Giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, 'soi chiếu' chuỗi cung ứng nội địa

Giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, 'soi chiếu' chuỗi cung ứng nội địa
7 giờ trướcBài gốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra làn sóng dịch chuyển sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong chiến lược "Trung Quốc +1" của các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa chính trị thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh và sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, cơ hội này có thể nhanh chóng biến thành thách thức nếu Việt Nam không kịp thời nâng cao năng lực cung ứng nội địa và phát triển chuỗi giá trị nội sinh...
Tỷ lệ nội địa hóa thấp và nhiều hệ lụy giữa thương chiến
Tỷ lệ nội địa hóa thấp đang là điểm yếu chí mạng. Trong báo cáo gần nhất vào cuối tháng 1/2025, tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam đạt 36,6%, giảm 5,3 điểm so với khảo sát năm trước (41,9%). Trong các lĩnh vực như điện - điện tử, cơ khí chế tạo hay nhựa kỹ thuật, doanh nghiệp (DN) Việt vẫn phụ thuộc nặng nề vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngành điện tử có tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 35%, trong khi cơ khí chế tạo dao động 25 - 30%. Các sản phẩm giá trị cao như chip, cảm biến, vi mạch hay hệ thống điều khiển hiện đại gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nguồn: Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, JETRO, công bố tháng 1/2025
Ngành dệt may - da giày tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi phần lớn nguyên liệu đầu vào như xơ sợi tổng hợp, vải kỹ thuật, hóa chất nhuộm và các loại phụ liệu cao cấp vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, nhóm ngành nhựa – bao bì – hóa chất phụ trợ tuy có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn (dao động từ 60% đến 80%) nhưng vẫn bị chi phối bởi sự lệ thuộc vào hạt nhựa nguyên sinh và hóa chất phụ gia nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế cũng như phát triển công nghệ tái chế hiện đại vẫn là những thách thức lớn cần được giải quyết để gia tăng năng lực cạnh tranh và tính bền vững cho ngành.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến Việt Nam dễ rơi vào tầm ngắm của các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt từ phía Mỹ. Nếu Việt Nam bị nghi ngờ là điểm "trung chuyển" để né thuế Trung Quốc, hàng xuất khẩu có thể bị áp thuế cao sau thời gian tạm hoãn 90 ngày. Khi đó, lợi thế cạnh tranh mất đi, DN nội đối mặt nguy cơ mất đơn hàng. "Chưa kể, rủi ro chững lại trong xuất khẩu, giảm tăng trưởng GDP và ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ là hiện hữu", TS. Thành nói.
Cơ hội "vàng" để bứt phá nội địa hóa
Theo báo cáo công bố tháng 1/2025 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong số 176 DN Nhật Bản chuyển nhà máy sang ASEAN, có tới 90 DN chọn Việt Nam, cao nhất khu vực.
Nguồn: Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, JETRO, công bố tháng 1/2025
Đáng chú ý, 50,9% DN Nhật tại Việt Nam cho biết sẽ tăng tỷ lệ mua linh kiện, nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp trong nước trong 1 - 2 năm tới, vượt xa mức trung bình ASEAN là 37,7%. Các ngành như thiết bị điện - điện tử, dệt may và máy móc đều ghi nhận nhu cầu nội địa hóa ở mức cao.
Theo đại diện JETRO tại Việt Nam, xu hướng này được thúc đẩy bởi nhiều nguyên nhân: sự dịch chuyển sản xuất của khách hàng, tác động từ các chính sách thuế của Mỹ và sự bất định trong môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như điểm đến sản xuất thay thế với hệ sinh thái công nghiệp đang dần hoàn thiện.
Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá khoảng thời gian 90 ngày hoãn thuế của Mỹ chính là cơ hội chiến lược để Việt Nam điều chỉnh chính sách, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chứng minh mình là trung tâm sản xuất thực thụ, chứ không chỉ là trạm trung chuyển tránh thuế. "Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ củng cố được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ", chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Thực tế, Việt Nam đã có nền tảng công nghiệp với các cụm sản xuất quy mô lớn tại Bắc Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, nơi quy tụ các tập đoàn toàn cầu như Samsung, LG, Intel... Tuy nhiên, sự tham gia của DN nội địa trong chuỗi cung ứng vẫn còn hạn chế. Nếu không gia tăng nội lực và nâng cấp chất lượng sản xuất, DN Việt sẽ khó theo kịp tốc độ toàn cầu hóa đang ngày càng nhanh.
Khẩu hiệu "Made by Vietnam" chỉ có ý nghĩa khi đi kèm năng lực thực tế: sản phẩm được thiết kế tại Việt Nam, công nghệ do người Việt làm chủ, và chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng nội địa vững chắc
Theo giới chuyên gia, khẩu hiệu "Made by Vietnam" chỉ có ý nghĩa khi đi kèm năng lực thực tế: sản phẩm được thiết kế tại Việt Nam, công nghệ do người Việt làm chủ và chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng nội địa vững chắc. Khi đó, tỷ lệ nội địa hóa không chỉ là một chỉ tiêu kinh tế, mà còn là đòn bẩy cho tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thế giới đầy biến động và cạnh tranh.
DN nội địa và vai trò đầu tàu trong hành trình tự chủ
Ai sẽ dẫn dắt hành trình nâng tỷ lệ nội địa hóa, để Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ, chuỗi cung ứng và thiết kế? Câu trả lời nằm ở DN Việt, doanh nhân Việt, những người hiểu thị trường, đầy khát vọng đổi mới.
Theo các chuyên gia, dưới thời gian vàng 90 ngày hoãn áp thuế từ Mỹ, DN Việt cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, xác định đâu là nguyên liệu, linh kiện có thể thay thế bằng nguồn trong nước, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa ở mức khả thi nhất.
Đây cũng là lúc các DN thử nghiệm sản phẩm nội địa trong các đơn hàng nhỏ từ đối tác nước ngoài - một cách để kiểm chứng chất lượng và năng lực sản xuất trước khi thị trường Mỹ chính thức áp dụng hàng rào kỹ thuật mới. Đồng thời, thử nghiệm các phương án sản xuất thay thế, tái cấu trúc quy trình để tăng tính linh hoạt và đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trong thời gian ngắn. Nếu các bên trong chuỗi giá trị - từ nhà sản xuất, cung ứng đến logistics... biết liên kết tạm thời để phục vụ đơn hàng ngắn hạn, thì chính sự linh hoạt đó sẽ mở đường cho những hợp tác lâu dài.
Về phía các hiệp hội ngành nghề và cơ quan chức năng, đây là lúc cần hành động như một trung tâm điều phối, cung cấp dữ liệu, kết nối cung cầu trong nước và hỗ trợ tháo gỡ nhanh các thủ tục liên quan đến đầu vào sản xuất. Trong ngắn hạn, một sự phối hợp chặt chẽ và nhanh nhạy giữa các chủ thể có thể tạo ra bước đệm quan trọng, vừa giúp DN giữ vững đơn hàng, vừa đặt nền móng cho quá trình nội địa hóa sâu hơn sau giai đoạn tạm hoãn.
Về lâu dài, muốn bứt phá, cần một chiến lược đồng bộ. DN nội phải chủ động đầu tư công nghệ, nâng cấp chất lượng, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, trong ngành điện - điện tử, các DN cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) để sản xuất các linh kiện, bộ phận điện tử trong nước. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư vào công nghệ mới, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung ứng linh kiện nhập khẩu.
Cũng như trong ngành dệt may - da giày, việc phát triển các cơ sở sản xuất nguyên liệu như sợi, vải và da tại Việt Nam sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc tăng cường đầu tư vào công nghệ dệt, nhuộm và gia công da là một yếu tố quan trọng giúp ngành này nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hợp tác giữa các nhà sản xuất, nhà thiết kế và các tổ chức nghiên cứu để phát triển sản phẩm sáng tạo, chất lượng cao sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển biến này.
Đối với ngành nhựa - bao bì - hóa chất phụ trợ, việc ưu tiên phát triển các nguyên liệu đầu vào trong nước như nhựa nền, màng bao bì và hóa chất chuyên dụng sẽ đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại và thiết kế bao bì thân thiện với môi trường không chỉ đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững toàn cầu mà còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nội địa.
Về phía Chính phủ, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất chính sách hỗ trợ phải thực chất hơn: từ ưu đãi tín dụng đặc thù cho DN công nghiệp hỗ trợ, đến ưu tiên giao đất trong khu công nghiệp chuyên biệt, và yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cụ thể trong các dự án FDI lớn, đi kèm chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư liên kết.
Chỉ khi hội tụ đầy đủ 3 yếu tố cốt lõi: chính sách nhất quán, doanh nghiệp chủ động và một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ, tiến trình nội địa hóa mới có thể tạo ra những chuyển biến thực chất. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam mới đủ năng lực thoát khỏi “cái bóng gia công” kéo dài, vươn lên đảm nhận vai trò nhà cung ứng cấp 1, tham gia sâu hơn vào các khâu thiết kế, sản xuất và đồng kiến tạo giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồ họa: Thanh Trúc
Nhật Hưng - Toàn Vũ
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/giua-cang-thang-thuong-mai-my-trung-soi-chieu-chuoi-cung-ung-noi-dia-317243.html