Tổ thợ nề của anh Hlưm đã nhận thi công và giảm giá nhân công xây dựng nhà ở cho người dân hưởng thụ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: N.H
Gần 1 tháng qua, anh Hlưm (thôn 2) cùng với 5 thành viên trong tổ thợ nề tham gia ngày công giúp các hộ nghèo xây dựng nhà ở theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Anh Hlưm cho biết, tổ thợ nề của anh được hình thành sau khi tham gia lớp học nghề về xây dựng do xã phối hợp với huyện tổ chức hơn 10 năm trước. Ngay sau khi hoàn thành lớp học, anh và các thành viên thường xuyên được xã kêu gọi tham gia xây dựng các công trình nhà ở cho hộ nghèo theo các chương trình, dự án nên dần dần nâng cao được tay nghề.
“Ngoài làm nông, chúng tôi có thêm thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng từ nghề xây dựng. Thời gian gần đây, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, chúng tôi nhận xây dựng cho 2 hộ và sửa chữa nhà cho 1 hộ với 120 ngày công. Chúng tôi thống nhất chỉ nhận một khoản tiền công nhỏ để giúp các hộ giảm chi phí xây nhà”-anh Hlưm cho biết.
Còn anh Nốp-thành viên của tổ-bày tỏ: “Cũng như các thành viên khác, vừa qua, tôi tham gia tổng cộng 20 ngày công nhưng chỉ đề xuất nhận 2 triệu đồng từ 3 hộ. Tôi cảm thấy vui vì đã cùng với dân làng hỗ trợ bà con xây dựng nhà ở, sớm an cư, ổn định cuộc sống”.
Tương tự, tổ thợ nề của ông Hlũ (thôn 2) cũng tích cực tham gia hỗ trợ các hộ nghèo trong làng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Hlũ thông tin: Tổ có 3 thành viên, nhận phụ trách việc làm cửa và lợp tôn cho 2 hộ nghèo. Sau khi hoàn thành công trình, mỗi thành viên chỉ nhận tổng cộng 2 triệu đồng tiền công từ các hộ, chưa bằng một nửa so với giá nhân công bên ngoài. Thế nhưng ai cũng mong muốn đóng góp một phần công sức để hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở.
Ngắm nhìn căn nhà vừa được hoàn thiện của gia đình, bà Họp (thôn 2) phấn khởi chia sẻ: “Nhà mình có 4 đứa con nhưng không có đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn, phải sống trong căn nhà tôn tạm bợ. Được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình mừng lắm.
Phấn khởi hơn là khi thi công công trình, bà con lối xóm giúp ngày công giải phóng mặt bằng, còn các tổ thợ nề trong làng trực tiếp nhận xây dựng nhà thì chỉ lấy một khoản tiền công nhỏ, giúp gia đình giảm đáng kể chi phí. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, dân làng và các tổ thợ nề nhiều lắm!”.
Bà Họp vui mừng vì các tổ thợ nề giảm giá tiền công xây dựng nhà ở. Ảnh: N.H
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Nga-Bí thư Đảng ủy xã Glar-cho biết: Toàn xã có 2.242 hộ, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian qua, xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp dạy nghề về xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm... trên địa bàn. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân đã phát huy được các kiến thức có được để có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Glar, hiện nay, trên địa bàn xã có 14 tổ thợ nề với hơn 50 thành viên, thường xuyên nhận xây dựng các công trình dân sinh nên có thu nhập đáng kể.
Đáng chú ý, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, nhiều tổ thợ nề đã nhận thi công nhà ở và chỉ nhận một khoản nhỏ hoặc bằng nửa giá nhân công ngoài thị trường nên cũng giúp các hộ giảm đáng kể chi phí.
“Với sự hỗ trợ về ngày công của người dân cùng các tổ thợ nề, xã đã khắc phục được khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công để triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, trong số 38 hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở của xã, có 31 hộ đã chuyển vào nhà mới sinh sống”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin thêm.
NHẬT HÀO