Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm bản báo cáo cung cấp cơ sở cho mức thuế quan đối ứng mà ông áp dụng với một loạt quốc gia. (Nguồn: Getty Images)
Cầm tấm bảng “Thuế quan đối ứng” trong buổi lễ tại Vườn Hồng của Nhà Trắng rạng sáng 3/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Đây là tuyên bố độc lập của chúng ta”.
Với mục đích xóa bỏ thâm hụt thương mại của nước Mỹ, ông Trump cho biết, các khoản thuế đối ứng sẽ được Mỹ áp dụng đối với hàng hóa đến từ gần 60 quốc gia, bao gồm với Trung Quốc bị áp thuế 34%, Việt Nam là 46% và Liên minh châu Âu (EU) là 20%. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%).
Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
“Sức công phá” lan rộng
Tấm bảng mà ông Trump cầm cũng đưa ra mức thuế các nền kinh tế đang áp cho hàng hóa Mỹ. Ví dụ Việt Nam, Trung Quốc và EU đang áp mức thuế lần lượt 90%, 67%, 39% với hàng hóa Mỹ. Không có lời giải thích cụ thể nào cho cách tính của Washington.
Với động thái này, ông chủ của Nhà Trắng đã nâng cấp “cơn bão” thương mại mạnh mẽ mà ông khởi xướng lên một nấc thang mới mà dư luận thế giới khó có thể hình dung nổi.
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, sức công phá đã lan rộng, từ sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu đến lời kêu gọi của nhà lãnh đạo đồng minh lâu đời nhất của Washington-Pháp - yêu cầu các công ty tạm dừng đầu tư vào Mỹ.
Ông Paul Krugman, nhà kinh tế học Mỹ nổi tiếng từng giành giải Nobel cho rằng mức thuế quan mới là “hoàn toàn điên rồ”. Bình luận về công thức tính thuế, ông viết: “Điều này đồng nghĩa với mức độ bảo hộ được cho là của một quốc gia bằng với thặng dư thương mại của quốc gia đó với Mỹ chia cho lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời chính quyền Clinton Lawrence Summer ví von: “Điều này đối với kinh tế giống như chủ nghĩa sáng tạo đối với sinh học, chiêm tinh học đối với thiên văn học”.
Doanh nghiệp “oằn mình”
Với tuyên bố áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một làn sóng bất ổn lan rộng, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường mới nổi trở nên mù mịt giữa “cơn bão” thuế quan.
Chủ một siêu thị tại Los Angeles, ông Fernando Ching Lau, cho biết chính sách trục xuất người nhập cư của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ông. Giờ đây, khi các biện pháp thuế quan mở rộng trên phạm vi toàn cầu, chi phí và giá cả hàng hóa cũng leo thang.
“Các chính sách thuế quan sẽ tác động mạnh hơn nữa – khiến nguồn cung ứng, khối lượng đơn hàng và chi phí mua sắm trở nên khó lường hơn bao giờ hết”, ông than thở.
Theo ông Lau, chi phí cho mỗi container hàng hóa, bao gồm cả vận chuyển và hậu cần, hiện dao động từ 30.000 đến 50.000 USD. Ông dự đoán đến mùa Hè, mức chi phí này có thể tăng 50%.
Trước đây, ông dự định chuyển một phần nguồn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico. Tuy nhiên, với việc Mỹ áp thuế lên cả những quốc gia này, kế hoạch của ông buộc phải tạm dừng hoặc xem xét lại.
“Là một chuỗi siêu thị nhỏ, chúng tôi không có lợi thế như Walmart – không có giải pháp vận chuyển riêng, không có đòn bẩy chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng không thể lập kế hoạch dự phòng dài hạn như các tập đoàn lớn. Giải pháp duy nhất là liên tục tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, hy vọng tìm được nguồn hàng có mức thuế thấp hơn”, ông chia sẻ.
SCMP dẫn lời một giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất do Nhật Bản đầu tư có trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc) cũng cho biết công ty của bà sẽ tạm dừng kế hoạch di dời cơ sở sản xuất từ Quảng Đông sang Đông Nam Á - một chiến lược đã được công ty thảo luận kỹ lưỡng vào năm ngoái và lên lịch triển khai trong năm nay.
Chuyên gia Gao Zhendong – Tổng thư ký Liên minh Dịch vụ công nghiệp Trung Quốc-Việt Nam và chuyên gia về chuỗi cung ứng – nhận định các chính sách thuế quan có thể tiếp tục được điều chỉnh trong tuần tới, khi Tổng thống Trump có khả năng tiến hành đàm phán với các quốc gia liên quan để đạt được mục tiêu của mình.
Ông cho rằng các tập đoàn lớn với lợi thế công nghệ có thể vượt qua những rào cản thương mại, nhưng tình hình sắp tới sẽ đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ lĩnh vực nào không sử dụng nhiều lao động đều cần đẩy mạnh nâng cấp công nghệ và công nghiệp”.
Dù thương mại toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, ông Mark Li – đồng sáng lập HippoBot Technology, công ty chuyên sản xuất robot vệ sinh hồ bơi – vẫn nhìn thấy cơ hội. Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, công ty của ông buộc phải trì hoãn kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Mexico hoặc Đông Nam Á do lợi ích bị bào mòn bởi các mức thuế quan mới.
Ông Li cho rằng “áp lực đồng bộ” từ làn sóng tăng thuế toàn cầu có thể giúp thu hẹp khoảng cách cạnh tranh về giá – một tín hiệu tích cực cho công ty. “Các đối thủ lớn nhất của chúng tôi là những thương hiệu châu Âu, hiện cũng đang đối mặt với các mức thuế quan tương tự”, ông chia sẻ.
(theo SCMP)
Hồng Châu