Đây là cuộc gặp cấp bộ trưởng kinh tế - thương mại ba bên đầu tiên sau 6 năm, với sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto.
Tại cuộc họp, ba bên nhất trí tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên - một sáng kiến đã bị đình trệ nhiều năm - đồng thời cam kết thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bộ trưởng Ahn Duk-geun nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu biến động nhanh, cuộc họp này không chỉ có ý nghĩa đối với ba nước Đông Bắc Á mà còn gửi đi một thông điệp tích cực tới cộng đồng quốc tế về tinh thần hợp tác và đa phương.
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun tham dự cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Seoul ngày 29/3. Nguồn: koreaherald
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản cùng hợp tác để khôi phục vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời chung tay đối phó với những thách thức mới đang nổi lên trong thương mại toàn cầu, bao gồm sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tiến trình chuyển đổi số và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào chuỗi cung ứng các khoáng sản chiến lược.
Ba bộ trưởng cũng nhất trí xây dựng một môi trường thương mại ổn định, minh bạch và "có thể dự đoán được" trong khu vực. Các nội dung cụ thể được thảo luận bao gồm biện pháp ổn định chuỗi cung ứng, cơ chế kiểm soát xuất khẩu, và các khuôn khổ hợp tác công nghệ mang tính định hướng tương lai. Bên cạnh đó, ba nước cũng nhất trí phối hợp để tổ chức thành công một loạt sự kiện khu vực, trong đó có Hội chợ Triển lãm Osaka dự kiến khai mạc vào tháng 4 tới tại Nhật Bản, cũng như Tuần lễ Cấp cao APEC 2025 sẽ diễn ra tại Gyeongju (Hàn Quốc) vào tháng 11 và tại Trung Quốc vào năm 2026.
Cuộc họp ba bên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị công bố một gói thuế quan mới vào ngày 2/4, nhắm tới một số nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản - ba trong số các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ - đều có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo thống kê gần đây, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ôtô vào thị trường Mỹ, một lĩnh vực đang được Nhà Trắng xem xét áp thuế bổ sung.
Việc ba nền kinh tế hàng đầu châu Á nối lại đối thoại cấp cao trong lĩnh vực thương mại - sau nhiều năm gián đoạn bởi dịch COVID-19 và căng thẳng chính trị - được giới quan sát đánh giá là bước đi tích cực trong nỗ lực ổn định cấu trúc kinh tế khu vực và tạo đối trọng mềm trước xu hướng bảo hộ gia tăng trên toàn cầu.
Như Thảo