Miền cao Khánh Sơn được biết đến là thủ phủ sầu riêng ngon nức tiếng và đã được khẳng định thương hiệu. Hiện nay, các nhà vườn trên địa bàn đang tất bật chăm sóc sầu riêng, hướng đến sản xuất sạch hơn theo hướng hữu cơ để giữ vững thương hiệu, chất lượng loại trái cây đặc sản này.
Tất bật chăm sóc
Mùa khô vừa chớm cũng là lúc cây sầu riêng ở vùng cao Khánh Sơn đang độ ra hoa. Đón chúng tôi ở “thủ phủ” sầu riêng Sơn Lâm, ông Trịnh Đình Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm bày tỏ: “Những năm qua, cây sầu riêng đã mang lại giá trị rất cao cho người dân trên địa bàn xã, do đó nhiều hộ đã chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Đến nay, trên địa bàn có 1.100ha sầu riêng, trong đó 600ha đang trong thời kỳ cho trái. Hiện nay, người dân đang tất bật bước vào cao điểm chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa, vì vậy không khí trở nên nhộn nhịp hẳn”.
Gia đình ông Cao Thanh Hải (thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm) vừa bón phân xong cho 300 gốc sầu riêng đang độ ra hoa. Quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, ông Hải chia sẻ: “Cây sầu riêng đã mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình tôi. Như vụ vừa rồi, gia đình tôi có lãi gần 1,5 tỷ đồng từ loại cây đặc sản này. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong, tôi đã đầu tư mua phân hữu cơ, phân vi sinh chất lượng cao để dưỡng sức cho cây, bây giờ lại tiếp tục bón phân, kéo đường ống để tưới nước đều đặn chăm sóc trong giai đoạn cây ra hoa. Gia đình tôi trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc hóa học để bền cây, chất lượng sầu riêng cao hơn”.
Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu sản phẩm sầu riêng chế biến Thành Hưng. Ảnh: CÔNG ĐỊNH
Đến xã Sơn Trung, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bốn (thôn Ma O) đang thay những đường ống bị hư hỏng để bơm tưới nước cho cây trên đồi cao, cách nguồn nước hơn 800m. Ông Bốn cho biết, sau khi bón phân cho cây trong giai đoạn ra hoa, cần duy trì nguồn nước tưới ổn định để cây thích nghi dần với thời tiết hanh khô, đến giai đoạn hoa xổ nhụy, kết trái non thì dù thời tiết có thay đổi cũng giảm rụng hoa, rụng trái non… Chính vì vậy, gia đình ông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để thay ống nước, máy bơm; huy động người vận hành để đảm bảo nguồn nước tưới khi bước vào mùa khô.
Trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi mới hay, trong vòng 20 năm qua, huyện Khánh Sơn đã tìm tòi, thử nghiệm và phát triển được nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có đến hơn 3.640ha cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng chiếm đến hơn 70% diện tích. Như vụ thu hoạch sầu riêng năm trước, toàn huyện có đến 1.700ha cho thu hoạch trong tổng số hơn 2.600ha hiện có, sản lượng đạt gần 18.000 tấn, mang lại trị giá hơn 1.000 tỷ đồng cho người dân địa phương. “Nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng và các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác là mũi nhọn phát triển kinh tế, là thế mạnh của huyện khi ngành này chiếm khoảng 70% cơ cấu kinh tế của địa phương. Sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng nhờ chất lượng đảm bảo”, ông Đông nhấn mạnh.
Sản xuất sạch hơn
Theo lãnh đạo UBND huyện và các nhà vườn, sở dĩ sầu riêng Khánh Sơn luôn có giá bán cao hơn so với các vùng trồng khác trong cả nước nhờ chất lượng khác biệt. Chất lượng ấy không chỉ được tạo nên từ sự phù hợp của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao Khánh Sơn với loại cây này, mà còn đến từ cách trồng, chăm sóc theo hướng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để phát triển bền vững, nâng cao giá trị. “Trước đây, giá sầu riêng thấp, nhà vườn thường chạy theo sản lượng nên sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong quá trình sản xuất sầu riêng khiến cây nhanh kiệt quệ, nhanh chết, chất lượng trái cũng không đảm bảo. Mấy năm gần đây, giá bán rất cao, hầu hết nhà vườn có điều kiện để đầu tư các loại phân hữu cơ, phân vi sinh và thuốc điều trị các loại bệnh trên cây sầu riêng chất lượng cao, đảm bảo an toàn nên kéo dài tuổi thọ của cây, chất lượng quả đảm bảo, an toàn cho nông dân… Như gia đình tôi 4 năm nay đều sử dụng phân vi lượng đạm cá cho 3ha sầu riêng đang thời kỳ cho trái, lượng phân hóa học sử dụng chỉ chưa đến 7% trong toàn bộ quá trình chăm sóc. Sử dụng phân hữu cơ cây phát triển tốt, nhanh phục hồi, có sức nên bung đọt nhanh, lá to, dày lá, hoa ra đều, bệnh xì mủ không thấy nữa”, ông Lê Minh Cảnh (thôn Ko Róa) chia sẻ.
Chống cành cho cây sầu riêng.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, xác định sầu riêng là cây trồng chủ lực trong mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, địa phương đang tích cực chuyển đổi để phát triển theo hướng sạch hơn nhằm mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững. Hiện nay, toàn huyện đã có nhiều nhà vườn áp dụng sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) với hơn 350ha; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với 430ha, các diện tích này đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong toàn bộ quá trình sản xuất; đây là những bước đi đầu tiên để địa phương nâng cao chất lượng đặc sản sầu riêng. Việc phát triển sầu riêng sạch theo hướng hữu cơ là định hướng của huyện để nông dân chuyển đổi dần. Điều này sẽ phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Như mới đây, Trung Quốc đã đặt ra tiêu chuẩn về sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này phải có kiểm nghiệm chỉ tiêu về chất Vàng Ô (liên quan đến bảo quản sau thu hoạch) và cadimi (chất tồn dư do phân bón), nếu các nhà vườn không đảm bảo thì rất khó để xuất khẩu. Trên địa bàn huyện Khánh Sơn, người dân sản xuất sầu riêng hầu hết chỉ sử dụng phân, thuốc hữu cơ vi sinh trong các giai đoạn sản xuất, rất ít sử dụng phân hóa học nên không có việc tồn dư cadimi; các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và xác định trên địa bàn không có tình trạng sử dụng chất Vàng Ô để bảo quản sau thu hoạch là điều đáng mừng. Nhưng để phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả cần phải chuyển nhanh sang sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cần có mô hình điểm
Sau những vụ mùa bội thu, người dân Khánh Sơn đã từng bước đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, mức độ đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp hữu cơ còn thấp; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP chưa được nhân rộng nhiều, nhất là chưa có mô hình chuẩn trong sản xuất hữu cơ để người dân học hỏi, áp dụng.
Ông Lê Công Bình - người trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình bày tỏ: Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ là vấn đề căn cơ, lâu dài của các nhà vườn. Hiện nay, các nhà vườn chủ yếu mới dừng lại ở khâu “vật tư đầu vào” bằng cách chuyển từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ phải được sản xuất trên vùng đất màu mỡ, đầu nguồn nước, nguồn gió, cách xa với các vườn trồng sầu riêng truyền thống. Những nhà vườn truyền thống muốn chuyển sang trồng hữu cơ cần phải có ít nhất 3 - 4 năm để cải tạo đất, từ đó giảm dư lượng các hóa chất và cung cấp thêm hữu cơ cho đất… Để người dân mạnh dạn chuyển đổi, huyện cần có chính sách hỗ trợ, có mô hình điểm để người dân học hỏi, nhân rộng và quan trọng là phải liên kết để nhà vườn trồng sầu riêng hữu cơ có đầu ra ổn định, giá bán cao.
Một góc vùng trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn.
Theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, tới đây, huyện sẽ xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sầu riêng hữu cơ để các nhà vườn tham quan, học tập, tìm hiểu, từ đó nhân rộng ra các vùng sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức những lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, nắm bắt kiến thức về thị trường… Từ đó, các hộ dân sẽ mạnh dạn phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu; xây dựng liên kết “4 nhà” để sản xuất nông nghiệp tiến bộ, hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sầu riêng để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường…
HẢI LĂNG