Lựa chọn và thực hiện đề tài “Nâng cao năng lực tự chủ về cảm xúc và hành vi ở tuổi dậy thì cho học sinh (HS) THCS tại TP. Nha Trang”, 2 HS Lê Minh Bảo Tiên và Tạ Huỳnh Hồng Khuê, lớp 8/3 Trường THCS Thái Nguyên đã giành giải nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS THCS TP. Nha Trang năm học 2024 - 2025 (lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi).
Em Tạ Huỳnh Hồng Khuê và Lê Minh Bảo Tiên tại Trường THCS Cao Thắng sau khi kết thúc hoạt động ngoại khóa.
Tìm giải pháp từ góc nhìn của chính học sinh
Đảm nhiệm vai trò dẫn dắt cho chương trình ngoại khóa với chủ đề “Kỹ năng quản lý cảm xúc ở HS THCS” cho hơn 400 HS Trường THCS Cao Thắng (TP. Nha Trang) vừa qua, 2 em Tiên và Khuê gây ấn tượng bởi sự tự tin, làm chủ sân khấu. Sau phần hỏi đáp đầy sôi nổi, hào hứng về chủ đề tuổi dậy thì, cả hội trường tập trung lắng nghe các HS Trường THCS Cao Thắng chia sẻ những tình huống mất kiểm soát cảm xúc của bản thân trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Với khả năng dẫn dắt uyển chuyển, sự khéo léo xử lý những tình huống không có trong kịch bản, sự đồng cảm với các bạn đồng trang lứa, Tiên và Khuê đã gợi mở, khuyến khích các bạn giãi bày những câu chuyện của riêng mình để từ đó nhờ thầy cô tư vấn, đưa ra những lời khuyên bổ ích.
Cô NGUYỄN VŨ PHƯƠNG NHÃ - giáo viên hướng dẫn 2 em Tiên và Khuê thực hiện đề tài nhận định: Cả 2 em đều có sự quan tâm và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề tâm lý lứa tuổi, thể hiện ở cách tư duy khoa học, gần gũi và dễ tiếp cận. Các em cũng biết lắng nghe, tiếp thu nhanh chóng các gợi mở từ gia đình, thầy cô để từ đó chủ động, nhạy bén trong việc tổ chức công việc của mình. Hồng Khuê nổi bật với khả năng nghiên cứu, phân tích vấn đề tốt, chủ động đưa ra các ý tưởng và tổ chức công việc một cách hiệu quả, giúp nhóm hoàn thành nhiệm vụ một cách suôn sẻ. Bảo Tiên có điểm mạnh nổi bật là sự sáng tạo và khả năng thuyết trình, biết cách truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, dễ hiểu. Cả 2 em đều là những cá nhân có khả năng phát triển trong môi trường làm việc, học tập, với sự kết hợp hài hòa giữa khả năng quản lý cảm xúc, sáng tạo, trách nhiệm và kỷ luật.
Buổi ngoại khóa là một phần tiếp nối của đề tài “Nâng cao năng lực tự chủ về cảm xúc và hành vi ở tuổi dậy thì cho HS THCS tại TP. Nha Trang” mà Tiên và Khuê đã và đang thực hiện. Chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài, Tiên cho biết, hiện nay, chưa có dự án nào nghiên cứu, khảo sát thực tế diện rộng và thực hiện giải pháp tác động đồng bộ nhằm nâng cao năng lực tự chủ về cảm xúc, hành vi ở tuổi dậy thì từ góc nhìn của chính HS THCS. Do đó, em và bạn cùng lớp đã lựa chọn đề tài này với mong muốn lan tỏa thông điệp tới tất cả HS là hãy giữ những cảm xúc tích cực, bởi quản lý cảm xúc là quản lý tương lai để làm việc, học tập hiệu quả.
Nhiều hoạt động đa dạng
Để thực hiện đề tài, nhóm đã khảo sát thực trạng về năng lực tự chủ về cảm xúc và hành vi của HS THCS trong và ngoài nhà trường bằng phương pháp trực tuyến và nhận được hơn 2.000 phiếu trả lời. Trên cơ sở đó, nhóm xây dựng và phát triển Câu lạc bộ “Trưởng thành hạnh phúc” nhằm kết nối, chia sẻ phương pháp quản trị cảm xúc và tự học hiệu quả. Câu lạc bộ do 2 em chủ trì sinh hoạt trực tuyến mỗi tháng 1 lần, dưới sự cộng tác và hỗ trợ của các thầy cô, chuyên gia giáo dục, cựu HS Trường THCS Thái Nguyên (Nha Trang). Bên cạnh đó, nhóm xây dựng và thực hiện chương trình phát thanh “Tuổi ô mai”, phát trực tiếp tại trường vào giờ ra chơi ngày thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần và trực tuyến trên Fanpage, kênh YouTube “Tuổi ô mai” do chính các em xây dựng, phát triển. Nhóm còn thiết kế cuốn cẩm nang “Trưởng thành hạnh phúc”; phối hợp cùng Hội đồng Đội TP. Nha Trang tổ chức cuộc thi sáng tạo podcast với chủ đề “Chuyện chúng mình” cho tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố; đề xuất với nhà trường tổ chức những chương trình tọa đàm tư vấn về tình bạn, tình yêu, tâm sinh lý tuổi học trò, với khách mời là Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Dung - Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh... Các hoạt động đều được đăng tải trên Fanpage “Tuổi ô mai” đã tạo hiệu ứng tốt đối với HS, phụ huynh và các thầy cô giáo.
Em Tạ Huỳnh Hồng Khuê (bên trái) và Lê Minh Bảo Tiên dẫn chương trình ngoại khóa tại Trường THCS Cao Thắng.
Tiên chia sẻ, nhờ thực hiện dự án mà em đã thay đổi cảm xúc, thói quen theo hướng tích cực hơn. Khi một vài điểm kiểm tra không như kỳ vọng, em đã biết kiểm soát cảm xúc tốt hơn để tiếp tục cố gắng trong học tập. Khuê cho rằng, bản thân em chủ động thay đổi suy nghĩ của mình, có như vậy mới mong tác động hiệu quả đến các bạn. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục duy trì chương trình phát thanh "Tuổi ô mai"; hoàn thiện cẩm nang “Trưởng thành hạnh phúc” với thiết kế bắt mắt hơn và chuyển thành e-book đăng trên Fanpage, đồng thời gửi cho Hội đồng Đội TP. Nha Trang để tặng cho tất cả các trường THCS như tài liệu tham khảo về giáo dục giới tính tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các buổi tư vấn, chia sẻ trực tuyến với các nhà tâm lý học, nhà giáo, chuyên gia và các bạn trẻ tiêu biểu để hỗ trợ thông tin, truyền cảm hứng phát triển bản thân cho tuổi dậy thì; xây dựng cẩm nang dành cho thầy cô giáo và cha mẹ HS; nhân rộng tổ chức các hoạt động cho các HS tại nhiều trường học khác...
H.NGÂN