Giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống

Giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống
3 giờ trướcBài gốc
Hàng chục nghìn hộ dân được vay vốn
Chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn. Theo đó, các hộ được vay vốn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMT nông thôn như: Khoan giếng, xây nhà vệ sinh, bể biogas…
Gia đình bà Hoàng Thị Duyên, thôn Đình Chùa, xã Liên Sơn (Tân Yên) được vay vốn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh.
Ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh) cho biết, theo quy định, đối tượng được thụ hưởng chương trình này là hộ dân định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ sau khi trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình NS&VSMT nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị xuống cấp, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Mức vay là 10 triệu đồng/công trình và mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu đồng để làm 2 công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Hộ vay vốn không phải thế chấp tài sản, thời gian vay tối đa 5 năm; lãi suất cho vay hiện tại là 9%/năm.
Được biết, từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân trong tỉnh đã có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình NS&VSMT. Bà Hoàng Thị Duyên, thôn Đình Chùa, xã Liên Sơn (Tân Yên) cho biết: “Hai năm về trước, mỗi khi nấu ăn, tắm giặt, nhà tôi đều phải dùng gầu kéo nước từ giếng khơi, rất vất vả; có năm vào mùa khô, nước giếng cạn phải xin nước sinh hoạt; công trình vệ sinh tự hoại chưa có. Năm ngoái, khi được vay 20 triệu đồng từ chương trình NS&VSMT, gia đình đã khoan giếng mới, lắp đặt bể chứa, đường ống dẫn nước, xây dựng nhà vệ sinh khép kín nên mọi sinh hoạt thuận tiện hơn trước”.
Tương tự, gia đình các ông, bà: Ngô Thành Tuấn, Nguyễn Thị Nguyên, Nguyễn Thị Loát cùng ở thôn Đình Chùa, xã Liên Sơn; Đỗ Thị Hiền, Nguyễn Văn Chỉnh ở thôn Lục Liễu Trên, xã Hợp Đức (Tân Yên) cũng được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 51,2 nghìn khách hàng đang vay vốn từ chương trình NS&VSMT nông thôn với dư nợ đạt hơn 970 tỷ đồng. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn vay.
Tại huyện Lục Nam, gia đình các bà: Nguyễn Thị Chang, Đàm Thị Quyên ở thôn Quỳnh Sành, xã Nghĩa Phương, khi được vay vốn từ chương trình NS&VSMT đã sử dụng khoan giếng, mua téc chứa nước, xây bể biogas và công trình vệ sinh tự hoại phục vụ sinh hoạt. Nhờ vậy, các hộ khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chất thải được xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 51,2 nghìn khách hàng đang vay vốn từ chương trình này với dư nợ đạt hơn 970 tỷ đồng.
Giải ngân vốn vay kịp thời
Thực tế cho thấy, vốn của chương trình NS&VSMT nông thôn có vai trò quan trọng cải thiện môi trường, đời sống sinh hoạt của bà con, đồng thời góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam giải ngân vốn vay cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, những năm qua, đơn vị đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, TP chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình, hạn mức cho vay. Đặc biệt, trước khi giải ngân, phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, TP phối hợp với các tổ chức hội ở cơ sở tổ chức rà soát, thẩm định hồ sơ vay vốn để cho vay đúng đối tượng. Công tác giải ngân nhanh, kịp thời, bảo đảm quy trình nghiệp vụ. Ngân hàng phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã... để phục vụ tốt nhu cầu người dân.
Cùng đó, công tác giám sát cũng được chú trọng. Trong vòng một tháng sau khi giải ngân, các tổ chức hội nhận ủy thác cho vay vốn với ngân hàng tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường hợp thụ hưởng sử dụng vốn theo đúng quy định. Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở phát huy tốt vai trò đôn đốc các hộ trả lãi và gốc định kỳ. Với cách làm đó, đến nay, sau khi được vay vốn, các hộ đều xây dựng công trình đúng hướng dẫn như: Bể chứa nước, bể lọc, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại…
Có thể khẳng định, chương trình cho vay NS&VSMT đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, trước thực tế mức cho vay vốn còn thấp, ngày 15/7 vừa qua, Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp NS&VSMT nông thôn. Theo đó, các hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng bị hỏng, cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thì được vay vốn tối đa 25 triệu đồng/ công trình (thay vì 10 triệu đồng như trước); mỗi hộ được vay tối đa 50 triệu đồng xây dựng 2 công trình. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2024, Ngân hàng CSXH tỉnh bắt đầu thực hiện cho các hộ vay theo hạn mức mới để kịp thời xây dựng các công trình.
Minh Linh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/giup-nguoi-dan-cai-thien-chat-luong-cuoc-song-090805.bbg