Được vay vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, đồng bào vùng cao Mường Lát đã có sinh kế phát triển chăn nuôi bò, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một nhiệm vụ trọng tâm mà UBND huyện thực hiện để giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2024, UBND huyện phối với các xã, thị trấn, doanh nghiệp, đưa 260 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, tổng số lao động đang làm việc ở nước ngoài là hơn 1.300 người. Nhờ đó, số hộ nghèo ở hiện giảm, còn hơn 1.000 hộ.
Anh Phạm Văn Vĩ (xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc) đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2015, làm việc tại doanh nghiệp chuyên về sản xuất xăm, lốp xe, đến năm 2023 thì về nước. Anh đã tích lũy được 2 tỷ đồng, xây được ngôi nhà khang trang, mở quán kinh doanh tạp hóa, bán đồ ăn sáng và nước uống, cho thu nhập 130 triệu đồng/năm; đời sống đã tốt hơn trước rất nhiều.
Theo ông Quách Văn Thọ, Trường phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Năm 2025, UBND huyện sẽ tiếp tục đưa người dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển nông – lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Ảnh: TTXVN phát
Tại huyện miền núi Bá Thước, đang có nhiều lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Hằng năm, số ngoại tệ lao động gửi về địa phương đã góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng cao. Đối với những lao động hết thời hạn hợp đồng trở về nước, với số vốn dành dụm được, họ đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Năm qua, huyện miền núi Bá Thước đã đưa hơn 300 người dân đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu. Thu nhập bình quân của họ từ 30-35 triệu/người/tháng. Những lao động có tay nghề về cơ khí, xây dựng mức thu nhập cao hơn từ 40-45 triệu đồng/người/tháng, hầu hết khi về đã dành được số vốn để tạo việc làm, xây dựng, mở doanh nghiệp, trang trại...
Anh Phạm Văn Tuân, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết, anh đi xuất khẩu lao động từ năm 2008. Khi trở về anh có số vốn 1 tỷ đồng. Nhận thấy nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động rất lớn, anh Tuân đã mở Trung tâm đào tạo tiếng Hàn Quốc để phục vụ người dân có nhu cầu trước khi đi lao động nước ngoài. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, đến nay số lượng học viên của trung tâm luôn ở mức ổn định. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo với thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Ông Mai Đức Quý, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá thước cho hay, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục mở các hội nghị tuyên tuyền về chính sách, hướng dẫn người lao động biết về thủ tục di cư an toàn, đặc biệt là các ngành nghề lao động ở nước ngoài, để người dân biết và tham gia, tiến tới giảm nghèo.
Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng là hướng đi giúp đồng bào vùng cao Mường Lát thoát nghèo. Ảnh: TTXVN phát
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến nay, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước nước ngoài là trên 40.000 lao động, chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Hằng năm, số tiền họ gửi về gia đình khoảng 345 triệu USD, tương đương 8.797 tỷ đồng. Hiện Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường trọng điểm mà tỉnh đưa lao động đến làm việc. Để có nguồn lao động chất lượng, Sở đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động; tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan cho hơn 53.200 lượt lao động.
Sở căn cứ vào dân số, độ tuổi để giao chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho từng địa phương, đồng thời giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Trung tâm Lao động nhà nước tổ chức các hội nghị chuyên đề về đưa người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tuyến huyện, xã kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó giúp người dân yên tâm đi xuất khẩu lao động, tiến tới thoát nghèo.
Trong năm 2024, Thanh Hóa đã đưa trên 13.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 130,3% kế hoạch năm. Năm 2025, các đơn vị đang tiếp tục tuyển chọn, đào tạo nguồn lao động và tìm kiếm đối tác mới để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là ở các thị trường tiềm năng.
Bài, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)