Một số trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Ảnh: Nguồn báo Đồng Nai điện tử
Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của tự do ngôn luận trong sự phát triển của một xã hội dân chủ. Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ xem nhẹ việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân, kể cả những ý kiến trái chiều. Thậm chí, trong mọi nghị quyết, văn kiện của Đảng, cụm từ “phát huy dân chủ, lắng nghe phản biện xã hội” luôn được nhấn mạnh như một nguyên tắc sống còn để giữ gìn sự trong sạch và vững mạnh của Đảng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là mọi tiếng nói nhân danh “phản biện” đều thực sự hướng đến mục tiêu xây dựng. Có những lời lẽ, những luận điệu nếu mới đọc qua từng câu, từng chữ thì thấy có vẻ hợp lý, nhưng nhìn toàn cục thì rõ ràng là một sự phủ định có chủ ý đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, với chế độ chính trị mà Nhân dân ta đã lựa chọn bằng máu và bằng sự hy sinh của nhiều thế hệ.
Gần đây, không ít người, đặc biệt là trên các diễn đàn mạng xã hội đưa ra các luận điểm như: “Chỉ khi có cạnh tranh chính trị thì đất nước mới minh bạch”, hoặc “Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải có cơ chế kiểm soát quyền lực từ nhiều đảng phái khác nhau”, hay “Quân đội, công an phải đứng ngoài chính trị để phục vụ Nhân dân chứ không thể trung thành với bất kỳ đảng phái nào”… Nghe thì tưởng như đang nói về dân chủ, tiến bộ, thậm chí còn được rao giảng là “theo chuẩn mực quốc tế”. Nhưng nếu xét kỹ thì đó là những lời xúi giục thay đổi bản chất chế độ, là sự phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, là cách gieo vào đầu lớp trẻ một mô hình thể chế lạ lẫm, xa rời thực tiễn lịch sử và điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Bác Hồ từng căn dặn: “Nước ta là một nước dân chủ, tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Nhưng dân chủ không phải là để cho ai muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết” (Trích lời Hồ Chủ tịch tại Kỳ họp Quốc hội khóa I năm 1946). Có thể thấy, quan điểm của Người là nhất quán: Dân chủ phải gắn với kỷ cương, tự do ngôn luận phải đi cùng trách nhiệm công dân, chứ không phải là cái cớ để “ném đá giấu tay”, “đánh võ mồm” hay “phá hoại dưới vỏ bọc góp ý” như một số người đang cố tình làm.
Điều nguy hiểm là những kẻ tung ra luận điệu xuyên tạc, kích động có khi là người mang danh trí thức, từng có thời gian công tác trong hệ thống chính trị, từng giữ các chức danh nghiên cứu, thậm chí có quan hệ trong các tổ chức xã hội dân sự. Họ hiểu rõ cách thức truyền thông thời đại số, nên biết cách dùng từ ngữ vừa phải, ẩn dụ, mang tính gợi mở để tránh bị xử lý trực diện, nhưng về bản chất thì họ đang dẫn dắt dư luận vào vòng xoáy nghi ngờ đối với Đảng, làm xói mòn niềm tin của quần chúng Nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đặt ngang hàng với các nhiệm vụ then chốt khác như xây dựng, chỉnh đốn Đảng hay phát triển kinh tế - xã hội. Bởi nếu không ngăn chặn được từ gốc rễ các biểu hiện suy thoái tư tưởng, đặc biệt là qua các kênh ngôn luận trá hình thì nội bộ ta sẽ bị xâm nhập bằng sự mơ hồ, bằng cái gọi là “sự thật khác”, “tư duy mới”, “cách làm khác”… rồi dần dần xa rời lập trường giai cấp công nhân, xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh và rốt cuộc là xa rời chính bản chất cách mạng của Đảng.
Sự thật là Đảng ta không cấm phản biện. Nhưng phản biện phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng phương pháp. Phản biện không thể là nơi để ai đó xả bức xúc cá nhân, lôi kéo đám đông bằng ngôn ngữ kích động, rồi nhân danh dân chủ để gieo rắc hoài nghi về chế độ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải học cách nhận diện điều đó. Bởi chúng ta không thua về lý lẽ mà đôi khi chỉ vì im lặng trước cái sai, không đủ sắc sảo để chỉ ra bản chất ngụy trang của cái gọi là “góp ý vì dân” mà thực chất là “chọc gậy bánh xe”.
Một thực tế đáng lo là có không ít người, nhất là giới trẻ, vì thiếu thông tin chính thống hoặc thiếu bản lĩnh chính trị đã bị hấp dẫn bởi giọng điệu có vẻ hợp lý, có vẻ “khác lạ nhưng văn minh” của một số cá nhân chuyên gieo rắc tư tưởng lệch lạc. Họ cho rằng đó là những quan điểm “khách quan”, là những tiếng nói “mạnh dạn dám nói thật”, mà không biết rằng đằng sau mỗi bài viết, mỗi video có thể là cả một chiến dịch truyền thông được hậu thuẫn bài bản từ nước ngoài.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, không gian mạng mở cửa 24/7, biên giới tư tưởng không còn ranh giới vật lý. Vì thế, nếu chỉ phòng ngự bằng các biện pháp hành chính hay kỹ thuật là chưa đủ. Phòng tuyến vững chắc nhất chính là lòng tin của Nhân dân, là sự tỉnh táo của mỗi cán bộ, đảng viên, là bản lĩnh phản bác đúng lúc, dứt khoát, có sức thuyết phục và trên hết là gắn với thực tiễn xây dựng Đảng và phát triển đất nước.
Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng không có nghĩa là đóng cửa trước mọi ý kiến khác biệt. Nhưng nếu ai đó lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gieo rắc sự ngờ vực, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc đường lối của Đảng thì chúng ta không thể đứng ngoài hay làm ngơ. Đừng để những lời “đường mật” về dân chủ, đa nguyên, tự do ngôn luận... trở thành những mũi khoan khoét dần nền móng niềm tin trong mỗi người dân.
(còn tiếp)
TRỌNG NGHĨA