Trước đó, ngày 12/11, trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội; góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thế nhưng, cũng vẫn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ngay tại diễn đàn Quốc hội có nói về “một phong trào là báo chí ra tự chủ, tức là không dùng ngân sách nhà nước nữa” của nhiều năm về trước khi mà kinh tế thị trường mới bung ra, doanh nghiệp chỉ có một hình thức quảng cáo trên báo chí; nhưng cũng không ai ngờ mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, nếu tổng quảng cáo cả trực tuyến, cả trực tiếp chắc cũng mất đến khoảng 60%. Điều này gây nhiều khó khăn cho báo chí. Vì thế, ngay tại diễn đàn Quốc hội, khi bàn về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã lên tiếng nói hộ báo chí - một loại hình doanh nghiệp rất đặc thù: tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn phải đảm bảo làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; đảm bảo tuyên truyền sâu rộng để dân biết, dân tin và dân theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Nói như ĐBQH Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) thì cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí, thay vì 10% như trong dự thảo luật.
Cũng đồng tình với đề nghị này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang ở mức quá cao với lĩnh vực báo chí và đề nghị xem xét, ưu đãi thuế mạnh hơn cho báo chí. Theo đó, có thể áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa. Ngoài ra, đề xuất phương án xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để lĩnh vực này vượt qua khó khăn.
Nêu ý kiến tại tổ, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, báo chí không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp. “Tách báo in 10%, các báo chí khác 15% là chưa hợp lý, vì thu và phát hành báo in hiện nay rất thấp. Hiện hầu như không còn sạp báo tại Hà Nội, TPHCM. Tất cả đã chuyển sang các nền tảng khác, như báo điện tử, kể cả truyền hình cũng chuyển sang nền tảng số như xem trên YouTube… Chuyển đổi số của cơ quan báo đang diễn ra quyết liệt, muốn chuyển đổi số cần đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ lớn, cách thức chuyển đổi làm báo. Nên ưu đãi thuế 10% không có nhiều ý nghĩa” - ông Nghĩa nêu ý kiến.
Điều mà các ĐBQH nói dường như chính là nói hộ nỗi lòng của những người làm báo. Nếu gọi rằng đây là lĩnh vực kinh doanh chỉ là bởi, đa phần cơ quan báo chí vươn ra xin tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tự kiếm tiền nuôi nhau, giúp cho ngân sách bớt đi gánh nặng lương, đầu tư cơ sở vật chất, từ đó có thêm tiền đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng khác. Nhưng trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu áp thuế cao với một lĩnh vực đặc thù, có đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trên mặt trận thông tin, tư tưởng dường như chưa thật phù hợp.
Nhiều người làm báo chân chính đang nỗ lực góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Nếu cứ phải quá căng mình lo cơm áo gạo tiền, e rằng sẽ khó tập trung cao độ cho mục tiêu chính trị cao nhất mà mình đang gánh trên vai.
Hoàng Mai