Du lịch trải nghiệm sân golf đang thu hút đông đảo khách về với Nho Quan. (Ảnh: An Lành)
Trong những năm qua, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã không ngừng đổi mới và triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với quyết tâm đưa kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể địa phương đã vận động người dân mạnh dạn đưa cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tạo nên bức tranh nông nghiệp xanh tươi, đầy sức sống.
Du lịch sinh thái đang là thế mạnh của huyện Nho Quan trong những năm gần đây.
Trong hành trình xây dựng huyện nông thôn mới, Nho Quan đã phát huy tốt thế mạnh của một miền đất giàu văn hóa và lịch sử. Những bước đi chắc chắn này đã đưa Nho Quan trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi diện mạo vùng đất cổ giữa lòng Ninh Bình, khẳng định vị thế xứng đáng trong hành trình hội nhập và phát triển.
Chia sẻ về định hướng phát triển của huyện, đồng chí Đặng Xuân Nguyên, Bí thư Huyện ủy Nho Quan nhấn mạnh, chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt từ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đến các xã, thị trấn. Song song với đó là phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Mô hình trồng na đang mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Phú Long.
Thực tế cho thấy, Nho Quan đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Với diện tích tự nhiên hơn 45.083ha, huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh như Vườn Quốc gia Cúc Phương, động Vân Trình, suối khoáng nóng Cúc Phương, cùng hệ thống sông, hồ, núi non thơ mộng. Những lợi thế này đã trở thành nền tảng để phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp như Khu du lịch Vedana, sân golf Tràng An hay Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang.
Mô hình trồng dưa trong nhà màng tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Khắc Tiệp cho biết, huyện Nho Quan đã chú trọng phát huy các thế mạnh sẵn có để phát triển sản phẩm chủ lực như lúa chất lượng cao, cây ăn quả, thịt dê. Chúng tôi đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, áp dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình, sản phẩm na Phú Long và ổi Đồng Phong đã đạt chuẩn OCOP, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa trũng tại các xã như Văn Phú, Sơn Thành, và Thanh Lạc đang cho thu nhập cao, trung bình từ 400-500 triệu đồng/ha. Đây là một hướng đi mới, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Thạch Bình, xã lớn nhất huyện với 800ha đất đồi rừng và 600ha đất ruộng cấy 1 vụ lúa, đã tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đồng chí Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện, các loại cây trồng như hoa cúc, cây dược liệu và rau gia vị được người dân đưa vào canh tác. Đặc biệt, việc kết hợp trồng rừng và nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Mô hình trồng hoa phục vụ tết Nguyên đán của người dân xã Thạch Bình mang lại thu nhập cao cho người dân vào mỗi dịp cuối năm.
Chị Quách Thị Phương, một người dân địa phương chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và các chương trình khuyến nông, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây dược liệu. Hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi so với trước đây.
Ở xã Quỳnh Lưu, tận dụng những vùng đất trũng khó canh tác, ông Nguyễn Thế Anh đã tiên phong trồng sen Nhật lấy củ kết hợp nuôi cá trên diện tích 15 mẫu ruộng. Ông Thế Anh cho biết, kỹ thuật trồng sen không khó, chỉ cần chú trọng đến giống và chăm sóc đúng quy trình. Với năng suất trung bình 10 tấn củ/ha, thu nhập có thể đạt tới 250 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần trồng lúa.
Củ sen của ông đạt chất lượng cao mà còn được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 25 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm cá trắm và cá chuối, hứa hẹn nguồn thu nhập bổ sung đáng kể.
Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp khẳng định: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để tạo sinh kế bền vững cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện.
Thu hoạch sen lấy củ của gia đình ông Nguyễn Thế Anh, xã Quỳnh Lưu.
Giữa màu xanh bạt ngàn của đồng ruộng, rừng đồi, và những cánh đồng sen thơm ngát, Nho Quan đang chuyển mình mạnh mẽ. Những mô hình nông nghiệp sáng tạo và hiệu quả chính là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây. Hành trình phát triển nông nghiệp bền vững của Nho Quan vẫn đang tiếp tục, vẽ nên những gam màu xanh hy vọng trên mảnh đất giàu tiềm năng này.
VĂN LÚA