Tại Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu có 12 cán bộ quản lý, giáo viên, 10 lớp học với 411 học viên. Ngoài học 8 môn văn hóa cơ bản theo quy định, Trung tâm còn liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh dạy nghề trồng trọt bảo vệ thực vật, quản lý môi trường đô thị, công nghệ thông tin, chế biến món ăn, công nghệ máy tính... giúp các em chọn học nghề phù hợp với năng lực, sở trường bản thân.
Em Lò Văn Nghiệp, lớp 11A4, Trung tâm GDTX Thuận Châu, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THCS, em được thầy cô tư vấn nên đã chọn vừa học văn hóa vừa học nghề công nghệ thông tin. Việc học song hành này giúp em khi ra trường có 2 bằng tốt nghiệp, có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm.
Giờ học công nghệ thông tin tại Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu.
Những ngày này, cùng với học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh, 175 em khối lớp 12 của Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu đang tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Cùng với đó, các thầy cô giáo trong trường còn hướng dẫn, tư vấn các em chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực của từng em.
Thầy giáo Hoàng Lê Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thuận, thông tin: Căn cứ vào điểm thi khảo sát đánh giá năng lực và quá trình học tập của các em tại trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đối với các em có học lực khá, giỏi, chúng tôi định hướng đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng; các em có học lực kém hơn thì các thầy cô định hướng chọn các trường nghề, phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Hằng năm, nhà trường thường xuyên phối hợp với các các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề để tư vấn cho các em. Qua khảo sát, có khoảng trên 50% số học sinh theo học các trường đại học, cao đẳng, số còn lại học trung cấp nghề hoặc các nghề ngắn hạn như: Làm đẹp, nấu ăn, sửa chữa xe máy, công nghệ thông tin...
Giờ học của cô và trò Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu.
Trên địa bàn huyện Thuận Châu có 34 trường bậc THCS, THPT, trung tâm GDTX, trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện với trên 30.000 học sinh. Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động tư vấn ngành, nghề phù hợp năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế gia đình của học sinh.
Ông Giang Minh Cảnh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu, cho biết: Phòng chỉ đạo các đơn vị trường học có bậc THCS đổi mới tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, đa dạng các hình thức tư vấn, hướng nghiệp thường xuyên trong suốt năm học; tăng cường phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh chọn nghề cho tương lai, phù hợp với khả năng của các em.
Giáo viên Trường THPT Bình Thuận tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp.
Việc giảng dạy các tiết giáo dục hướng nghiệp theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành được các trường phổ thông trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc. Các trường THPT trên địa bàn huyện có ít nhất 1 hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh/tháng; gần 80% số trường học liên kết với một số trường đại học, cao đẳng tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh tại trường; tổ chức trải nghiệm, tham quan các trường dạy nghề.
Từ năm 2024 đến nay, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 11 cuộc tuyên truyền lồng ghép tư vấn, hướng nghiệp cho trên 5.000 lượt học viên, học sinh tham gia. Các em được cung cấp thông tin về kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng các năm; tư vấn xu hướng lựa chọn ngành nghề, cơ hội việc làm; thông tin về các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp sử dụng lao động; cơ hội việc làm khi tham gia thị trường lao động đối với các ngành nghề đào tạo. Qua hoạt động kết nối, giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng tiếp cận, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực bản thân.
Lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình không chỉ giúp học sinh có kế hoạch học tập hiệu quả mà còn giúp giảm tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng do chọn sai ngành. Do vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp đúng đắn sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho học sinh cũng như gia đình; đồng thời, học sinh sẽ tìm kiếm được việc làm ổn định sau khi hoàn thành khóa học.
Thư Hiền