi phí và được xem là hoạt động tạo thu nhập tăng thêm cho nông hộ. Tuy nhiên, kết quả sản xuất vẫn chưa tương xứng với danh tiếng và tiềm năng của nó. Để giải quyết được tình trạng này, chính quyền địa phương và nông hộ cần chú trọng đầu tư đa dạng hóa sản phẩm chè, gắn liền với xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm thị trường đầu ra. Hơn nữa, cần có sự kết hợp giới thiệu chè Truồi với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như dâu Truồi, thanh trà, bánh ướt… để xây dựng thương hiệu.
Theo Bài và ảnh: MAI TRƯỜNG AN (NDO)