Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh vào một buổi sáng đầu tuần. Giống như các trường học trong hệ thống công lập của tỉnh, ở đây, các thầy cô bắt đầu đón học sinh từ 7 giờ sáng. Trong căn phòng không quá lớn ngay tầng 1, các bạn nhỏ lớp 1B đang học tô chữ cái. Lớp có 8 bạn, trong đó, có 5 bạn rối loạn phổ tự kỷ, còn lại là khuyết tật trí tuệ, tăng động giảm chú ý...
Giờ học tại lớp tiểu học 1B, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.
Cô giáo Bùi Thị Thùy Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học 1B, thông tin: Để phù hợp với năng lực, nhu cầu của trẻ, trong kế hoạch bài giảng của tôi không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, thậm chí một nội dung bài học có thể kéo dài hàng tuần. Ngoài chuẩn bị giáo án chi tiết, trong tiết học, tôi luôn phải quan sát các con, nói lặp đi lặp lại để trẻ hiểu; từng động tác, hướng dẫn phải chậm để trẻ dễ ghi nhớ. Vừa dạy vừa dỗ dành, động viên, giúp các em kiểm soát được hành vi và thích thú với việc học.
Cuộc nói chuyện với chúng tôi tuy không dài, nhưng cô Thùy Phương phải ngắt quãng đến vài lần, bởi các em học sinh trong lớp khi thì la khóc, lúc lại quậy phá… Dáng vẻ cao lớn, gương mặt khôi ngô của em P.M.C, 16 tuổi khiến ít ai nghĩ được rằng em bị hội chứng tự kỷ, kém tương tác với giáo viên, không biết biểu hiện cảm xúc, không chủ động trong sinh hoạt. Sau gần 3 tháng gắn bó với trung tâm, với phương pháp can thiệp phù hợp, được học, được chơi với các bạn cùng trang lứa, em P.M.C đã có những thay đổi so với những ngày đầu, đã điều khiển được cảm xúc và biết tương tác với giáo viên.
Các cô giáo luôn kiên nhẫn, động viên, giúp trẻ kiểm soát được hành vi và thích thú với việc học.
Ở một căn phòng khác, cô giáo Nguyễn Thị Thiêm, giáo viên lớp mầm non Hoa Hướng Dương đang hướng dẫn các bạn lứa tuổi mẫu giáo tập đọc thơ và các bài tập vận động. Cô Thiêm cho biết: Các con vào đây phần lớn không có hoặc có ít khả năng giao tiếp; không có khả năng tập trung vào một việc gì hoặc chỉ tập trung vào một loại đồ chơi yêu thích. Vì thế, các giáo viên phải kết hợp các bài vật lý trị liệu, vận động, kích thích hoạt động của não bộ, giúp các con kiểm soát được hành vi của mình.
Thành lập tháng 9/2023, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có chức năng đánh giá, xác định khả năng và phân loại nhu cầu giáo dục đối với trẻ em có dấu hiệu khiếm khuyết hoặc dấu hiệu suy giảm chức năng, học sinh khuyết tật để can thiệp giáo dục sớm. Tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp cho từng đối tượng; hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Tổ chức các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ, học sinh khuyết tật phù hợp với sức khỏe của từng đối tượng đến học tập; bồi dưỡng, tư vấn cho người khuyết tật có nhu cầu về tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp.
Phụ huynh có con học tại Trung tâm được tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với từng trẻ.
Năm học 2024-2025, trung tâm có 4 lớp học theo hình thức chuyên biệt, gồm 2 lớp mầm non và 2 lớp tiểu học, với 30 học sinh; 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cô giáo Cà Thị Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Giúp trẻ khuyết tật thuận lợi trong quá trình hòa nhập cộng đồng, ngay từ đầu năm học, trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn kiến thức can thiệp sớm cho giáo viên cốt cán của trung tâm. Phối hợp với các đơn vị y tế khám, đánh giá mức độ khuyết tật cho từng học sinh; xây dựng phác đồ điều trị, tập luyện đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chủ động điều chỉnh linh hoạt chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập cho trẻ.
Bên cạnh đó, trung tâm còn kết nối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ hoàn thiện cơ sở vật chất, giúp đỡ trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, trung tâm có 18 phòng học, phòng chức năng, đánh giá, can thiệp sớm. Các phòng học được trang bị các thiết bị, đồ dùng học tập hiện đại, tiện nghi được Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup trao tặng.
Với sự giúp đỡ của các đơn vị, nhà hảo tâm, cùng đội ngũ thầy, cô giáo nhiệt huyết với nghề, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy dỗ trẻ yếu thế, giúp các em tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Lò Thái